Thể thao Việt Nam một năm nhìn lại: Nhiều niềm vui nhưng không ít nỗi lo
16:44', 29/12/ 2003 (GMT+7)

SEA Games 22 thành công rực rỡ

Năm 2003 có thể xem là "cột mốc vàng" cho thể thao Việt Nam trên đấu trường Đông Nam Á khi tổ chức một kỳ SEA Games 22 thành công rực rỡ và đoàn thể thao Việt Nam lần đầu tiên vươn lên đứng đầu bảng tổng sắp với 158 HCV, một con số mà trong mơ các nhà thể thao Việt Nam cũng khó nghĩ đến...

* Sea Games 22 - Đại hội vàng

Năm 2003, lần đầu tiên SEA Games được tổ chức ở nước ta. vì thế Chính phủ và nhân dân Việt Nam đã dốc toàn lực để tổ chức thành công và ghi ấn tượng đẹp với các nước. Chỉ tiêu đề ra cho đoàn thể thao Việt Nam là trên 100 HCV và VN chỉ hy vọng nằm trong tốp 3 thứ hạng đầu. Thế nhưng, những gì mà nước chủ nhà Việt Nam làm được đã thật sự vượt quá mong đợi…

SEA Games 22 và ngay cả Asean Para Games 2 vừa bế mạc đã để lại dấu ấn mạnh mẽ trong lòng bạn bè quốc tế đến tham dự về một đất nước, con người Việt Nam hiền hòa, mến khách, đầy lòng cao thượng. Ngoài ra, các trang thiết bị kỹ thuật trong việc tổ chức một đại hội thể thao quốc tế quan trọng cũng rất hiện đại… Đó là những cái quý nhất mà chúng ta đã thu lại được từ SEA Games 22. Còn ở những cuộc so tài, các VĐV chủ nhà đã làm được "trên cả tuyệt vời" như lời nhận xét của Trưởng đoàn TTVN Nguyễn Hồng Minh. Các môn ban đầu đặt chỉ tiêu khá khiêm tốn như: điền kinh (4HCV), judo (2), karatedo (6), bóng ném, đấu kiếm… nhưng khi vào trận đã thật sự gây bất ngờ lớn. Môn điền kinh với 8 chiếc HCV với những cái tên Nguyễn Thị Tĩnh, Nguyễn Lan Anh, Đỗ Thị Bông, Lê Văn Dương… đã thật sự làm các nước có phong trào mạnh trong khu vực phải nể phục. Nhưng ở môn Judo mới là điều đáng nói khi các võ sĩ chủ nhà đoạt đến 6/16 HCV để vươn lên đứng đầu toàn đoàn trong những trận chung kết mà họ đều giành chiến thắng tuyệt đối. Ngoài ra, những VĐV như Huyền Diệu, Nguyễn Văn Hùng (Taekwondo), Lý Đức, Phạm Văn Mách (thể hình)… đã là những tên tuổi lẫy lừng trong khu vực. Tất cả đều góp công lớn vào ngôi vị số 1 của đoàn thể thao chủ nhà với 158 HCV và bỏ xa Thái Lan - đoàn xếp thứ nhì với 90 HCV.

* Vui rồi lo

Những gì mà các VĐV của đoàn thể thao Việt Nam thể hiện tại SEA Games vừa qua thật tuyệt vời, nhưng phải công tâm mà nhìn nhận: Trong 32 môn thể thao được tổ chức tại SEA Games 22 có những môn mới lần đầu được tổ chức là lặn, cờ vua, đá cầu, đua thuyền truyền thống, chưa kể những môn thế mạnh của Việt Nam như wushu, karatedo, vật… đều có bổ sung thêm một số nội dung hoặc luật mới và tất cả đều tạo thành lợi thế rất lớn cho đoàn chủ nhà. Tại SEA Games 23 ở Philippines, chắc chắn đoàn chủ nhà sẽ đưa vào những môn có lợi cho họ và sẽ bỏ những môn đang là thế mạnh của các nước khác và đây sẽ là một thách thức lớn cho chúng ta.

