Năm 2004, Phước Hưng là một trong ba xã, phường trong tỉnh được chọn dự Hội nghị điển hình làm công tác đền ơn đáp nghĩa trong cả nước. Có được thành tích như vậy, ngoài sự quan tâm trong chỉ đạo của UBND xã, trước hết phải kể đến vai trò của người làm công tác thương binh - xã hội: chị Nguyễn Thị Vân.
* "Dâu trăm họ"
|
Chị Vân chi trả tiền trợ cấp hàng tháng cho đối tượng chính sách |
Lúc chúng tôi đến, chị Vân hãy còn đang tất bật trong việc chi trả tiền trợ cấp hàng tháng cho các đối tượng chính sách tại trụ sở thôn Háo Lễ thay vì ở trụ sở UBND xã như một số địa phương khác. Chị Vân giải thích: "Trước đây, việc chi trả cho các đối tượng chính sách chỉ diễn ra tại trụ sở UBND xã. Nhưng chứng kiến cảnh những cụ ông, cụ bà đã lớn tuổi, ở xa, đi lại khó khăn, lại phải lặn lội ra tận trụ sở xã để nhận tiền trợ cấp hàng tháng tôi thấy rất thương. Hơn nữa, tập trung ở một điểm rất đông nên không tránh khỏi cảnh phải chờ đợi khá lâu. Bởi vậy, tôi mạnh dạn đề nghị với UBND xã cho phép được tổ chức chi trả tại hai điểm: một điểm tại trụ sở UBND xã cho các đối tượng chính sách 4 thôn phía Tây, một điểm chi trả tại trụ sở thôn Háo Lễ cho đối tượng chính sách 3 thôn phía Đông của xã. Vậy là bà con được đỡ công đi lại, đỡ mất thời gian chờ đợi". Công tác chi trả, nhờ vậy không chỉ đúng, đủ, kịp thời, tận tay từng đối tượng mà còn tạo thuận lợi cho các đối tượng chính sách.
Chị Cao Thị Kim Hường (một hộ chính sách ở thôn Lương Lộc) nhận xét: "Làm việc với chị Vân chúng tôi thấy ưng hết sức. Chưa bao giờ mà thấy chị vắng nụ cười. Chị lại nhiệt tình, bất kể lúc nào đối tượng chính sách cần là tìm đến chị, kể cả lúc đêm hôm, ngày nghỉ. Mỗi khi có đối tượng chính sách nào đau ốm, dù đang điều trị ở đâu, chị cũng đến thăm". Còn mẹ Việt Nam anh hùng Ngô Thị Diền, năm nay đã 79 tuổi, người thôn Tân Hội, thì vui vẻ: "Mẹ coi Vân như con, như cháu trong nhà. Quý lắm!". Làm hồ sơ giải quyết thủ tục, chế độ chính sách, chị Vân cũng trực tiếp xuống từng thôn, vào từng hộ để hướng dẫn. Bởi vậy, những đối tượng chính sách nào, còn thiếu thủ tục gì, chị đều nhiệt tình hướng dẫn ngay để bổ sung, giúp họ không phải đi lại nhiều lần. Có lẽ, với bí quyết như vậy mà một cái khó nhất trong công tác thương binh - xã hội là làm hồ sơ, thủ tục giải quyết chế độ thì ở Phước Hưng lại hoàn thành khá sớm.
* Giỏi việc xã, đảm việc nhà
Lo chi trả tiền trợ cấp hàng tháng, quan tâm chăm sóc các đối tượng chính sách những khi đau ốm, hiểu hoàn cảnh gia đình từng hộ để có sự giúp đỡ khi cần thiết, giúp các đối tượng chính sách làm hồ sơ giải quyết chế độ… với từng ấy công việc thì không thể chỉ gói gọn trong 8 giờ vàng ngọc. Nói như chị Vân, đã làm công tác đền ơn đáp nghĩa thì phải xác định là hầu như không có ngày nào rảnh. Không chạy đến thôn này chỗ này thì cũng thấy chị Vân đến thăm đối tượng chính sách nơi khác, hay lên huyện làm các thủ tục giải quyết chế độ. Bận bịu việc xã hội, nhưng chị vẫn tần tảo việc nhà. Chồng chị hiện đang làm việc tại KCN Phú Tài, gia đình có hai con, con lớn mới 15 tuổi. Bởi vậy, hằng ngày, chị phải dậy từ 4-5 giờ sáng, lo việc nhà cửa, heo gà, chuẩn bị cho con đi học, rồi mới yên tâm đi làm. Những khi có công việc cần giải quyết, vậy là chị làm việc thông tầm để giải quyết kịp thời.
Chị tâm sự với chúng tôi: "Đã gắn bó với công việc này rồi thì lại sẽ thấy có rất nhiều niềm vui. Chẳng hạn, những khi đối tượng được quyết định công nhận, mình cũng cảm thấy vui lây. Và không thể chờ được, phải phóng xe xuống tận từng nhà để thông báo". Còn ông Đoàn Văn Hùng, Trưởng phòng Tổ chức-Hành chính (Sở LĐTBXH), thì nhận xét: "Làm công tác đền ơn đáp nghĩa không chỉ cần tinh thần trách nhiệm, mà trước hết là phải có cái tâm. Những người có cái tâm, có lòng nhiệt tình lại rất trách nhiệm như chị Vân thật đáng quý".
. Lê Viết Thọ
|