Chăm sóc, ưu đãi người có công vừa là tình cảm vừa là trách nhiệm của thế hệ hôm nay với những người đã cống hiến tuổi xuân, xương máu của mình vào công cuộc chiến đấu và bảo vệ Tổ quốc. Qua đó, đời sống của người có công, gia đình chính sách ngày càng được nâng cao…
* Ổn định cuộc sống cho người có công
|
Thăm hỏi, tặng quà cho đối tượng chính sách |
Một trong những hiệu quả thấy rõ của phong trào "Đền ơn đáp nghĩa" là góp phần nâng cao đời sống cho những thương binh, gia đình liệt sĩ, nhất là chuyện an cư. Thời gian qua, các cơ quan, cá nhân trong và ngoài tỉnh đã rất tích cực hỗ trợ đầu tư xây dựng nhà ở cho các gia đình chính sách, đối tượng có công. Đến cuối năm 2003, toàn tỉnh đã xây dựng được 475 nhà tình nghĩa với tổng kinh phí là 6,35 tỉ đồng. Bên cạnh đó, từ năm 2000, tỉnh đã thực hiện chủ trương hỗ trợ cải thiện nhà ở cho các gia đình chính sách. Mức hỗ trợ là 5 triệu đồng cho mỗi hộ chính sách và 10 triệu cho Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Đến nay, về cơ bản, các gia đình chính sách đã được hỗ trợ cải thiện nhà ở. Trong đó, ngoài ngân sách tỉnh, số tiền huy động trong nhân dân lên đến hàng tỉ đồng.
Ngoài ra, thương, bệnh binh và gia đình chính sách còn được tạo nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế, ổn định đời sống như: ưu tiên giao đất sản xuất nông, lâm nghiệp, hỗ trợ vốn, trang bị kiến thức làm ăn để phát triển kinh tế gia đình, giúp họ có việc làm và thu nhập ổn định. Nhờ đó, không ít hộ chính sách đã vươn lên làm giàu. Gia đình ông Nguyễn Vệ (thị trấn Tăng Bạt Hổ, huyện Hoài Ân) là một ví dụ. Là một thương binh 3/4 nhưng ông đã cùng gia đình bỏ công sức phát dọn một vùng đồi 20ha trồng bạch đàn lấy gỗ. Sau đó, ông được vay vốn giải quyết việc làm để đầu tư xây dựng ngọn đồi này thành một trang trại kết hợp chăn nuôi và trồng trọt. 2 năm nay, mỗi năm ông thu nhập từ 30 đến 35 triệu đồng. Với những hộ chính sách còn gặp khó khăn, ngoài trợ cấp ưu đãi, còn được vay vốn ưu đãi từ quỹ "Xóa đói giảm nghèo" để sản xuất kinh doanh.
Điều đáng mừng nhất sau 9 năm thực hiện Pháp lệnh ưu đãi người có công (1995-2004), là công tác chăm sóc người có công đã và đang được xã hội hóa. Không chỉ là trách nhiệm của các cấp chính quyền, đền ơn đáp nghĩa đã trở thành tình cảm và trách nhiệm của từng người dân. Con số 100% Bà mẹ Việt Nam anh hùng hiện đã được các cơ quan địa phương và Trung ương nhận phụng dưỡng suốt đời với mức trợ giúp 100.000-200.000 đồng/tháng; rồi 1,6 tỉ đồng đã được vận động đóng góp vào quỹ "Đền ơn đáp nghĩa" năm 2003 là những minh chứng cụ thể. Bằng con đường xã hội hóa, các hội, đoàn thể cũng tích cực tham gia giúp đỡ các hộ chính sách còn gặp khó khăn kinh nghiệm và phương pháp làm ăn thích hợp. Hiện nay, hầu hết các gia đình chính sách đã có đời sống tương đối ổn định, ngang bằng hoặc cao hơn với mức sống của nhân dân trong địa phương.
* Không bỏ sót những người có công
Năm 2003, qua chốt danh sách cho thấy vẫn còn khoảng 4.000 đối tượng có công chưa được xác nhận, chưa được hưởng chế độ ưu đãi. Trong đó, nhiều nhất là những người tham gia hoạt động cách mạng bị địch bắt tù đày, hy sinh, bị thương. Nguyên nhân chủ yếu là do công tác rà soát, kê khai danh sách diện tồn đọng chưa đúng đối tượng, chưa đúng quy trình, nên số người tuy có tên trong danh sách nhưng vẫn chưa đúng và đủ điều kiện. Việc xác lập hồ sơ và thủ tục chưa đảm bảo theo quy định. Bên cạnh đó, những người cùng chiến đấu, công tác nay không còn hoặc thay đổi nơi ở, gây nhiều khó khăn cho việc xác nhận. Để đẩy mạnh công tác xác nhận, trong năm 2003, Sở LĐ-TB&XH tỉnh đã tiến hành kiểm tra, rà soát lại số đối tượng đã đăng ký để phân loại, chốt danh sách, đăng ký với Bộ LĐ-TB&XH và tổ chức tập huấn cho cán bộ chuyên trách thương binh - xã hội cấp huyện, xã.
Ở xã Hoài Thanh (Hoài Nhơn), xã tổ chức họp dân rà soát danh sách, sau đó, mời từng đối tượng có trong danh sách đến để hướng dẫn xác lập hồ sơ, thông qua tập thể nhân dân. Sau khi niêm yết công khai danh sách tại UBND xã và thông báo trên Đài Truyền thanh xã. Sau 15 ngày, không có khiếu nại gì xã mới ký hồ sơ đề nghị giải quyết. Cách làm này thể hiện tính dân chủ nên không có đơn thư khiếu nại, tố cáo. Do vậy, đến nay Hoài Thanh đã cơ bản hoàn thành công tác xác lập hồ sơ diện tồn đọng sau chiến tranh. Nhờ đó, công tác xác nhận đối tượng được đẩy mạnh. Năm 2003, toàn tỉnh đã xác nhận thêm 6.911 đối tượng và trong 6 tháng đầu năm 2004 đã xác nhận 5.579 người có công giúp đỡ cách mạng.
Đẩy mạnh xã hội hóa sẽ là hướng đi tích cực nhằm đẩy mạnh phong trào "đền ơn đáp nghĩa". Bên cạnh đó, thời gian tới, ngành LĐ-TB&XH sẽ tiếp tục tập trung vào công tác quy tập, chăm sóc mộ liệt sĩ; thực hiện các chính sách ưu đãi người có công với cách mạng. Bằng những bước đi như vậy, đời sống người có công và gia đình chính sách ở Bình Định không ngừng được nâng lên.
. Khải Nhân |