|
Học sinh tham quan Phòng trưng bày về Bác Hồ |
Nhân kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-5-1990), bằng tấm lòng yêu kính và trân trọng vô bờ, Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Bình Định (BTTH) đã khai trương Phòng trưng bày về Bác Hồ tại một gian phòng trang trọng bậc nhất của Bảo tàng. 13 năm qua, hàng vạn lượt người, phần lớn là học sinh, sinh viên đã đến đây để được học tập, hiểu thêm về cuộc đời và sự nghiệp của Bác Hồ và đặc biệt là hiểu thêm về tình cảm của Bác Hồ đối với nhân dân Bình Định và tình cảm của nhân dân Bình Định đối với Bác Hồ.
Trong cuộc đời bôn ba tìm đường cứu nước của mình, Nguyễn Tất Thành sau này là Nguyễn Ái Quốc, tức Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn vàn kính yêu, đã dừng chân lại ở tỉnh Bình Định một thời gian đáng kể. Đó là lúc Nguyễn Tất Thành ở khoảng tuổi 19-20 (1909-1910) theo cha là cụ Nguyễn Sinh Huy, tức Nguyễn Sinh Sắc (được bổ làm tri huyện Bình Khê). Trong khoảng trên dưới một năm, Nguyễn Tất Thành đã đến và trú ngụ nhiều nơi ở Bình Định như huyện đường Bình Khê tại Đồng Phó (Tây Giang, Tây Sơn); trường “Đốc học” ở thị trấn Bình Định (An Nhơn) nhưng chủ yếu là sống tại TP Quy Nhơn, học thêm tiếng Pháp và văn hóa ở giáo học Phạm Ngọc Thọ (cha của bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế).
Dù ngắn ngủi nhưng hẳn rằng những ngày tháng ở Bình Định đã để lại trong tâm khảm người thanh niên thông tuệ Nguyễn Tất Thành những ấn tượng sâu đậm về một vùng non thanh thủy tú, về những người dân quê hương “áo vải cờ đào” nhân hậu, bất khuất. Những người dân Bình Định vẫn luôn tự hào vì hạt gạo, củ khoai đất này đã từng góp phần chăm chút cưu mang cha con cụ Nguyễn Sinh Huy trong những ngày lưu lại Bình Định, và anh Nguyễn Tất Thành đang trăn trở tìm đường cứu nước. Niềm tự hào về Bác, lòng tri ân sâu xa đối với Bác Hồ đã thôi thúc những người làm công tác bảo tàng ở Bình Định sưu tập hình ảnh, hiện vật về Chủ tịch Hồ Chí Minh, xây dựng nên Phòng trưng bày về cuộc đời và sự nghiệp của Người.
13 năm qua, hiện vật sưu tập được mỗi ngày thêm phong phú. Đặc biệt là những hiện vật nói lên tình cảm của Bác Hồ với người Bình Định và tình cảm của người Bình Định với Bác Hồ.
Bây giờ đến với BTTH Bình Định hẳn không ai là không ghé qua Phòng trưng bày về Bác Hồ. Ở đây, người xem không chỉ được hiểu rõ hơn về thân thế, sự nghiệp mà còn cảm nhận được một nhân cách lớn; một tình cảm nồng ấm, bao la của Người.
Qua những bức ảnh, người xem như còn thấy đâu đây dấu chân Bác Hồ đi qua thị tứ Đồng Phó (từng là huyện đường Bình Khê) hay bước chân Người tại nhà giáo học Phạm Ngọc Thọ (nay là Nhà trẻ Hoa Sen trên đường Phan Bội Châu, TP Quy Nhơn). Cảm động hơn là khi đứng trước chiếc áo khoác bằng nỉ mà Bác Hồ từng mặc trong thời gian hoạt động ở Pắc Bó (tháng 2-1951) đã tặng cho ông Huỳnh Đăng Thơ vào một ngày giá rét (tháng 9-1955) khi ông từ Bình Định ra công tác ở Phủ Chủ tịch chưa quen với cái rét miền Bắc.
Tấm lòng của người Bình Định đối với Bác Hồ như con đối với cha. Khi nghe Bác mất, bà Phạm Thị Đời, hiện ở đường Nguyễn Thị Minh Khai, TP Quy Nhơn, đã nhờ người viết hộ bằng chữ Hán trên 2 tấm bài vị một tấm ghi “Nguyễn Ái Quốc”, tấm kia ghi “Hồ Chí Minh” để trên bàn thờ, đêm đêm hương khói thờ phụng Bác. Cũng với tấm lòng ấy, bà Phạm Thị Biết, một cơ sở nuôi giấu cán bộ cách mạng trong vùng địch ở Bình Định khi được một anh bộ đội tặng cho tấm tranh lụa vẽ hình Bác Hồ đã thầm cất giữ, chắt chiu hàng chục năm liền cho đến ngày giải phóng. Tấm gỗ lim, một trong những tấm gỗ mà đồng bào Vĩnh Thạnh đã khai thác, vận chuyển ra Bắc vào năm 1974 để góp phần xây Lăng Bác Hồ là một trong rất nhiều minh chứng cụ thể về tấm lòng của người Bình Định đối với Bác.
Chắc chắn rằng, còn nhiều hiện vật nói lên tình cảm của Bác Hồ với người dân Bình Định và tình cảm người dân Bình Định đối với Bác Hồ vẫn còn trong nhân dân mà BTTH Bình Định chưa khai thác được, song những gì đã có được ở Phòng trưng bày về Bác Hồ là rất đáng quý. Với Phòng trưng bày về Bác Hồ, bây giờ người Bình Định muốn được hiểu rõ thêm về Bác không còn đợi có cơ hội về làng Sen…
. Quang Khanh
|