Âm nhạc thời kỳ hội nhập: Nếu không có định hướng sẽ thành thảm họa
Trong thời kỳ hội nhập, bên cạnh những sáng tạo âm nhạc nghiêm túc, đầy tâm huyết thì không ít những sáng tác bừa bãi với xu hướng lai căng, tây hoá.
Điều này tạo ra một số rối loạn trong biểu diễn và thưởng thức âm nhạc của công chúng. Nếu không có những định hướng thẩm mỹ thì sự lan tỏa của nó sẽ trở thành thảm họa, âm nhạc dân tộc sẽ mất dần bản sắc.
Trong một lần chia sẻ về chủ đề “Âm nhạc và những nỗi lo không của riêng ai”, nhà lý luận phê bình âm nhạc Nguyễn Thị Minh Châu đã từng thẳng thắn bày tỏ: “Chính thời bình lại là lúc đời sống âm nhạc gặp nhiều sóng gió hơn cả. Liên tiếp những biến động, bắt đầu từ các cơn sốt nhạc nhẹ, nhạc tiền chiến, nhạc hải ngoại, rồi đến du nhập liên tiếp các loại nhạc giải trí pop, rock, blues, jazz, R&B, Rap, hip hop…Nhạc Việt nương theo âm điệu nhạc Tây, rồi lại Hoa, Nhật, Hàn…”
Nếu có sự tiếp cận thường xuyên sẽ thấy đời sống nhạc Việt trong khoảng thời gian từ những năm 90 đến nay đã trải qua rất nhiều giai đoạn chạy theo trào lưu Tây hóa. Từ nhạc Hoa lời Việt với những tình khúc não tình, than thở đau đớn chuyện yêu đương cho đến tràn lan những ca khúc V-Pop hiện nay sáng tác theo xu hướng lai căng Hàn hóa, Nhật hóa…
Theo thạc sĩ Nguyễn Cẩm Lệ, chuyên viên phòng Nghệ thuật, Sở Văn hóa - Thể thao TP HCM, nếu đem ra quốc tế, khó mà có sự phân biệt đâu là nhạc Hàn, đâu là nhạc Việt bởi những tác phẩm đó không có màu sắc riêng.
Không những giai điệu mà ca từ cũng thường chen vào những câu chữ nước ngoài như: “You say you come to me nên anh rã rời” (Ngọt ngào -Lương Bằng Quang), “I don’t know, người ta nói hạnh phúc sẽ chẳng bao lâu” (Cho ta gần nhau hơn - Chipu), “Sarang hayo, đó chính là lời yêu anh trao” (Lời yêu đó -HKT).
Không chỉ ảnh hưởng bởi sáng tác mà ngay cả cách đặt tên, nghệ danh của các ca sĩ trẻ, nhạc sĩ trẻ cũng “sính ngoại”. Có thể kể đến một vài cái tên rất hot hiện nay như: Arika Phan, Noo Phước Thịnh, Soobin Hoàng Sơn, Tiên Cookie, Hamlet Trương…
Nhạc sĩ Hữu Xuân, người nổi tiếng bởi những bản tình ca Hoa tím ngày xưa, Hà Nội mùa lá bay, Thuyền và Biển… không khỏi thất vọng khi bàn đến nhạc trẻ. Nhạc sĩ cho rằng, bản sắc dân tộc là sự sống còn của một dân tộc, của một đất nước, thế nhưng rất nhiều nghệ sĩ trẻ không ý thức được điều này.
Chưa kể, hiện nay vì thương mại, quảng cáo, nhiều ca khúc, nhiều chương trình biểu diễn âm nhạc thiếu thẩm mỹ, chất lượng nghệ thuật kém vẫn được giới thiệu, lăng xê trên các kênh truyền hình, các phương tiện truyền thông đại chúng ở các khung giờ vàng. Điều này góp phần cho việc quảng bá những sản phẩm kém chất lượng ngày một tràn lan trong xã hội.
Theo các nhạc sĩ và các nhà nghiên cứu văn hóa, âm nhạc, để đẩy lùi những mảng tiêu cực trong sáng tác ca khúc, góp phần định hướng, nâng cao thẩm mỹ âm nhạc cho công chúng, cần có nhiều giải pháp.
PGS-TS Nguyễn Thị Mỹ Liêm, Phó Chủ tịch Hội Âm nhạc TPHCM cho rằng, ngoài việc thắt chặt trong vấn đề cấp phép phổ biến ca khúc, kiểm duyệt chặt chẽ khâu biểu diễn, kiểm duyệt kỹ các chương trình phát sóng, tổ chức nhiều giải thưởng vinh danh các ca sĩ nhạc sĩ có những đóng góp những sản phẩm nghiêm túc… thì việc đẩy mạnh giáo dục giới trẻ là một việc làm cần thiết.
Song song đó cần thường xuyên mở các lớp bồi dưỡng kiến thức sáng tác, cũng như âm nhạc truyền thống, đặc biệt chú ý đến các ca sĩ, nhạc sĩ chưa được đào tạo qua trường lớp.
Tính dân tộc và tính hiện đại là hai yếu tố luôn mang tính sống còn của một tác phẩm, góp phần quan trọng trong việc hình thành phong cách sáng tác của mỗi tác giả, tác phẩm.
Nền âm nhạc Việt Nam có phát triển đúng hướng hay không đó còn là nhiệm vụ quan trọng cấp bách của Hội Nhạc sĩ Việt Nam và các cơ quan quản lý văn hóa trong quá trình hội nhập quốc tế./.
Theo Thuỳ Dung (VOV)