Vào một ngày cuối tháng 6 năm 1947, theo đề nghị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tại xã Phú Minh, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên, Trung ương Đảng, Chính phủ đã tổ chức một cuộc họp bàn về việc kỷ niệm ngày thương binh - liệt sĩ. Hội nghị đã nhất trí lấy ngày 27-7 hàng năm làm Ngày thương binh toàn quốc (sau này gọi là Ngày thương binh - liệt sĩ.
|
Hồ Chủ tịch | Nhân dịp kỷ niệm Ngày thương binh toàn quốc lần thứ nhất - 1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư cho Thường trực BTC lễ kỷ niệm. Bức thư có đoạn: "…Thương binh là những người đã hy sinh gia đình, hy sinh xương máu để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ đồng bào. Vì lợi ích của Tổ quốc, của đồng bào mà các đồng chí đó chịu ốm yếu. Vì vậy, Tổ quốc, đồng bào phải biết ơn, phải giúp đỡ những người anh hùng ấy…". Đồng thời, qua thư Người cũng gửi gắm tình thương yêu của mình đối với anh, chị, em thương binh: "Tôi xin xung phong gửi 1 chiếc áo lót lụa mà chị em phụ nữ đã biếu tôi, một tháng lương của tôi, một bữa ăn của tôi và của các nhân viên tại Phủ Chủ tịch, cộng là một nghìn một trăm hai bảy đồng (1.127 đồng)". Đấy là dấu ấn thiêng liêng của những ngày tháng 7-1947.
Nhưng, có lẽ nhiều người còn nhớ, trước đó, khi thực dân Pháp quay lại xâm lược nước ta, mặc dù bận trăm công nghìn việc nhưng Hồ Chủ tịch vẫn dành thời gian viết thư chia sẻ, động viên các gia đình thương binh, liệt sĩ. Xúc động nhất là bức thư Người gửi bác sĩ Vũ Đình Tụng: "Ngài biết rằng tôi không có gia đình, cũng không có con, nước Việt Nam là đại gia đình của tôi, tất cả thanh niên là con cháu tôi, mất một thanh niên là hình như tôi mất đứt một đoạn ruột. Những cháu và anh em thanh niên khác dũng cảm hy sinh để giữ gìn đất nước, thế là họ đã làm rạng rỡ dân tộc, vẻ vang giống nòi. Họ chết cho Tổ quốc sống mãi, tinh thần họ luôn sống với non sông Việt Nam".
Kỷ niệm ngày 27-7 lần thứ hai (1948), Hồ Chủ tịch lại gửi thư thăm hỏi thương binh, gia đình liệt sĩ với những tình cảm thật sâu nặng, tha thiết: "…Họ quyết hy sinh tính mệnh họ để giữ gìn tính mệnh của đồng bào. Họ quyết hy sinh gia đình và tài sản họ để bảo vệ gia đình và tài sản của đồng bào. Họ quyết liều chết chống địch để cho Tổ quốc và đồng bào sống … Trong đó có người bỏ một phần thân thể ở trước mặt trận. Có người đã bỏ mình ở chiến trường. Đó là thương binh, đó là tử sĩ. Cách mấy ngày trước họ là những thanh niên lành mạnh, vui vẻ, oanh liệt. Trải qua những ngày ăn gió, nằm sương, những trận mưa bom, bão đạn, họ bị tay què, chân cụt, họ hóa ra thương binh …".
Kể từ năm 1947, mỗi năm cứ đến dịp 27-7 Hồ Chủ tịch lại gửi thư thăm hỏi, động viên, chia sẻ với thương binh, gia đình liệt sĩ và nhắc nhở các bộ, ngành ở Trung ương, địa phương quan tâm đến công tác "Đền ơn, đáp nghĩa". Ngay sau khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp hoàn toàn thắng lợi, việc đầu tiên của Bác là đến đặt vòng hoa tại đài tưởng niệm các liệt sĩ ở Hà Nội. Trong diễn từ Bác đọc có những đoạn thật xúc động: "Ngày mai là năm mới, là ngày đồng bào và bộ đội mừng Chính phủ về thủ đô. Trong lúc cả nước vui mừng thì mọi người đều thương tiếc các liệt sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc, vì dân tộc. Tôi thay mặt nhân dân, Chính phủ và bộ đội kính cẩn nghiêng mình trước linh hồn bất diệt của các liệt sĩ". Bên cạnh những lá thư thắm đượm tình thân ái, Hồ Chủ tịch còn thể hiện tấm lòng của mình đối với thương binh, liệt sĩ bằng những hành động rất cụ thể, thiết thực. Trong những ngày đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Người đã phát động cuộc vận động "Mùa đông binh sĩ". Và, tại lễ khai mạc "Mùa đông binh sĩ" tổ chức tại Hà Nội (17-11-1946), đích thân Bác đã trao chiếc áo len của mình để gửi tặng binh sĩ. Tiếp đó, Ngày thương binh toàn quốc năm 1949, Người dành tháng lương với số tiền 1.000 đồng và một số khăn mặt, quần áo gửi tặng anh chị em thương binh. Và, ngày 27-7 năm sau (1950), Người lại gửi 1 tháng lương (1.000 đồng) tặng thương binh và gia đình liệt sĩ. Đồng thời, Người đề nghị: "Chính quyền, đồng bào và các đoàn thể nhân dân trong mỗi xã trích một phần ruộng công, vận động đồng bào cày cấy lấy hoa lợi đón thương binh về xã". Bên cạnh cuộc vận động "Mùa đông binh sĩ", Hồ Chủ tịch còn phát động nhiều phong trào khác như: "Hội ủng hộ thương binh", "Phong trào Trần Quốc Toản", "Hội người mẹ chiến sĩ"…
Đặc biệt, trước khi đi về cõi vĩnh hằng, Hồ Chủ tịch vẫn quan tâm chăm lo đến thương binh, liệt sĩ. Trong Di chúc, Bác dặn dò thật cặn kẽ, chu đáo: "Đối với những người đã dũng cảm hy sinh một phần xương máu của mình, Đảng, Chính phủ và đồng bào phải tìm mọi cách làm cho họ có nơi ăn, chốn ở yên ổn, đồng thời mở những lớp dạy nghề thích hợp với mỗi người để họ có thể dần dần "tự lực cánh sinh". Đối với các liệt sĩ, mỗi địa phương cần phải xây dựng vườn hoa và bia tưởng niệm, ghi sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ, để đời đời giáo dục tinh thần yêu nước cho nhân dân ta. Đối với cha mẹ, vợ con của thương binh, liệt sĩ mà thiếu sức lao động và túng thiếu, thì chính quyền địa phương, nếu ở nông thôn thì chính quyền xã và HTX nông nghiệp phải giúp đỡ họ có công ăn việc làm thích hợp, quyết không để họ bị đói rét".
Hồ Chủ tịch đã đi xa gần 35 năm, song tinh thần, trí tuệ, tư tưởng của Người vẫn sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta. Riêng đối với thương binh, gia đình liệt sĩ, tấm lòng, tình thương yêu vô bờ bến của Bác luôn luôn khắc sâu trong trái tim của mỗi người.
. Viết Hiền |