Kỷ niệm lần thứ 185 năm ngày sinh của Karl Marx (5-5-1818/5-5-2003):
Karl Marx - một vĩ nhân
16:41', 5/5/ 2003 (GMT+7)

Karl Marx (1818-1883)

Ngày 5-5-1818, cách đây tròn 185 năm, tại thành phố Trier (Đức), cậu bé Karl Marx cất tiếng khóc chào đời. Chỉ khoảng nửa thế kỷ sau đó, Karl Marx trở thành một vĩ nhân - người sáng lập Chủ nghĩa Cộng sản Khoa học và là người thầy thiên tài của giai cấp vô sản thế giới.

Karl Marx sinh trưởng trong một gia đình trí thức ở Đức. Thân phụ của Marx là cụ Heinrich Marx, một luật sư danh tiếng và mẹ là bà Henrietta Presburg, một phụ nữ gốc Hà Lan. Luật sư Heinrich Marx là người học rộng, hiểu biết nhiều lĩnh vực và có một nhân cách đặc biệt. Ông là người có tư tưởng tiến bộ và phần nào có ảnh hưởng của Chủ nghĩa tự do của các nhà tư tưởng Pháp thế kỷ XVIII, như Jean Jacques Rousseau, Voltaire… Cụ Heinrich Marx chính là chỗ dựa tinh thần quan trọng, tạo dựng nên nhân  cách, tư tưởng, tình cảm và trí tuệ của Karl Marx sau này. Gia đình cụ Heinrich Marx sinh hạ được 9 người con (4 trai, 5 gái). Trong gia đình, Cụ Heinrich Marx rất quan tâm đến sự phát triển về tinh thần của con cái, nhất là đối với Karl Marx.

Trong số 9 anh chị em gia đình Heinrich, Karl Marx là cậu bé có tư duy khá đặc biệt. Trong hầu hết các cuộc chơi với bạn bè cùng trang lứa, Marx luôn tỏ ra nổi trội hơn hẳn. Cậu thường bày ra những trò chơi có tính chất thông minh, trí tuệ và biết “sáng tác” ra những câu chuyện với một trí tưởng tượng lạ kỳ. Năm 1830,  Karl Marx được vào học trường trung học ở Trier. Trong suốt thời gian học tập, Marx luôn là một học sinh xuất sắc. Năm 1835, Karl Marx tốt nghiệp trung học và trở thành sinh viên Luật khoa của Trường Đại học Tổng hợp Bonn. Nghe theo lời khuyên của thân phụ, khoảng 2 tháng sau, Karl Marx chuyển qua học ở Trường Đại học Tổng hợp Berlin. Trong thời gian ở trường, bên cạnh luật học, sử học, ngoại ngữ, Marx bắt đầu nghiên cứu về triết học. Ông thường quan tâm đến lịch sử triết học cổ đại, nhất là những tác phẩm của Hégel. Ngày 15-4-1841, tại Trường Đại học Tổng hợp Jena, Karl Marx vinh dự được nhận bằng Tiến sĩ triết học với luận án “Về sự khác nhau giữa triết học tự nhiên của Démecrite và triết học tự nhiên của Eùpicure”. Năm ấy Karl Marx mới 23 tuổi.

Khoảng cuối tháng 10-1843, Karl Marx sang Paris (Pháp). Mặc dù chỉ ở Pháp một năm rưỡi, nhưng đối với Karl Marx đây là quãng thời gian cực kỳ ý nghĩa. Tại đây, lần đầu tiên Karl Marx đã gặp Friedrich Engels. Hai người nhanh chóng trở thành đôi bạn tri âm, tri kỷ, cùng chung một lý tưởng. Đồng thời, chính thời gian sống ở Pháp đã giúp Marx tìm hiểu sâu hơn cơ cấu nội tại của sự phát triển chủ nghĩa tư bản và những mâu thuẫn của nó.