Đó là chưa kể trong 32 môn thi đấu lần này thì có 22 môn nằm trong hệ thống Olympic và 27 môn nằm trong hệ thống Asian Games. Các môn chưa có trong Olympic gồm: Billiards & Snooker, thể hình, cờ vua, lặn, petanque, đá cầu, cầu mây, đua thuyền truyền thống, pencak silat, wushu; chưa có trong Asian Games là: cờ vua, lặn, pencak silat, đua thuyền truyền thống, đá cầu. Mà tại SEA Games vừa qua, những môn này đã đóng góp một lượng HCV không nhỏ vào bảng thành tích của Việt Nam.

Với vị trí số 1 SEA Games lần này, ở những kỳ đại hội thể thao tiếp theo, chắc chắn chỉ tiêu của đoàn thể thao Việt Nam sẽ phải là 1 trong 3 thứ hạng đầu. Mà để làm được điều này, ngành thể thao Việt Nam phải có những kế hoạch cụ thể và dài hơi ngay từ bây giờ.

* Và những nỗi buồn

Năm 2003 cũng là năm mà thể thao Việt Nam có nhiều tổn thất và mất mát về nhân mạng nhất. Trước SEA Games, 2 tuyển thủ Trần Thanh Ngời (judo) và Đỗ Xuân Tâm (xe đạp) đã bị tử nạn trong lúc tập luyện và đô vật Lê Thị Huệ đã bị chấn thương cột sống dẫn đến liệt người. Tổn thất và đau buồn, chưa bao giờ lớn như thế cho thể thao Việt Nam…

Năm 2003, nhảy cao Việt Nam cũng đã làm được những điều tuyệt vời khi Bùi Thị Nhung đoạt chiếc HCV nhảy cao châu Á với thành tích 1,88m, còn Nguyễn Duy Bằng vượt qua cộc mốc 2,20m. Cả hai đều là những "niềm hy vọng vàng" của Việt Nam tại SEA Games 22, nhưng họ đã thất bại. Đáng buồn hơn là thành tích của các đối thủ đoạt HCV thành tích còn thua khá xa 2 VĐV kể trên. Ngoài ra, ở những môn khác cũng còn rất nhiều trường hợp như thế và điều đó cho thấy, tâm lý thi đấu của các VĐV Việt Nam còn phải "tôi luyện" rất nhiều mới có thể vững mạnh trên đấu trường quốc tế.

Năm 2003, lại thêm một năm mà việc kiếm vàng của bơi lội ở SEA Games lại thất bại. 44 năm qua, chúng ta vẫn loay hoay kiếm bạc trong mỏ vàng. Bao giờ bơi lội Việt Nam lớn mạnh? Lời giải vẫn chưa có...

. Theo SGGP

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Lượt đi Siêu cúp quốc gia: Bình Định - Hoàng Anh Gia Lai: 1-1  (28/12/2003)
ASEAN Para Games 2 kết thúc thành công  (28/12/2003)
Trước trận lượt đi tranh Siêu cúp quốc gia: Cửa thắng dành cho chủ nhà   (26/12/2003)
Thơ ca dân gian của người Banar Kriêm   (25/12/2003)
Bình Định và Hoàng Anh Gia Lai tranh siêu cúp quốc gia 2003  (24/12/2003)
Âm nhạc giáng sinh: Giai điệu hạnh phúc và hòa bình  (24/12/2003)
Noel - ý nghĩa và tập quán  (23/12/2003)
Lễ khai mạc ASEAN PARA Games 2: Trọng thể và hoành tráng  (22/12/2003)
19 giờ ngày 21-12: Khai mạc ASEAN Para Games 2 - 2003  (21/12/2003)
Trước trận tranh Siêu cúp Quốc gia 2003: Bình Định sẽ "ăn cú đúp"!  (19/12/2003)
Bắt đầu mùa bóng mới 2004   (18/12/2003)
Siêu Cúp Quốc gia 2003: Trận "derby Tây Sơn"   (17/12/2003)
Giáo trình cho đào tạo sân khấu truyền thống: Bước đi đầu tiên   (16/12/2003)
SEA Games 22 qua mắt bạn bè: Việt Nam xứng đáng ngôi số 1!   (15/12/2003)
Bình Định và Hoàng Anh Gia Lai rơi vào bảng "tử thần"  (14/12/2003)