Sử dụng phân bón Đạm xanh N+ và DAP Mặt trời mới trên cây lúa: Giảm chí phí đầu vào, tăng hiệu quả sản xuất
(BĐ)- Đó là đánh giá tại hội thảo mô hình sử dụng phân bón Đạm xanh N+ và DAP Mặt trời mới trên cây lúa, do Trung tâm Khuyến nông tỉnh phối hợp với Công ty cổ phần vật tư kỹ thuật nông nghiệp Bình Định tổ chức ngày 4.8, tại xã Nhơn Thọ (thị xã An Nhơn).
Tham quan mô hình sử dụng phân bón Đạm xanh N+ và DAP Mặt trời mới trên cây lúa tại xã Nhơn Thọ
Trên 3 ruộng lúa giống TBR 36 khác nhau (mỗi đám ruộng có diện tích 1.000 m2), nông dân xã Nhơn Thọ thực hiện 3 công thức bón phân với liều lượng khác nhau, để đánh giá hiệu lực phân bón Đạm xanh N+ và DAP Mặt trời mới đối với tình hình sinh trưởng phát triển của lúa, sâu bệnh hại và năng suất lúa. Theo bà con nông dân, trong 3 công thức đã áp dụng, công thức 1 (sử dụng phân bón với liều lượng 9 kg DAP Mặt trời mới, 6,8 kg Đạm xanh N+ Mặt trời mới, 9,25 kg Kali/sào) và công thức thứ 2 (bón 7,2 kg DAP Mặt trời mới, 9,75 kg Urê, 9,25 kali/sào) có nhiều ưu việt nhất, khi đã giảm 30% lượng Urê và 20% DAP, qua đó hạn chế chi phí đầu vào. Áp dụng 2 công thức nói trên giúp cây trồng phát huy tốt tiềm năng về năng suất và nâng cao hiệu quả sản xuất. Năng suất lúa đạt khoảng từ 3- 3,5 tạ/sào, sản phẩm được doanh nghiệp thu mua với giá cao hơn giá thóc tại thời điểm.
Hiệu quả từ các công thức phân bón Đạm xanh N+ và DAP Mặt trời mới trên cây lúa tại xã Nhơn Thọ là cơ sở để chính quyền và nông dân các địa phương trong tỉnh đánh giá và áp dụng, nhằm giảm chi phí đầu vào, tăng hiệu quả sản xuất, góp phần hạn chế ô nhiễm môi trường ở khu vực nông thôn.
T.SỸ