Tháng 4-1844, Karl Marx bắt đầu viết “Bản thảo kinh tế - triết học năm 1844” và đến tháng 8 thì hoàn thành tác phẩm. Đây là tiền đề để Marx thực hiện thành công bộ “Tư Bản” sau này. Tháng 2 năm sau (1845) cùng với Engels, Karl Marx cho ra đời tác phẩm “Gia đình và Thần thánh”. Cuốn sách tập trung phê phán chủ nghĩa duy tâm chủ quan của phái Hégel trẻ đồng thời đề cao vai trò quyết định của quần chúng nhân dân trong lịch sử. Tiếp đó, trong 2 năm (1845-1846)  Marx và Engels lại cùng nhau thực hiện Hệ tư tưởng Đức. Qua cuốn sách, 2 ông tiếp tục phê phán  chủ nghĩa duy tâm của phái Hégel trẻ, đồng thời phê phán chủ nghĩa duy vật không nhất quán của Ludwig Feuerbach. Những cơ sở lý luận của học thuyết cộng sản của Marx và Engels dần dần có ảnh hưởng trong phong trào công nhân và được một số nhà lãnh đạo trong “Đồng minh những người chính nghĩa” tiếp thu. Tháng 6-1847, theo đề nghị của Marx và Engels, “Đồng minh những người chính nghĩa” được đổi tên thành “Đồng minh những người cộng sản”.

Năm 1848, được sự ủy nhiệm của Đại hội II “Đồng minh những người cộng sản”, Marx và Engels đã viết “Tuyên ngôn của Đảng cộng sản”. Tuyên ngôn chính thức được công bố tại London (Anh) vào ngày 24-2-1848. Đây là một văn kiện cực kỳ quan trọng có tính chất cương lĩnh của chủ nghĩa Marx và đảng vô sản. Tuyên ngôn có vai trò như một  “kim chỉ nam” định hướng, soi sáng cho giai cấp công nhân con đường đấu tranh để thoát khỏi chế độ nô lệ tư bản chủ nghĩa và đưa cách mạng vô sản đến thắng lợi. Trong Tuyên ngôn, Marx và Engels đã nêu lên quy luật phát triển cơ bản của xã hội tư bản, vạch rõ lợi ích đối lập giữa giai cấp tư sản - vô sản và sứ mệnh lịch sử của giai cấp vô sản; việc cần thiết phải thành lập một chính đảng của giai cấp vô sản, một nền chuyên chính vô sản; một số biện pháp cụ thể mà nhà nước vô sản phải tiến hành, nhằm tiêu diệt chế độ tư hữu tư nhân về tư liệu sản xuất, xây dựng chế độ sở hữu công cộng, thiết lập một xã hội mới; những nguyên lý cơ bản về sách lược của Đảng cộng sản trong cuộc đấu tranh cho dân chủ và chủ nghĩa xã hội. Qua Tuyên ngôn, Marx, Engels và những người cộng sản công khai tuyên bố rằng: “Sự sụp đổ của chủ nghĩa tư bản và thắng lợi của giai cấp vô sản đều là tất yếu như nhau”. Phần cuối của Tuyên ngôn, 2 ông đã ra một lời kêu gọi bất hủ: “Vô sản tất cả các nước, đoàn kết lại!”. 16 năm sau, ngày 28-9-1864, tại London (Anh), dưới sự chủ trì của Karl Marx lần đầu tiên Quốc tế cộng sản được thành lập. Với vai trò người tổ chức và là lãnh tụ của Quốc tế cộng sản, Karl Marx đã dành toàn bộ tâm trí của mình để thống nhất phong trào công nhân các nước liên hiệp lại.

Trong sự nghiệp hoạt động cánh mạng của mình, ngoài những tác phẩm nói trên, Karl Marx đã viết khá nhiều tác phẩm nghiên cứu sâu sắc, như: “Sự bần cùng của triết học”, “Góp phần phê phán môn chính trị kinh tế học”, “Phê phán cương lĩnh Gôta”, “Tư bản”… Tiêu biểu trong số này là bộ sách “Tư bản”. Bộ sách gồm 3 tập. Tập đầu tiên được xuất bản vào năm 1867. Hai tập còn lại do Engels bổ sung, hoàn chỉnh và cho xuất bản. Trong bộ “Tư bản” của mình, Karl Marx đã trình bày những vấn đề hết sức quan trọng của sản xuất tư bản nói chung, đồng thời vạch rõ quy luật giá trị thặng dư dưới hình thái giá trị thặng dư tuyệt đối, giá trị thặng dư tương đối và quy luật giá trị với tư cách là quy luật chung của nền sản xuất hàng hóa được phát triển trong quy luật cung - cầu, trong những quy luật của lưu thông tiền tệ v.v… Đồng thời, trong kết luận của bộ “Tư bản”, Marx đã khẳng định sự tất yếu phải thủ tiêu nền sản xuất tư bản chủ nghĩa và thay thế bằng một hình thái tổ chức cao hơn nó của xã hội cộng sản chủ nghĩa. Ngoài ra, một cống hiến cực kỳ quan trọng của Karl Marx đối với giai cấp công nhân là việc đề nghị thành lập các đảng vô sản ở tất cả các nước, sau khi Quốc tế cộng sản đệ nhất giải tán.  Marx chỉ rõ: Thành lập các đảng vô sản ở các nước là nhiệm vụ hàng đầu trong phong trào công nhân.

