Nghề nạo vét cống
16:11', 25/4/ 2003 (GMT+7)

Một công nhân đang nạo vét cống

Giữa dòng người tấp nập trên đường phố, một tốp công nhân lúi húi kéo từng gàu bùn từ dưới lòng cống đen ngòm. Trên đầu họ nắng chói chang, dưới hố ga hơi nóng và mùi hôi bốc lên phả vào mặt.

* Chuyện thường ngày

Rời khỏi nhà non 7 giờ sáng, những công nhân nạo vét cống hướng thẳng đến các điểm đã được cơ quan phân công theo phản ảnh của người dân. Trên đường Phan Bội Châu (Quy Nhơn), một nắp cống được bật mở, các dụng cụ cũng được nhanh chóng đưa xuống lòng cống để bắt đầu công việc. Anh Màu, một trong 3 người của nhóm công nhân được phân công làm nhiệm vụ hôm ấy, nhanh chóng chui tọt vào trong lòng cống để nạo vét từng đống chất thải ứ đọng. Lòng cống khá chật, anh Màu phải khom lưng và xoay xở rất khó khăn mới lôi được từng mớ rác thải ra ngoài. Nước dưới lòng cống đen ngòm, bốc mùi rất khó chịu. Khoảng 15 phút sau, anh Màu mới nhảy lên mặt đất, quần áo ướt sũng, người dính đầy bùn. Một người khác lại nhảy xuống lòng cống thay anh, và cứ thế, nhóm 3 người thay phiên cho nhau đến khi công việc hoàn thành. Công việc của họ bao gồm các khâu: nạo vét bùn đất, xúc bùn đất dưới lòng cống và đổ vào xe đẩy. Trong các công đoạn thì nạo là khó khăn hơn cả. Để nạo đất cần đến một trục quay có dây cáp gắn với một ki lớn. Người dưới lòng cống ấn ki vào đất, hai người ở trên quay trục kéo sợi dây cáp chuyển động và đồng thời kéo luôn gàu đất ra ngoài. Vào mùa mưa, các công nhân nạo vét cống phải túc trực 24/24 giờ để khai thông đường cống cho nước thoát kịp.

* Nghề nguy hiểm

Ông Võ Hồng Khoa, đội trưởng Đội Xây dựng - sửa chữa - nạo vét cống thuộc Công ty Môi trường đô thị Quy Nhơn, cho biết: “Đội có 31 công nhân chuyên làm công việc quản lý, kiểm tra và xử lý các vụ việc trên 80.000m đường cống, gần 3.000 hố gas, hố xả và 13 hồ sinh học. Với số lượng người này, hàng tháng đã giải quyết hơn 100 m3 bùn đất và các chất thải, đưa ra khỏi đường cống và các hố gas”.

Hầu hết các công nhân nạo vét cống đều còn khá trẻ và có chung hoàn cảnh: gia đình khó khăn. Người thâm niên trong nghề này là anh Nguyễn Văn Màu cũng chỉ ngoài 40 tuổi, đã 20 năm gắn bó với công việc nạo vét cống. Anh tâm sự: “Ai mới vào nghề cũng rất ngại tiếp xúc nước dưới cống, nhất là khi gặp phải xác động vật chết bị thối rữa bốc mùi rất kinh khủng, nhưng làm quen rồi thì chẳng còn sợ gì nữa”. Mức lương hàng tháng của công nhân được tính theo thâm niên trong nghề, người mới vào nghề có mức lương khoảng 400 nghìn đồng, người cao nhất có mức lương khoảng 1 – 1,2 triệu đồng.

Công việc của những người nạo vét cống tuy trước mắt chưa thấy có tác hại gì lớn, nhưng về lâu dài thì đây là một công việc độc hại, ảnh hưởng đến sức khỏe, vì thường xuyên tiếp xúc với các loại chất thải, hít khí độc. Bởi vậy, nạo vét cống là nghề được đánh giá có mức độ độc hại, nguy hiểm cao. Kết quả khám sức khỏe định kỳ hàng năm tại Công ty Môi trường đô thị Quy Nhơn cho thấy, nhiều công nhân làm công việc nạo vét cống thường mắc phải những căn bệnh về phổi. Chế độ họ nhận được là 4.500 đồng/ngày công đối với những người trực tiếp làm công việc dưới cống và 3.000 đồng/ngày công đối với người không làm việc dưới cống. Công ty Môi trường đô thị Quy Nhơn đã dùng số tiền này để mua sữa, đường, dầu… bồi dưỡng cho họ. Ngoài ra hàng năm họ còn nhận được quần áo bảo hộ lao động, được khám sức khỏe định kỳ và được cấp thuốc miễn phí khi đau ốm.

Buổi chiều công việc của họ kết thúc, nắp cống được đậy lại như cũ để trả lại vẻ đẹp cho thành phố. Ngày mai, họ lại tiếp tục với con phố khác và cũng chỉ chừng ấy công việc, một công việc thầm lặng, ít người để ý nhưng chính họ đã góp phần cho thành phố được sạch đẹp, văn minh.

. Anh Tú

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Ăn Tết Lào trên đất Quy Nhơn  (24/04/2003)
Những cuộc hôn nhân chân trời - góc biển  (23/04/2003)
Nghề bán vé số  (23/04/2003)
Cái chữ ở làng Hà Văn Trên  (23/04/2003)
Mưu sinh nơi đất khách  (21/04/2003)
Mãi mãi sáng ngời những di sản tư tưởng vĩ đại của Lê-nin  (21/04/2003)
Số vụ tai nạn giao thông vẫn không giảm  (20/04/2003)
Mười năm thắp sáng những ước mơ  (20/04/2003)
Nhìn vào thị trường bảo hiểm xe máy  (18/04/2003)
Bún cá Quy Nhơn trên đất Sài Gòn  (17/04/2003)
Sẽ được quy hoạch đồng bộ  (16/04/2003)
5 năm, một chặng đường phát triển  (15/04/2003)
Những giọt máu “hồi sinh”  (15/04/2003)
Chuyện dạy nghề ở làng nghề Nhơn Hậu  (13/04/2003)
Tản mạn về quốc lễ giỗ Tổ vua Hùng  (11/04/2003)