Vĩnh biệt người lính già Trần Kiên!
15:26', 27/5/ 2004 (GMT+7)

Nói đến ông là những người thuộc lứa tuổi của tôi (trên dưới 40) trở về trước sẽ đọc ngay câu này: "Nằm ngửa thấy Trần Kiên/Nằm nghiêng thấy Đỗ Mười". Ông vừa là con người của những giai thoại lại vừa là con người hành động. Những cuộc "vi hành" của ông về tận vùng nông thôn cũng như những lần xếp hàng cùng đám "dân đen" tại các cửa hàng thực phẩm thời bao cấp đã khiến cho cái tên Trần Kiên trở thành nỗi ám ảnh của nhiều ông "quan cách mạng" vẫn thường ức hiếp người dân.

Ông Trần Kiên năm 2002 tại nhà riêng

Bao giờ ông cũng nhận mình là người lính, dù là làm đến chức Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kiểm tra Trung ương. Vâng, ông đúng là người lính theo cái nghĩa trụi trần của từ này. Chất lính đã thấm đẫm trong ông từ cái ngày ông là thành viên của đội Du kích Ba Tơ lừng danh cách nay gần 60 năm. Chất lính ấy cũng đã theo ông suốt 30 năm kháng chiến trường kỳ cùng dân tộc với đủ các cương vị mà ông nắm giữ, từ chức Trung đoàn trưởng đến chức Phó Tư lệnh Quân khu V. Bước chân của người lính già ấy đã in dấu trên hầu khắp các cánh rừng đại ngàn của Tây Nguyên cũng như miền Tây các tỉnh Trung bộ.

Từ một anh trai cày, đi làm thuê cho địa chủ ở xã Nghĩa Kỳ huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi, ông Trần Kiên đã đi theo cách mạng với hai bàn tay trắng, để 46 năm sau, năm 1991, ông lại trở về cùng với một "gia tài" đáng giá nhất là những chiến công cùng sự thanh bần. Tôi đã thấm thía câu thơ của một người bạn qua chính cuộc đời của người lính già này: "Chiếc ba lô càng cũ/Càng chẳng có gì riêng". Cách đây hai năm, tôi có làm cuộc "gặp gỡ cuối tuần" với ông tại ngôi nhà riêng trên một con hẻm nhỏ thuộc đường Trần Quang Diệu (thị xã Quảng Ngãi) đầy bụi bặm. Khi đặt chân vào bên trong chiếc cổng sắt đã cũ ấy, tôi chợt vỡ ra nhiều điều về ông: Một cán bộ lãnh đạo cấp cao nhất nhưng có nhà nhỏ nhất hiện nay ở Quảng Ngãi. Ngôi nhà đơn sơ ấy đã nói với tôi rằng, người lính Trần Kiên đã chiến đấu và hy sinh cả đời mình cho dân cho nước mà không nhân danh bất cứ một điều gì để vun vén cho riêng mình. Hai vợ chồng ông chỉ dùng suất lương của bà, còn toàn bộ lương hưu của ông, ông dùng để giúp đỡ những người nghèo ở quê. Nghĩa cử ấy, tấm lòng ấy không phải ai cũng có như ông.

Ông Trần Kiên là đội viên Đội du kích Ba Tơ tháng 3-1945, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 120 Quân khu V, chỉ huy đánh trận bắc Kon Tum 1954 - chia lửa với Điện Biên Phủ, Bí thư Tỉnh Kon Tum trong kháng chiến chống Mỹ, Bí thư Tỉnh ủy Đắc Lắc, Bí thư Tỉnh ủy Nghĩa Bình, Bộ trưởng Bộ Lâm nghiệp, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kiểm tra Trung ương. Từ trần hồi 13h30 ngày 26-5-2004 tại Quảng Ngãi, hưởng thọ 84 tuổi.

