Trải mùa xuân trên sàn diễn

Cận tết, những nghệ sĩ của các đoàn nghệ thuật trong tỉnh đã hoàn tất chương trình, kịch mục, sẵn sàng chuyến công diễn suốt mùa xuân bắt đầu vào mồng 4 tháng giêng.

Nghệ sĩ nhân dân Võ Sĩ Thừa năm nay đã quá tuổi “cổ lai hy”. 74 năm trong cuộc đời, ông đã có 60 năm gắn bó với nghiệp hát. Không chỉ là người “đứng mũi chịu sào” ở Nhà hát Tuồng Đào Tấn, ông còn là một kép hát trụ cột. Cận tết, ông thường cùng những diễn viên, nhạc công của Nhà hát tất bật chuẩn bị cho những chuyến lưu diễn. Ông kể: “Phải chuẩn bị công phu, tính toán kế hoạch thật sít sao, lại phải chăm lo để anh em đủ khoẻ để trụ suốt mùa diễn! Bởi có những nơi, phải diễn hai chương trình một đêm”. Những chuyến lưu diễn khi đó, xuất hành vào chiều mồng một tết, rồi kéo dài hết cả mùa xuân. Tết, với nghệ sĩ, cực mà vui. Đi tới đâu, cũng được dân chào đón, nghệ sĩ được đón tết cùng dân, ấm lòng lắm”.

Với nghệ sĩ ưu tú Nguyễn Kiểm, những cái tết ấn tượng nhất lại là 20 cái tết xa nhà. Khi ấy, cứ vào 25 tháng chạp, ông lại cùng với những nghệ sĩ bài chòi khu V lên đường biểu diễn phục vụ đồng bào miền Bắc. Mỗi chuyến đi kéo dài gần như cả mùa xuân, qua nhiều tỉnh miền Bắc. Tiết trời se sắt lạnh, nhưng cái nồng ấm của tình người, cái nhiệt tình của khán giả đã làm những người con miền Nam như ông vợi bớt nỗi nhớ nhà. Những cái tết thơm mùi ổ rơm, những cái tết ăn cùng người dân, đọng lại thật sâu nơi người nghệ sĩ có 50 năm tuổi nghề này.

Bây giờ sau hai, ba ngày ăn tết, những nghệ sĩ sẽ lại bắt đầu mùa lưu diễn, trải mùa xuân trên sàn diễn. Trước tết, họ đã tất bật hoàn tất chương trình kịch mục, chuẩn bị cho những ngày công diễn kéo dài vài ba tháng này. NSƯT Hoài Huệ, Phó trưởng đoàn Đoàn Ca kịch Bài chòi Bình Định, khẳng định: “Trải những ngày xuân trên sân khấu, tắm mình trong tình yêu của khán giả, với người nghệ sĩ, đó đã là một hạnh phúc lớn lao”. Bởi vậy, họ chắt chiu khoảng thời gian ít ỏi dành cho nhịp sống thường nhật ngày tết, họ chăm chút cho từng chậu cúc, dáng mai. Hương sắc ngày xuân như dồn tụ vào ngày mồng một, mồng hai tết, để rồi gói lại vào hành trang lưu diễn.

Còn với những nghệ sĩ nghiệp dư, sau những tháng mưa tầm tã, họ phải bỏ sau lưng bao mong nhớ của người mến mộ, mà trở về cần mẫn bên bờ ruộng, để bước vào kỳ nghỉ đông dài chừng ba, bốn tháng; nay, khi những tia nắng ấm của mùa xuân vừa chớm, đã vào mùa lễ hội, họ lại lên đường, rong ruổi để phục vụ bà con vui xuân. Mùa xuân, mùa của những ngày hát án cúng thần, những dịp kỳ yên, cúng thần, cúng miễu, luôn là những ngày náo nức trong đời hát. Đó là khi, những người dân nghèo được coi thí, khán giả vòng trong, vòng ngoài, người hát nhìn đã thấy mê, hết mình mà hát. Nhưng khác với các nghệ sĩ chuyên nghiệp, những đoàn hát nghiệp dư phải bươn bả ra các tỉnh ngoài, có khi ra tận huyện đảo Lý Sơn hay vào mé Vũng Tàu, Ninh Thuận- Bình Thuận. Vất vả là vậy, nhưng với họ, mùa xuân là mùa lý tưởng của nghiệp hát, bởi lượng khán giả, bởi lịch diễn sẽ được lấp kín và do vậy, thu nhập cũng sẽ khá hơn.

Năm nay, với Nhà hát Tuồng Đào Tấn, chương trình kịch mục hoàn thành sớm, nên trước tết, những nghệ sĩ tuồng chỉ chuyên tâm chuẩn bị hành trang mùa lưu diễn. Đạo diễn Hoàng Ngọc Đình cho biết: “Kịch mục năm nay, chủ yếu là những vở tuồng tiểu thuyết, dân gian nhằm phục vụ khán giả. Bên cạnh Lưỡi kiếm Hoàng Thanh Phong, một vở tuồng tiểu thuyết mới được dàn dựng, kịch mục công diễn xuân năm nay là Thạch Sanh, Oan khúc ly tình, Phụng Nghi Đình. Từ mồng mười trở đi Nhà hát gần như đã kín lịch. Còn Đoàn Ca kịch Bài chòi Bình Định, vừa dàn dựng xong vở Nửa đời hương phấn, nội dung hấp dẫn, hình thức vở diễn được xử lý theo hướng hiện đại hơn, hy vọng sẽ là vở diễn thu hút khán giả, bên cạnh Đứa con tôi và một chương trình ca nhạc, hài kịch, dân ca đặc sắc. Một nghệ sĩ trong đoàn vui vẻ cho biết: “Chiều mồng bốn, chúng tôi đã bắt đầu diễn tại thị trấn Phú Phong (Tây Sơn), sau đó, sẽ dần tỏa đi các huyện trong tỉnh”.
 

Lê Viết Thọ

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Quân tình báo của vương triều Tây Sơn  (21/02/2003)
Nguyễn Văn Cường - cầu thủ già nhất V-League   (21/02/2003)
Cuộc đối đầu của các cầu thủ Thái Lan trên Đất võ   (21/02/2003)
Nghe tiếng đàn của Richard Clayderman  (21/02/2003)
“Tân binh” Isawa chơi nổi bật  (28/02/2003)
Bình Định cố thủ hòa với Đà Nẵng  (28/02/2003)
Chọi gà, một thú chơi công phu  (28/02/2003)
Huỳnh Đức - Minh Quang ai đoạt Quả bóng Vàng?  (28/02/2003)
Bài dự thi “Tình yêu và Sự nghiệp”  (28/02/2003)
Bản hùng ca vang dội mọi thời  (28/02/2003)
Ai về Bình Định  (28/02/2003)
Hãy cứu lấy những ngôi nhà lá mái  (28/02/2003)
Buồn vui cùng thể thao Bình Định năm 2002  (28/02/2003)
Thời gian và cảm xúc mùa   (28/02/2003)
Đôi nét về bốn gương mặt thơ nữ Bình Định  (28/02/2003)