Khi phân tích, bình luận các trận đánh mà quân đội Tây Sơn tiến hành có một điều mà các nhà quân sự ngày nay đều thống nhất – quân Tây Sơn biết rất rõ về đối phương, hạn chế rất tốt hiểu biết của đối phương về mình. Việc sử dụng đội quân bí mật trong quân đội Tây Sơn diễn ra rất linh hoạt với nhiều nhiệm vụ, nhiều mục đích khác nhau...vàđược phát triển trên tầm chiến lược.
Quân đội Tây Sơn dưới sự chỉ huy của thiên tài quân sự Nguyễn Huệ hễ xuất binh là đánh thắng. Đặc điểm của quân Tây Sơn là: hành binh thần tốc, cơ động, đánh là thắng lớn, gây cho đối phương nhiều thiệt hại sinh lực vật chất, quân lực và tâm lý, chiến thắng mang lại hiệu quả lâu dài . Những thành tựu này sẽ không thể có được nếu đội quân tình báo không đuợc tổ chức tốt. Trận Ngọc Hồi - Đống Đa tiêu diệt 20 vạn quân Thanh xâm lược là ví dụ kinh điển để phân tích về nghệ thuật hành quân thần tốc, công thành cấp tập, tiêu diệt kẻ thù chớp nhoáng. Trong bài học kinh nghiệm rút ra, các chuyên gia quân sự thường gặp nhau ở điểm – trận thắng lớn đã được khởi động rất tốt bởi đội quân tình báo-phản gián Tây Sơn đã làm việc rất tích cực hiệu quả. Nhờ thông tin tình báo kịp thời, Hoàng đế Quang Trung đã xây dựng được phương án tối ưu trong đó mọi chi tiết, biến động chiến trường đều được định liệu trước một cách chính xác và ông đã dám tuyên bố trước ngày hoàn tất chiến thắng của mình trước ba quân tướng sĩ.
Thượng tướng Hoàng Minh Thảo đã bình luận về cách mà Quang Trung triển khai trận Ngọc Hồi – Đống Đa như sau : “Trong cuộc phản công ra Thăng Long (1789) thế trận mà Quang Trung triển khai là để đánh vào một mục tiêu tập trung. Nhưng thế trận rất hiểm, kín và chắc. Thế trận này là một thế trận có nhiều thế, các thế có mối quan hệ hữu cơ trong một thế tổng hợp chung, hiệp đồng hỗ trợ nhau rất chặt chẽ, ăn ý... . Sở dĩ Quang Trung chỉ thực hành một trận quyết chiến chiến lược cũng dành được thắng lợi chiến tranh là do ông đã đánh thẳng được ngay vào sào huyệt trung ương, sào huyệt cuối cùng của kẻ thù, diệt được ngay bộ tổng chỉ huy của quân địch, cùng với tập đoàn chiến lược chủ yếu của nó... . Để đánh những đòn bất ngờ mãnh liệt, Quang Trung thường hoàn chỉnh thế trận trong quá trình thực hành tấn công. Thế trận của Quang Trung thể hiện tư tưởng tấn công tiêu diệt rất kiên quyết, rất triệt để...”. Mở đầu chiến dịch Ngọc Hồi-Đống Đa, một đạo quân Tây Sơn do đích thân Quang Trung-Nguyễn Huệ chỉ huy đã nhanh chóng áp sát Gián Khẩu và bắt sống toàn bộ lực lượng thám báo tiền tiêu của quân Thanh và mọi thông tin về quân Tây Sơn, về chiến dịch đã được khoá chặt. Theo tin tức tình báo mà Quang Trung nhận được thì mồng 6 tháng Giêng 1789, quân Thanh sẽ tấn công vào Phú Xuân theo 2 mũi tiến quân bằng đường bộ và bằng đường thủy.
Mặt khác, tình báo Tây Sơn còn thông báo chính xác đến từng vị trí phòng thủ, từng cứ điểm quân sự trên vành đai bảo vệ Thăng Long mà Tôn Sĩ Nghị đã bố trí nên khi tiến quân, một mặt Quang Trung tập trung mũi chủ đạo tiêu diệt đầu não địch, mặt khác rất nhiều mũi tấn công bao vây vu hồi tạo thành nhiều tầng nhiều lớp với mục tiêu “đánh một trận thắng lớn đối phương còn kinh hoàng đến trăm năm sau”. Nhờ tình báo cung cấp đủ các thông tin chiến lược đúng như yêu cầu của mình nên Quang Trung đã chủ động đưa chiến trường ra tận Thăng Long, vào tận sào huyệt của địch để tiêu diệt địch.
Tình báo-phản gián Tây Sơn không chỉ xuất sắc trong thời chiến mà ngay ở thời bình (giai đoạn sau 1789) hoạt động của đội quân bí mật này cũng đã góp phần củng cố vị trí của nước ta, của vương triều Tây Sơn trong tương quan với phong kiến Trung Hoa. Lịch sử quan hệ giữa hai nước Việt Nam-Trung Hoa cho đến giai đoạn ấy, chưa triều đại nào có được vị trí cao, có tư thế vững chắc, tự chủ mạnh mẽ như Tây Sơn. Chính sách ngoại giao của vương triều Tây Sơn rất khéo léo nhưng cương quyết giữ vững lập trường của mình. Sự uyển chuyển trong đối sách ngoại giao của vương triều Tây Sơn linh hoạt tùy thời điểm, tùy sự kiện, cũng chứng tỏ rằng đội quân bí mật đã hoạt động với hiệu quả rất tốt.
Bá Phùng
|