Một trong những hoạt động thiết thực của Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XI là việc tham gia góp ý cho báo cáo công tác của Chánh án Tòa án nhân dân (TAND) tối cao, Viện trưởng VKSND (Viện Kiểm sát nhân dân) tối cao. 3 đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Bình Định, Cao Bằng và Cà Mau được phân công làm một tổ thảo luận. Tại các cuộc thảo luận, các ĐBQH Bình Định đã tham gia nhiều ý kiến đóng góp rất cụ thể, sát hợp với tình hình thực tiễn của công tác khởi tố, xét xử.
|
Quang cảnh Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XI |
Trong các ý kiến thảo luận, góp ý, các ĐBQH của 3 đoàn đã đánh giá báo cáo của Chánh án TAND tối cao và Viện trưởng VKSND tối cao kỳ này ngắn gọn, nêu được nhiều vấn đề, thể hiện tinh thần và ý thức trách nhiệm của hai ngành trong thời gian qua. Qua thể hiện các số liệu báo cáo về công tác khởi tố và xét xử trong hai quý (quý IV/2003 và quý I/2004) cho thấy năng suất, chất lượng lao động của cán bộ trên hai lĩnh vực này có khá hơn. Sai phạm trong công tác khởi tố và xét xử án oan sai có ít hơn.
Nét nổi bật được các ĐBQH hoan nghênh là công tác hòa giải thành công nhiều vụ án (21,7%), tạo điều kiện cho các đương sự thỏa thuận đúng pháp luật về việc giải quyết vụ án, tôn trọng quyền tự định đoạt của đương sự. Nhiều vụ án, vụ việc có tính chất phức tạp; các vụ án có yếu tố nước ngoài đã được xét xử đúng pháp luật, được dư luận đồng tình, hoan nghênh.
Tuy vậy, bên cạnh những mặt tích cực của cán bộ hai ngành nói trên, các ĐBQH cũng nhận thấy rằng, báo cáo của 2 ngành chưa đánh giá đúng thực trạng tình hình phạm tội và tính chất của các tội phạm, để từ đó có biện pháp tăng cường hơn nữa tính giáo dục, thuyết phục và răn đe, góp phần phòng ngừa tội phạm có hiệu quả, tích cực hơn nữa. Mặc dù số lượng các vụ án đã được khởi tố có giảm hơn so với cùng kỳ năm trước nhưng các loại tội phạm được diễn ra vẫn chưa có chiều hướng giảm tích cực, tính chất các loại tội phạm ngày càng phức tạp, tinh vi. Điều mà các ĐBQH quan tâm nữa là việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân liên quan đến các hoạt động xét xử, chậm được các cơ quan TAND và VKSND các cấp trả lời.
Các ĐBQH Bình Định cho rằng việc tăng thẩm quyền xét xử cho TAND các huyện là đúng, tuy nhiên cần xem xét đến các yếu tố quan trọng như năng lực, trình độ của đội ngũ thẩm phán, tình hình giải quyết và chất lượng các vụ án đã giải quyết như thế nào, những mặt nào còn hạn chế ở một số TAND cấp huyện để từ đó có biện pháp khắc phục hoặc giao thẩm quyền công tác xét xử cho đúng với năng lực thực tế. Một số ĐBQH Bình Định cũng nhận xét báo cáo của Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng VKSND tối cao chưa đánh giá đúng mức trách nhiệm của 2 ngành thực thi pháp luật trong việc triệu tập bị can, bị cáo, người làm chứng, người có nghĩa vụ và quyền lợi liên quan. Có đại biểu băn khoăn: Có trường hợp họ không đến thì biện pháp giải quyết ra sao? Có bao nhiêu trường hợp như vậy đã xảy ra và cách khắc phục cũng chưa thấy được đề cập!
Một vấn đề nữa được nhiều ĐBQH quan tâm là, cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật nhất là vùng nông thôn, miền núi, góp phần nâng cao nhận thức pháp luật cho người dân, hạn chế tình trạng vi phạm pháp luật. Bên cạnh đó, hệ thống pháp luật phải được thực thi một cách nghiêm minh, vừa mang tính giáo dục, răn đe góp phần phòng ngừa tội phạm. Ngoài ra, có ĐBQH cũng quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ của 2 ngành này. Trên thực tế có thể nói, chất lượng "đầu vào" của 2 ngành cũng còn thấp, thêm vào đó công tác đào tạo, cơ sở vật chất, nội dung chương trình còn một số mặt hạn chế, trong khi đó công tác bồi dưỡng, nâng cao năng lực nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ làm công tác trên lĩnh vực này cũng ít được chú ý, không thường xuyên.
. Huỳnh Huyện- Văn Chưa (lược ghi)
|