Tham dự kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XI, Đoàn đại biểu Quốc hội Bình Định (gồm 8 người) mang những ý nguyện của cử tri tỉnh nhà phản ảnh với Quốc hội. Trong 2 ngày rưỡi thảo luận phần báo cáo đánh giá thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2004 và những năm tiếp theo, đã có 3 đại biểu của Đoàn Bình Định phát biểu thảo luận. Báo Bình Định lược thuật nội dung chính của 3 ý kiến phát biểu đầu tiên này.
* Đại biểu Yang Danh
|
Đại biểu Yang Danh đang phát biểu tại diễn đàn Quốc hội |
1. Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước rất quan tâm đến sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội vùng nông thôn, miền núi, nhất là những vùng đặc biệt khó khăn và đã đề ra một số chính sách cụ thể, thiết thực dành cho các vùng này, nhờ đó mà diện mạo nơi đây đã không ngừng đổi mới, tiến bộ rõ rệt. Đồng bào rất phấn khởi. Tuy nhiên vẫn còn một bộ phận không nhỏ đồng bào chưa vui, lo lắng cho đời sống còn gặp nhiều khó khăn. Trước tình hình này, tôi xin đề nghị:
- Chính phủ cần tiếp tục có những chính sách cụ thể nhằm hỗ trợ các địa phương củng cố cơ sở hạ tầng; nhất là việc kiên cố hóa hệ thống thủy lợi; cải tạo đất đai; nâng cao chất lượng giống cây trồng, vật nuôi; cải tạo lưới điện nông thôn; xây dựng hạ tầng kỹ thuật phục vụ phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề.
- Đối với miền núi và vùng đồng bào dân tộc thiểu số, Chính phủ cần sớm nghiên cứu để thực hiện nhất quán một chính sách. Tránh tình trạng cùng một dân tộc, cùng ở vùng miền núi, cùng khó khăn như nhau nhưng có vùng lại được có thêm những chính sách mà vùng khác không có, gây tư tưởng so bì trong đồng bào dân tộc. Vấn đề này chúng tôi đã phản ánh nhiều lần tại các diễn đàn kỳ họp Quốc hội nhưng chưa được các bộ, ngành xem xét.
- Đến năm 2005, Chương trình 135 của Chính phủ sẽ kết thúc, đồng bào rất lo lắng, sợ rằng không còn có cơ hội để rút ngắn khoảng cách về đời sống kinh tế - xã hội giữa miền núi và đồng bằng. Do vậy đề nghị Chính phủ kéo dài thêm Chương trình 135 một thời gian nữa hoặc có một chương trình nào khác cụ thể, thiết thực để tạo cơ hội cho miền núi.
2. Thời gian vừa qua, chúng ta hay đề cập đến khái niệm "bốn nhà" và thực hiện một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp. Tuy nhiên trên thực tế vẫn chưa có sự phối hợp đồng bộ, tích cực giữa các "nhà" này nhằm tạo động lực nâng cao hiệu quả và giá trị sản xuất cho nông dân. Để khắc phục tình trạng này, ngoài việc Nhà nước đề ra các chính sách khuyến khích phát triển khoa học - kỹ thuật và lưu thông hàng nông sản, thực phẩm cho nông dân cần có quy hoạch vùng nguyên liệu, khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, chế biến nông sản. Thiết nghĩ Nhà nước nên có vai trò đặc biệt trong thực hiện cơ chế "bốn nhà" làm chất xúc tác thúc đẩy mối liên hệ giữa nhà nông, nhà khoa học và nhà doanh nghiệp.
3. Đề nghị Chính phủ có chính sách miễn thuế nghề cá cho ngư dân, nhất là ngư dân ở các xã ven biển vùng bãi ngang giống như chính sách miễn thuế nông nghiệp cho nông dân.
4. Hiện nay việc khám chữa bệnh cho đồng bào miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng ven biển, hải đảo gặp rất nhiều khó khăn. Trạm y tế xã còn thiếu trang thiết bị, thuốc men; người dân ở đây muốn chữa bệnh phải lên tuyến huyện, tuyến tỉnh vừa tốn kém vừa ảnh hưởng đến sản xuất. Đề nghị Chính phủ, Bộ Y tế quan tâm đầu tư, tăng cường năng lực hoạt động cho các trạm y tế cơ sở bảo đảm tốt công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Đồng thời cần có cơ chế xóa bỏ tình trạng độc quyền; ngăn chặn các hành vi đầu cơ, móc ngoặc làm tăng giá thuốc, thu lợi bất chính trên nỗi đau của người bệnh.
5. Hằng năm Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ ban hành rất nhiều đạo luật và chính sách nhưng đến được với nhân dân rất ít, nhất là đồng bào các vùng nông thôn, miền núi. Đề nghị Nhà nước cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho các tầng lớp nhân dân, tạo điều kiện nâng cao nhận thức pháp luật cho nhân dân, góp phần giúp họ thực hiện nghiêm chỉnh pháp luật.