Trước khi làm cuộc phỏng vấn trên, tôi có viết một số bài phê phán rất nặng về các dự án trồng cây cà phê và ca cao được tỉnh Quảng Ngãi "ném" lên rừng một cách vô ích. Người ta đồn rằng, chính ông là "tác giả" của những dự án hoang tưởng kia. Tôi hỏi: "Bác có giận cháu không ạ?". Ông chẳng vòng vo đãi bôi gì mà nói thẳng như lính: "Tôi biết đồng chí là người trung thực. Sao lại giận? Bây giờ người ta nhân danh nhiều thứ lắm, đồng chí à". Nói điều đó, ông đã giải phóng cho sự nghi ngại của tôi qua những lời đồn đại về ông, nhưng cũng từ đó, tôi bị ông trói buộc vào một suy nghĩ khác: Sự trung thực chỉ có thể tồn tại ở những con người không biết nhân danh bất cứ điều gì để tư lợi. Mà bây giờ, những người làm báo như tôi, lặn lội đi tìm sự trung thực ấy chẳng khác nào như một sự đánh cược với cõi vô cùng.

Hai hôm trước, nhân chuyến làm việc với tỉnh Quảng Ngãi, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu có ghé thăm ông. Hai người lính già ấy không nói nhiều, dù lâu lắm rồi họ mới gặp lại. Nhưng nhìn cái cách thăm hỏi và những ánh mắt dành cho nhau, người ta đã hiểu giữa hai con người ấy muốn gửi cho nhau những gì rồi. Trước khi vào bệnh viện cấp cứu để rồi chẳng bao giờ được trở về ngôi nhà đơn sơ ấy nữa, ông đã ăn hai quả bắp ngô luộc - thứ quà quê mà những bà mẹ nghèo vẫn thường bán rong vào những chiều hè.

Vậy là, sau 84 năm tồn tại với cõi đời này cùng bao thăng trầm của thời cuộc, ông đã ra đi thanh thản cùng những quả bắp ngô - thứ lương thực dành cho người nghèo đã từng theo ông suốt cả tuổi thơ cơ cực ven sông Trà mấy mươi năm về trước.

Xin được vĩnh biệt ông - người lính già đã chiến đấu đến viên đạn cuối cùng trước kẻ thù nghèo đói và bất minh.

Quảng Ngãi, trưa 27-5-2004

. Trần Đăng

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Những chuyện rắc rối quanh cái họ, cái tên  (27/05/2004)
Những kiến nghị tâm huyết của cử tri  (26/05/2004)
Chuyện ghi ở khu tàn tật của bệnh nhân phong Quy Hòa   (26/05/2004)
Bộ Tài chính trả lời những ý kiến, kiến nghị của cử tri Bình Định   (25/05/2004)
Có một Đội văn nghệ "Người thật việc thật"   (24/05/2004)
Thực hiện Quy định số 209-QĐ/TU: Để cán bộ sát dân, gần cơ sở   (24/05/2004)
Đi "Chợ tình hàng quốc"  (23/05/2004)
Hãy xây cho mẹ anh hùng liệt sĩ Vũ Bảo một ngôi nhà tình nghĩa  (21/05/2004)
Sẽ tiếp tục làm rõ động cơ đánh anh Lẹ  (21/05/2004)
Tiếp tục thông tin về nạn lấn chiếm, sang nhượng đất trái phép ở Phú Hậu - Cát Chánh: "Chân dung" một trùm đất  (21/05/2004)
Bệnh viện đa khoa tỉnh: Quản lý kê toa từ đơn thuốc  (20/05/2004)
Xung quanh việc thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Y tế ở Bình Định: Không dễ triển khai   (19/05/2004)
Người thờ Bác Hồ trong vùng địch   (19/05/2004)
Ý kiến của Đoàn đại biểu Quốc hội Bình Định tại diễn đàn Quốc hội khóa XI  (18/05/2004)
Cây đại thụ của đường Hồ Chí Minh  (18/05/2004)