Mái ấm của những mảnh đời bất hạnh!
17:3', 19/5/ 2003 (GMT+7)

Nghe các cháu gọi những cán bộ của Trung tâm Bảo trợ xã hội tổng hợp (TTBTXHTH) Bình Định ba, là má và sự đối xử với nhau như những người trong gia đình, chúng tôi không có cảm giác là đang đến một cơ quan từ thiện mà đang bước vào một mái ấm gia đình thật sự...

Trung tâm BTXHTH được thành lập vào năm 1994, hiện đang cưu mang 130 mảnh đời bất hạnh được đưa về từ khắp nơi trong tỉnh. Trong đó có 59 người già, tật nguyền cô đơn và 74 cháu mồ côi không nơi nương tựa. Cụ già nhất đã 97 tuổi, cháu nhỏ nhất chỉ mới 8 tháng tuổi.

Mỗi mảnh đời một hoàn cảnh, một số phận, nhưng khi đến đây họ đã tìm được niềm an ủi trong sự đùm bọc của các CBCNV Trung tâm và cả trong sự đùm bọc lẫn nhau. Cụ Hồng Văn Lễ (69 tuổi), vào Trung tâm đã 5 năm, tâm sự: Cụ cũng có một gia đình, một đứa con gái hẳn hoi, thế nhưng một “bi cảnh” đã đưa cụ vào Trung tâm này. Lúc đầu cụ luôn phải sống vật vã trong nỗi hẩm hiu của số phận mình. Thế nhưng sau một thời gian sống ở đây, cụ đã tìm lại được lòng tin vào cuộc đời và sự thanh thản tuổi già! Đó cũng là tâm sự chung của các cụ già đang sống tại Trung tâm mà chúng tôi được gặp. Tình cảm này xuất phát từ sự tận tâm của đội ngũ CBCNV của Trung tâm.

Anh Dũng – cán bộ y tế – cho biết: “Không kể những người tàn tật, hầu hết những cụ già ở đây đều đã mất khả năng lao động. Chăm sóc các cụ lúc bình thường đã phải cần đến nhiều cố gắng nói chi vào những lúc trái gió trở trời”. Đối với các cháu nhỏ tật nguyền, sự chăm sóc phải được nhân đôi, nhất là với các cháu bị di chứng bệnh dẫn đến mất trí nhớ. Tất cả những sinh hoạt cá nhân của các cháu hầu như trông cậy hoàn toàn vào các “ông ba, bà má”. Chị Võ Thị Hòa, cán bộ nuôi trẻ, tâm sự: “Hiện tôi đang chăm sóc 5 cháu, cháu lớn nhất 7 tuổi, nhỏ nhất chỉ 8 tháng tuổi thì đã có đến 4 cháu bị viêm não bị cha mẹ bỏ rơi, nên đối với các cháu tôi không chỉ làm tròn nhiệm vụ của một CBCNV mà còn phải thể hiện cả vai trò làm mẹ với những quan tâm chăm sóc thật đặc biệt. Cháu Lạc, một đứa trẻ tật nguyền bị cha mẹ bỏ rơi tại Bệnh viện An Nhơn cách đây 4 năm, được Trung tâm đưa về nuôi dạy đã nói bằng cả sự chân thật của trẻ thơ: “Con là con của Nhà nước, là cháu của nội!” (nội của cháu Lạc chính là ông Tứ, Giám đốc Trung tâm). Cháu Đặng Thị Bích Nở, vào Trung tâm năm 1995, hiện đang học lớp 9 trường Trung học cơ sở thị trấn Bình Định nói: “Cháu còn may mắn hơn những bạn cùng trang lứa, cùng cảnh ngộ nhiều bởi vào Trung tâm cháu được cho ăn học như mọi cháu có cha có mẹ khác. Cháu luôn tự nhủ là phải cố gắng học để khỏi phụ lòng “các ba, các má” ở Trung tâm.

Chúng tôi lại được gặp em Đặng Thị Minh Thủy tại bến thuyền hồ Núi Một ở xã Canh Liên (Vân Canh). Trước đây Thủy cũng là một thành viên của Trung tâm BTXHTH. Trong thời gian làm con của Trung tâm, Thủy được nuôi dưỡng ăn học, nay trưởng thành em về lại Canh Liên tham gia công tác xã hội. Em nói: “Đây cũng là một cách em trả ơn cho “các ba, các mẹ ở Trung tâm…!”. Hiện Thủy đang công tác trong Ban điều phối Dự án nông thôn của xã Canh Liên.

Được biết, hiện nay Trung tâm đã có một cháu học đến bậc đại học, một cháu đang học cao đẳng sư phạm, 2 cháu học trung cấp tài chính – kế toán và 13 cháu đang theo học các trường dạy nghề trong tỉnh. Để tạo thêm thu nhập, Trung tâm tổ chức cho các thành viên còn sức khỏe sản xuất các mặt hàng thủ công mỹ nghệ như: làm chiếu, bó chổi, chằm nón… những công việc này phần nào cũng giúp họ cải thiện thêm đời sống ngoài mức trợ cấp 115.000đ/tháng/người.

Chính từ sự đùm bọc đầy ắp tình thương của tập thể CBCNV trong Trung tâm dành cho mọi người đã tạo nên chất “men” khiến cho những thành viên trong Trung tâm biết tự đùm bọc lẫn nhau. Người khỏe luôn sẵn lòng giúp người tật nguyền, người trẻ giúp người già hơn. Như trường hợp của cụ Kính, 72 tuổi, bị liệt cả 2 chân. Đã 10 năm rồi cụ nhận chăm sóc một cháu bé bị bệnh tâm thần. Tiếp xúc với chúng tôi cụ Kính trải lòng: “Số phận tôi không may nên tôi rất thương những ai cùng cảnh ngộ, nhất là những cháu bé. Nếu giúp được gì cho Trung tâm trong khả năng tôi luôn sẵn lòng. Việc làm này đã cho tôi cảm giác là mình vẫn còn có ích cho xã hội!”.

. Nguyễn Vũ Quỳnh Trân

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Nồng ấm Bác Hồ giữa lòng Bình Định  (19/05/2003)
Bác An khuyến học  (16/05/2003)
Tòa án và Địa chính cùng làm trái pháp luật!  (15/05/2003)
Công tác Đội và phong trào thiếu nhi tỉnh Bình Định: Lớn lên cùng đất nước  (14/05/2003)
Chuyển biến trong xây dựng đời sống văn hóa cơ sở ở Vĩnh Thạnh  (13/05/2003)
Thư viện tuyến cơ sở: nỗi niềm ai tỏ  (12/05/2003)
Tư tưởng Hồ Chí Minh về học tập của cán bộ, đảng viên  (12/05/2003)
An Lão - sốt nấm “linh chi”  (11/05/2003)
Người hết lòng vì sự nghiệp khuyến học  (09/05/2003)
Xứng đáng với niềm tin yêu của Đảng bộ và nhân dân tỉnh nhà  (08/05/2003)
Ghi nhận từ hội thi “Văn hóa ẩm thực các món chay”  (07/05/2003)
Đánh bại cuộc hành quân Atlăng   (06/05/2003)
Luân chuyển cán bộ - bước đột phá mới  (06/05/2003)
Cơm bụi   (05/05/2003)
Karl Marx - một vĩ nhân  (05/05/2003)