|
Múa “tặng vải” - một tiết mục do các lưu học sinh Lào thể hiện trong chương trình đón Tết Bunpymay |
Ngày Tết có lễ chúc phúc, múa Lăm-vông, té nước, buộc chỉ cổ tay cho nhau để cầu chúc những điều may mắn. Tất cả chỉ gói gọn ở Trung tâm phục vụ sinh viên trường ĐHSP Quy Nhơn. Thế mà, các bạn lưu học sinh Lào đang sống và học tập tại đây đều thốt lên: Tết vẫn vui như ở nhà!
Rời khỏi một điệu múa với những tiết tấu sôi nổi, rộn rã, trên khuôn mặt còn rịn mồ hôi, Visít - 20 tuổi, quê ở tỉnh Chămpasắk - vẫn vui vẻ trò chuyện về cảm nghĩ đón Tết Bunpymay.
- Vui lắm! Đón Tết ở đây không khác gì ở nhà, bây giờ đã bớt nhớ nhà hơn! (Visít nói tiếng Việt khá sõi). Ba ở bên Lào là giáo viên. Sang Việt Nam học ngành Toán, Visít cũng mong muốn được làm giáo viên như ba để dạy học cho các em nhỏ ở quê hương Chămpasắk.
Bước vào Lễ chúc phúc, một cái lễ không thể thiếu được của mỗi gia đình, họ tộc ở bên Lào vào ngày Tết; bên mâm “phả khoảnh” (gồm có một cái tháp làm bằng lá chuối xung quanh có nến và rất nhiều hoa, trái cây, chỉ buộc cổ tay), mọi người đang chắp tay cầu nguyện. Sau bài kinh do“người đại diện” lưu học sinh Lào đọc xong, là lễ “hốt nặm” (té nước). “Phải té thật nhiều nước cho mọi người, điều đó có nghĩa là tắm rửa cái xấu, cái không tốt ra đi để đón cái may mắn về…”- Anh Sâmranịt Aphiđệt, 38 tuổi, Phó hiệu trưởng trường Phổ thông dân tộc nội trú tỉnh Chămpasắk sang Việt Nam để học cao học về quản lý giáo dục, giải thích.
Cô gái có gương mặt xinh xắn tiến lại phía tôi từ lúc nào. Cô buộc chỉ vào cổ tay cho tôi và nói: “Chúc chị có sức khỏe dồi dào, hạnh phúc và may mắn trong công việc” - cô nói bằng Tiếng Việt hơi bị méo tiếng nghe rất dễ thương. Cô gái tên là Xúcxavẳn Tôvôngchịt, năm nay 19 tuổi, quê ở Phônkung, thị xã Pácsê, tỉnh Chămpasắk. Xúcsavẳn sang Việt Nam học môn chính trị. Cô giải thích: “Có biết nhiều về chính trị thì sống mới tốt hơn, có lập trường hơn”. Thítđavông Sisavẻngsúc, cũng 19 tuổi, quê ở huyện Samakhysay, tỉnh Atôpư - có nước da ngăm ngăm nhưng trông rất duyên - cùng chia sẻ: “Lúc mới sang Việt Nam giao tiếp còn khó khăn, nhớ nhà lắm! Nhưng bây giờ thì quen rồi. Thítđavông đã có rất nhiều bạn Việt Nam. Các bạn Việt Nam thật là tốt bụng, người dân Việt Nam sống tình cảm và rất thân thiện với học sinh Lào”.
Hăng hái, nhiệt tình nhất từ đầu buổi đến giờ có lẽ là chàng trai Vilaphôn. Anh là cán bộ làm trong ngành Du lịch của tỉnh Chămpasắk sang Việt Nam theo học môn chính trị. Anh cho biết rất yêu thích công việc của mình và muốn đi học để về phục vụ tốt hơn. Để có thể giới thiệu với bạn bè thế giới nhiều hơn về những phong tục, tập quán, truyền thống văn hóa của dân tộc mình. Với khả năng giao tiếp bằng tiếng Việt khá chuẩn xác, Vilaphôn còn cắt nghĩa cho tôi về “Bunpymay” (Lễ hội mừng năm mới): “Đây vừa là lễ hội cầu mưa mang tính chất Phật giáo (người Lào coi Phật giáo là quốc đạo), vừa là lễ đón năm mới. Mở đầu ngày hội, mọi người té nước cho Phật, sư sãi và những người già có uy tín nhất, rồi té nước chúc phúc cho nhau. Nhân dân nhiều nơi còn làm lễ phục sinh coi như việc thiện mừng năm mới. Buổi chiều tàn Tết, người ta thường rủ nhau ra sông lấy cát về đắp thành những ngọn tháp nhỏ quanh gốc cây đa cổ thụ, đỉnh tháp cắm cờ đuôi nheo và giăng chỉ ngũ sắc. Các sư đến đọc kinh cầu nguyện mong mọi người sang năm mới may mắn, thành đạt như những hạt cát trên đỉnh tháp”…
Ông Trần Tín Kiệt, Hiệu trưởng trường ĐHSP Quy Nhơn - là người được buộc chỉ cổ tay nhiều nhất, vui vẻ cho biết: Đây là năm học đầu tiên, trường đón nhận 101 cán bộ và học sinh từ 2 tỉnh Chămpasắk và Atôpư của Lào sang đây học tập. Nhà trường cũng đã tạo mọi điều kiện tốt nhất về ăn, ở, sinh hoạt để các em có thể sống và học tâp thoải mái trong môi trường mới. Trong năm đầu tiên này, các em còn tập trung học tiếng Việt. Trường đã giao nhiệm vụ cho Khoa Ngữ văn quản lý việc học tập của các em và nhất là tạo cho các em một môi trường giao tiếp tốt qua việc cùng trao đổi, sinh hoạt với sinh viên người Việt Nam trong trường. Tổ chức lễ hội này, chúng tôi cũng nhằm vào mục đích giao lưu văn hóa giữa sinh viên Việt Nam và sinh viên Lào, mong muốn đem lại cho các em những ngày vui vẻ trong dịp Tết cổ truyền của dân tộc.
Lễ hội vui mấy rồi cũng đến lúc tàn. “Việt - Lào hai nước chúng ta, tình sâu hơn nước Hồng Hà - Cửu Long”; hai câu thơ quen thuộc nói về tình đoàn kết máu thịt Việt - Lào vang vang bên tai tôi cùng với lời tạm biệt của những người bạn Lào tuy mới quen nhưng vô cùng gần gũi. Trong men rượu thơm, khuôn mặt của mỗi người long lanh và rạng ngời hơn.
. Ngọc Quỳnh
|