Khẳng định tầm quan trọng của chữ Quốc ngữ với lịch sử dân tộc
Tại Hội thảo khoa học Bình Định với chữ Quốc ngữ, bên cạnh những nghiên cứu, trao đổi về lịch sử hình thành chữ Quốc ngữ, trong đó có vai trò khởi nguyên của Bình Định, các đại biểu còn đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của chữ Quốc ngữ đối với lịch sử dân tộc.
Nhà văn Hoàng Quốc Hải (Hà Nội):
Sinh mệnh của nền văn hóa Việt Nam
Các bạn hãy thử tưởng tượng xem, nếu cho đến bây giờ, những văn bản phản ứng của chúng ta với Trung Quốc, với cả thế giới về việc chủ quyền quốc gia đang bị xâm phạm trên biển, trên không vẫn bằng chữ Hán hay chữ Nôm (thứ chữ “trái quy luật” vì muốn đọc được phải thông thuộc chữ Hán hay nói cách khác: phải dùng ngoại ngữ để học tiếng mẹ đẻ) có phải là “đại thảm họa” không ?!
Đoàn chủ tọa Hội thảo. Ảnh: VĂN LƯU
Gần hai ngàn năm chúng ta phải đi mượn chữ. Suốt hai ngàn năm ông cha ta đã nhiều lần tìm cách thoát ách đô hộ phương Bắc nhưng mới thoát khỏi sự chiếm đóng chứ chưa thật sự thoát về văn hóa vì vẫn phải lệ thuộc vào văn tự của họ (mà từ văn tự sẽ lan tỏa qua tư tưởng, từ đó chi phối nhân sinh quan của người Việt). Chỉ đến khi cuộc cách mạng chữ viết vào đầu thế kỷ 20 thắng lợi, mới giúp ta có cơ sở thoát Trung một cách cơ bản về văn hóa. Lần đầu tiên trong lịch sử 4.000 năm, nước ta có một thứ chữ ghi lại đúng âm chuẩn của người Việt, đọc lên từ người có học đến mù chữ đều hiểu được nghĩa của nó; một thứ chữ cấu tạo theo hệ La-tinh, dễ học một cách lạ lùng!
Với tính phổ cập vô cùng cao, chữ Quốc ngữ tới nay đã được dùng thống nhất trên mọi miền đất nước và diễn tả một cách tinh vi nhất đủ mọi lĩnh vực từ luật pháp, văn chương, khoa học nhân văn và khoa học tự nhiên. Cùng với chữ viết thống nhất, ta lại có tiếng nói thống nhất từ đầu đến cuối đất nước. Chữ Quốc ngữ là biểu hiện cho sự đoàn kết toàn dân tộc trên toàn thế giới, người Việt Nam ở khắp nơi trên thế giới đều sử dụng ngôn ngữ này, tiếng nói này, trở thành một trong những vũ khí sắc bén nhất trong công cuộc giữ nước và xây dựng đất nước. Với ý nghĩa đó, chữ Quốc ngữ đã trở thành sinh mệnh của nền văn hóa Việt Nam.
Ông Nguyễn Tấn Hiểu, nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch danh dự Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Bình Định:
Tôn vinh những người sáng tạo, phổ biến, hoàn thiện chữ Quốc ngữ
Trước đây chưa có chữ riêng của dân tộc, ta phải du nhập chữ Hán, rồi mượn chữ Hán để sáng tạo ra chữ Nôm. Tuy nhiên, như các nhà nghiên cứu đã khẳng định, chữ Hán hay chữ Nôm đều rất phức tạp, người có thể tiếp cận và hiểu chỉ là thiểu số, không phổ cập được đến đại đa số quần chúng nhân dân, đã phần nào kìm hãm văn hóa và trí tuệ của đất nước.
Tại nơi tổ chức Hội thảo có trưng bày tác phẩm chữ Quốc ngữ xuất bản tại Nhà in Làng Sông.
Chữ Quốc ngữ ngày nay tức chữ Quốc ngữ La-tinh ra đời, là công cụ giúp cho dân tộc ta cất cánh, giúp nhân dân ta vượt khỏi rào cản về ngôn ngữ mà vươn xa hội nhập với nền văn minh của thế giới!
Chúng ta phải cùng nhận thức rằng, quá trình La-tinh hóa tiếng Việt bằng ngôn ngữ tượng thanh, tượng âm của các nhà truyền giáo phương Tây là nhu cầu tự thân của họ, vì mục đích truyền đạt (để truyền đạo), hoàn toàn không liên quan gì đến cuộc xâm lược nước ta của thực dân hơn 230 năm sau đó. Do vậy, chúng ta phải biết ơn, tôn vinh họ và có trách nhiệm phát huy những thành tựu chữ Quốc ngữ.
Nước ta nhờ chữ Quốc ngữ mà có sự phát triển như ngày nay và mãi mãi về sau. Vì vậy, nên chăng ở tầm quốc gia, tôi đề xuất: xây dựng Bảo tàng chữ Quốc ngữ Việt Nam, trong đó nói hết cả lịch sử, thành tựu và giá trị mang lại cho đất nước. Đồng thời, khôi phục lại những địa danh, công trình hình thành nên chữ Quốc ngữ; có hình thức tưởng nhớ, tôn vinh những người đã có công sáng tạo, truyền bá, phổ biến, hoàn thiện chữ Quốc ngữ…
GS Hoàng Chương:
Các thế hệ người Việt Nam đã tham gia xây dựng chữ Quốc ngữ
Bên cạnh khẳng định công đầu của các nhà truyền giáo phương Tây trong việc xây dựng một thứ chữ Việt La-tinh hóa, chúng ta cũng không quên vai trò của chính các thế hệ người Việt Nam cũng là “đồng tác giả” của chữ Quốc ngữ.
Trước Việt Nam, nhiều nhà truyền giáo phương Tây khác cũng đã thực hiện các công trình La-tinh hóa các ngôn ngữ châu Á khác như tiếng Nhật, tiếng Hoa… Nhưng thực chất các công trình La-tinh hóa tiếng Nhật, tiếng Hoa… cũng chỉ có chỗ trong sử sách, bảo tàng. Các công trình La-tinh hóa tiếng Việt cũng sẽ chỉ có số phận như thế nếu không có sự tiếp nhận cởi mở và lựa chọn quyết đoán, chủ động, mạnh mẽ của các thế hệ người Việt.
Trên thực tế, trong gần 400 năm ra đời, có đến 250 năm chữ Việt La-tinh hóa đã tồn tại và phát triển chậm trong các nhà thờ Công giáo ở nước ta. Nhưng chỉ trong hơn 100 năm từ cuối thế kỷ 19 đến nay, chữ Quốc ngữ đã có những phát triển vượt bậc, trở thành loại chữ hoàn toàn độc lập của người Việt. Chính cộng đồng người Việt đã nắm giữ vai trò quyết định trong việc bồi đắp, phát triển, hoàn thiện và truyền bá sâu rộng để đưa trở thành Quốc ngữ Việt Nam.
Bên cạnh công lao hoàn thiện và truyền bá chữ Quốc ngữ của những trí thức Việt tiền bối, không thể không nhắc đến hoạt động của Hội truyền bá Quốc ngữ những năm trước Cách mạng tháng Tám và phong trào Bình dân học vụ sau ngày đất nước giành độc lập dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng cộng sản Việt Nam. Đây là hai phong trào quần chúng to lớn có tính chất quyết định việc đưa chữ Quốc ngữ thực sự trở thành chữ Quốc ngữ của nước Việt Nam độc lập.
SAO LY (ghi)