Bác An khuyến học
16:57', 16/5/ 2003 (GMT+7)

“Có những việc xin rất quan trọng.” Đó là câu phát biểu của bác Hồ Trọng An, Chủ tịch Hội khuyến học xã Phước An, huyện Tuy Phước, tại Hội nghị sơ kết một năm hoạt động của Hội khuyến học Tuy Phước. Và, câu nói đầy cá tính đó đã thôi thúc tôi đến gặp bác ở thôn Quy Hội, xã Phước An.

Xin - là bác nói vui, lời nói vui của một người 75 tuổi hoạt động cho mục đích khuyến học, chứ thực ra bác vận động xây dựng Quỹ khuyến học xã. Bác vận động ở những đám giỗ vì đám giỗ có những người ở xa về quê. Bác vận động cán bộ huyện. Bác vận động Công ty trách nhiệm Đại Nghĩa (500.000 đ), Nhà máy đường (500.000 đ), Xí nghiệp 273 (500.000 đ). Bác còn vận động các hội, đoàn thể ở xã (Phụ nữ, Nông dân, Cựu chiến binh, Thanh niên). Nhờ cách vận động năng động như vậy, từ ngày Đại hội Hội khuyến học xã (16-8-2001) đến nay, Quỹ khuyến học xã có được hơn 11 triệu đồng, xếp thứ hai toàn huyện. Quỹ đã hướng vào những hoạt động khuyến học hết sức có ý nghĩa ở một xã khó khăn như xã Phước An như khen thưởng cho 25 học sinh và giáo viên giỏi, hỗ trợ cho 18 em học sinh có hoàn cảnh khó khăn của xã. Một thành công nổi bật khác của bác là đã xúc tiến thành lập Hội khuyến học xã và tổ chức Đại hội lần thứ nhất sớm nhất huyện. Đặc biệt, khi huyện mới chỉ xúc tiến thành lập hội khuyến học đến cấp xã thì bác đã mở rộng việc xây dựng Hội đến cấp thôn (8 chi hội), trường học (5 chi hội) và Ban khuyến học dòng họ (1 dòng họ). Đến nay toàn xã có trên 300 hội viên.

Câu nói của bác còn xuất phát từ quan niệm của bác về tầm quan trọng của học hành. Theo bác việc học như mài dao, càng mài càng bén, con người không học sẽ mòn mỏi, u mê đi. Và con người có học mới tiếp thu được cái mới, để làm việc tốt hơn chứ không phải ngồi nói chữ lúc trà dư tửu hậu. Chính vì vậy mà người người cần học tập, dòng họ cần học tập, xóm làng cần học tập và xã hội cần học tập. Và mọi hoạt động khuyến học hướng tới mục đích đó. Khi ngồi nói chuyện với bác, tôi thật xúc động khi nghe bác tâm sự rằng sau 31 năm đi bộ đội (từ 1950 – 1980), bác muốn góp phần đời còn lại cho quê hương. Và điều này lý giải cho tôi thắc mắc về sự nhiệt tình của một người 75 tuổi.

Dự định của bác sắp tới là thành lập Trung tâm học tập cộng đồng của xã. Bác sẽ chủ động làm ngay cả khi huyện đang chủ trương hình thành mô hình điểm ở xã Phước Sơn. Mô hình Trung tâm học tập cộng đồng hiện nay có phương thức hoạt động hết sức thiết thực, nếu hoạt động hiệu quả sẽ giải quyết được nhu cầu học tập, trao đổi thông tin của mọi loại đối tượng ở nông thôn. Cái gì cần thì làm ngay, tôi biết tính bác như vậy và tôi tin rằng bác sẽ thành công.

. Ngô Hồng Sơn

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Tòa án và Địa chính cùng làm trái pháp luật!  (15/05/2003)
Công tác Đội và phong trào thiếu nhi tỉnh Bình Định: Lớn lên cùng đất nước  (14/05/2003)
Chuyển biến trong xây dựng đời sống văn hóa cơ sở ở Vĩnh Thạnh  (13/05/2003)
Thư viện tuyến cơ sở: nỗi niềm ai tỏ  (12/05/2003)
Tư tưởng Hồ Chí Minh về học tập của cán bộ, đảng viên  (12/05/2003)
An Lão - sốt nấm “linh chi”  (11/05/2003)
Người hết lòng vì sự nghiệp khuyến học  (09/05/2003)
Xứng đáng với niềm tin yêu của Đảng bộ và nhân dân tỉnh nhà  (08/05/2003)
Ghi nhận từ hội thi “Văn hóa ẩm thực các món chay”  (07/05/2003)
Đánh bại cuộc hành quân Atlăng   (06/05/2003)
Luân chuyển cán bộ - bước đột phá mới  (06/05/2003)
Cơm bụi   (05/05/2003)
Karl Marx - một vĩ nhân  (05/05/2003)
Ý thức chấp hành Luật Giao thông được nâng lên  (04/05/2003)
Điểm sáng Phụng Sơn  (02/05/2003)