Khi tổng kết nguồn gốc của học thuyết Marx, V.Lenin đã khẳng định: “Nó là người thừa kế chính đáng của tất cả những cái tốt đẹp nhất mà loài người đã tạo ra hồi thế kỷ XIX”. Thật vậy, ngay sau khi vừa mới ra đời, học thuyết Marx đã từng bước lan rộng khắp thế giới, tạo thành các cao trào quần chúng chống lại các thế lực phong kiến, tư bản đế quốc và hình thành các lực lượng cách mạng có tổ chức, có mục đích chiến đấu cụ thể, rõ ràng. Trong suốt thế kỷ XX, học thuyết Marx đã trở thành “kim chỉ nam” và là động lực tinh thần to lớn đối với nhiều cuộc cách mạng, làm thay đổi bộ mặt thế giới; nhất là việc ra đời của hàng loạt các nước XHCN.

Sau cuộc khủng hoảng chính trị dẫn đến sự sụp đổ của Liên bang cộng hòa XHCN Xô Viết và sự tan rã của hàng loạt các nước XHCN ở Đông Âu, các thế lực thù địch vội vàng tuyên bố “sự cáo chung” của chủ nghĩa Marx. Nhưng, họ đã lầm. Bởi vì, thất bại của hệ thống các nước XHCN tuy không nhỏ, song xu thế lịch sử thì không thể thay đổi. Năm 1995, nhân kỷ niệm 100 năm chủ nghĩa Marx, tại Paris (Pháp), Đại hội Marx Quốc tế (Congres Marx International) đã được tổ chức trọng thể. Tham dự Đại hội có hơn 500 đại biểu đến từ 22 quốc gia trên thế giới. Đại hội đã tập trung đánh giá vai trò của chủ nghĩa Marx trong quá khứ, hiện tại và tương lai trên những dữ kiện của một thế kỷ đã tồn tại. Cuối cùng, Đại hội đã đi đến thống nhất: Gương mặt của Marx vẫn là biểu tượng của sự phủ nhận trật tự đang thống trị và tư tưởng của Marx vẫn giữ nguyên tầm quan trọng của nó trong thế giới hiện đại.

Karl Marx từ trần vào ngày 14-3-1883. Hơn 120 năm đã trôi qua,  song sự nghiệp và tinh thần, tư tưởng vĩ đại của ông vẫn in đậm trong trái tim của triệu triệu công nhân, những người lao động trên khắp năm châu. Cùng với Engels, tên tuổi của Marx đã đi vào lịch sử nhân loại như  những người sáng lập ra chủ nghĩa cộng sản khoa học, có tác động sâu rộng đối với nhân loại.Và, dù cho ngày nay thế giới có những biến  động, thay đổi phức tạp, song Karl Marx sẽ mãi mãi là một bậc vĩ nhân kiệt xuất.

 

. Viết Hiền

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Ý thức chấp hành Luật Giao thông được nâng lên  (04/05/2003)
Điểm sáng Phụng Sơn  (02/05/2003)
Ổ cờ bạc Vân Hà   (01/05/2003)
Chị Đâu…  (30/04/2003)
Phụ nữ và những điều kỳ diệu sau chiến tranh  (30/04/2003)
Khí thế Bình Định trong những ngày tháng 4-1975  (29/04/2003)
Những “Yết Kiêu” diệt Mỹ   (29/04/2003)
Khu Đông gạo trắng nước trong...  (30/04/2003)
Ngày Quốc tế lao động 1-5 – Lịch sử và ý nghĩa  (28/04/2003)
Nhơn Mỹ ngày ấy – bây giờ  (28/04/2003)
Nhiều doanh nghiệp còn bỏ ngỏ  (27/04/2003)
Nghề nạo vét cống  (25/04/2003)
Ăn Tết Lào trên đất Quy Nhơn  (24/04/2003)
Những cuộc hôn nhân chân trời - góc biển  (23/04/2003)
Nghề bán vé số  (23/04/2003)