* Đại biểu Võ Thị Thủy
Tôi xin có một số ý kiến trong lĩnh vực chế biến hàng lâm sản xuất khẩu. Đây là một ngành đang có tốc độ tăng trưởng rất nhanh và là một trong số 7 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu (KNXK) cao của cả nước. Từ năm 1998 KNXK mặt hàng gỗ tinh chế của cả nước là 135 triệu USD đến năm 2003 đã tăng lên hơn 600 triệu USD. Riêng ở Bình Định, trong năm 2003 KNXK đạt hơn 86 triệu USD và trong 4 tháng đầu năm nay, đạt trên 40 triệu USD, tăng 52% so với cùng kỳ năm 2003. Điều quan trọng là sự phát triển của ngành chế biến gỗ nhanh chóng (hiện Bình Định có hơn 60 doanh nghiệp hoạt động trên lĩnh vực này) đã giúp giải quyết được một khối lượng lao động rất lớn. Nhờ ưu thế cạnh tranh là độ tinh xảo cao, giá thấp do lao động rẻ và thuận lợi trong vận chuyển, mặt hàng đồ gỗ xuất khẩu nước ta đã nhanh chóng khẳng định uy tín trên thị trường các nước châu Âu, một số nước châu Á và châu Đại Dương, đặc biệt là thị trường Mỹ.
Mặc dù có nhiều ưu thế và triển vọng lớn như vậy nhưng hướng phát triển lâu dài của ngành chế biến hàng lâm sản xuất khẩu là không ổn định và bị động do phần lớn nguồn nguyên liệu gỗ phải nhập từ nước ngoài. Trước tình hình đó tôi xin kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành 2 vấn đề: Một là, xây dựng chiến lược và quy hoạch phát triển ngành chế biến xuất nhập khẩu gỗ với những mục tiêu dài hạn và bước đi hợp lý; ưu tiên ở những vùng có điều kiện về cảng biển và lực lượng lao động. Hai là, đẩy nhanh tiến độ thực hiện chương trình phát triển trồng rừng để tạo vùng nguyên liệu gỗ giúp chủ động nguyên liệu đồng thời tạo sự gắn bó phát triển nông nghiệp - lâm nghiệp - công nghiệp với xuất khẩu.
* Đại biểu Nguyễn Đăng Vang
1. Bản thân tôi đánh giá cao kết quả thực hiện kế hoạch năm 2003. Đây là năm mà nước ta có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất trong 5 năm trở lại đây dù rằng trong năm này chiến tranh Irắc, dịch SARS... đã ảnh hưởng đến nhiều nước trên thế giới trong đó có ảnh hưởng đến thị trường xuất khẩu của Việt Nam. Kinh tế nước ta có tốc độ tăng trưởng đứng thứ 2 ở châu Á và thứ 5-6 so với thế giới. Chỉ số phát triển con người HDI của Việt Nam (trên cơ sở 3 yếu tố: thu nhập, tuổi thọ và giáo dục) được xếp thứ 109 trong tổng số 175 quốc gia được đánh giá.
Có thể nói, với những gì chúng ta đã làm được trong năm qua, chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng vào triển vọng phát triển kinh tế của đất nước năm 2004 và những năm tiếp theo.
2. Về vấn đề chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp gắn với quy hoạch ngành Nông - Lâm - Ngư, tôi xin được có ý kiến như sau:
Trung bình 1 người lãi từ trồng trọt 1 triệu đồng/năm, tính ra mỗi ngày chỉ lãi 3.000 đồng. Nếu cứ như vậy thì người nông dân vẫn còn nghèo.
Chúng ta đưa ra tiêu chí 50 triệu đồng/ha liệu có đạt được không? (Hàn Quốc, Đài Loan doanh thu xấp xỉ 200 triệu/ha; Nhật Bản 280 triệu/ha). Tôi cho rằng chúng ta có thể đạt được tiêu chí này song phụ thuộc cơ bản vào quy hoạch, đầu tư và chính sách của Nhà nước.
Rất tiếc, hiện nay do chưa quy hoạch được, vấn đề ô nhiễm môi trường, nguồn nước thải đã gây dịch bệnh và thiệt hại lớn cho người đầu tư nuôi trồng thủy sản. Vấn đề này được cử tri ở nhiều nơi bức xúc yêu cầu giúp đỡ, trong đó có cử tri Bình Định.
Về lĩnh vực lâm nghiệp, hiện chúng ta có 9,8 triệu ha rừng tự nhiên và rừng đặc dụng; 1,9 triệu ha rừng trồng; 7,3 triệu ha có thể trồng rừng. Đối với một số loài cây rừng chỉ cần 7-10 năm là đủ chu kỳ khai thác. Nếu quá chu kỳ sinh học mà không cho khai thác thì ngành Lâm nghiệp tiếp tục phát triển chậm. Xin đề nghị quy hoạch ngành Lâm nghiệp cần bao gồm trồng rừng có quy hoạch; khai thác rừng đã đến chu kỳ khai thác. Việc cho phép khai thác rừng đến chu kỳ khai thác còn giúp cho ngành chế biến gỗ Việt Nam đang có tốc độ phát triển nhanh có điều kiện cạnh tranh.
. Huỳnh Chưa - Quang Khanh (Ghi) |