Hồn dân tộc rền trong tiếng trống

Nói đến Tây Sơn là nói đến truyền thống thượng võ, mà trong bề dày của truyền thống này, những bài trống trận chiếm một vị trí vô cùng quan trọng. Với những người xa quê, tha phương cầu thực dăm ba năm mới trở về một lần, hành trình quy cố hương dường như không đi trên đôi chân, không lăn theo những vòng bánh xe mà dường như rung ran theo những hồi trống trận, trống chiến. Tiếng trống vang trên đất Tây Sơn hoàn toàn không hề giống tiếng trống của bất cứ nơi đâu trên đất nước mình, và có lẽ cũng chẳng nơi đâu trên thế giới này có được tiếng trống trận như vậy.

Nhạc võ Tây Sơn như tên gọi gồm hai bộ phận; nhạc và võ với các thành viên chủ yếu là người của các dòng họ lâu đời trên đất Tây Sơn: Nguyễn, Bùi, Võ, và trung tâm là đội nhạc võ hiện nay mà chị Nguyễn Thị Thuận người điều khiển dàn trống trận 12 chiếc tượng trưng cho thập nhị địa chi (tý, sửu, dần, mẹo...). Trống trận của nhạc võ Tây Sơn chỉ có 3 hồi: xuất quân, xung trận - công thành, khải hoàn. Hoàn toàn không có hồi lui quân hoặc thu quân như trống trận của các triều đại khác cũng như quân đội của nhiều quốc gia khác trên thế giới. Nhiều du khách kể cả các nhà nghiên cứu đều lấy làm thú vị khi phát hiện ra chi tiết này. Có lẽ ban đầu cũng có hồi trống này nhưng về sau do hễ đánh là thắng nên cứ sau mỗi lần công thành là hồi khải hoàn lại có dịp vang lên. Dần dần hồi lui quân, thu quân không có dịp được sử dụng nên bị tuyệt tích(?). Kể cũng không lấy gì làm lạ vì trong đời cầm quân của mình, vị hoàng đế có tên tuổi gắn liền với bài trống độc đáo này là Quang Trung chưa một lần thua trận, đội quân của ông cũng chưa một lần phải lùi bước trước bất kỳ kẻ thù nào.

Khi đôi dùi trống trong tay chị Thuận thi nhau chạy loang loáng trên mặt trống, tang trống, lập tức người nghe có cảm giác máu huyết trong người ào ạt, cuồn cuộn trong từng mao mạch. Đệm theo tiếng trống là tiếng kèn xôna khi ngạo nghễ, khi réo rắt reo vui. Tiếng trống khi thì rền vang quyết liệt, cổ vũ ba quân xông lên, nhưng cũng có lúc khoan hoà, thúc dục. Tiếng trống của nhạc võ Tây Sơn như một phương thức của nghệ thuật tâm công đánh thẳng vào tâm lý kẻ địch, làm rệu rã ý chí chiến đấu của chúng.

Không chỉ có vậy, một lần được hầu chuyện với Phan Thọ - một lão võ sư Tây Sơn, ông cho biết: Trống trận Tây Sơn không chỉ là hiệu lệnh hành quân, là cách các tướng chuyển những mệnh lệnh chiến đấu, điều binh khiển tướng. Nó hàm chứa nhiều đòn thế võ thuật siêu đẳng. Khi xưa, người đánh trống trận cũng phải tự chiến đấu để vừa bảo vệ mình vừa bảo vệ tiếng trống tín hiệu giữ nhịp trận đánh không bị ngắt quãng. Chính vì lẽ đó mà đôi dùi trống, động tác đánh trống, bộ pháp di chuyển cũng là một nghệ thuật tự vệ. Khi đánh trống trận, người đánh di chuyển hết sức linh hoạt, bất cứ bộ phận nào của thân thể cũng có thể sử dụng để đối địch. Tuy nhiên nếu quan sát kỹ sẽ thấy tính sát phạt của những đòn thế này không cao, nó mang tính răn đe nhiều hơn. Vả lại người đánh trống cũng được người múa cờ (cũng hàm chứa nghệ thuật tự vệ) hỗ trợ.

Nhiều lần ngồi dưới cội me già bên giếng nước trước điện thờ ba anh em Tây Sơn, tôi thường tự hỏi: Hơn hai trăm năm trước, khi quân Tây Sơn phất cờ dấy nghĩa, cái bầu không khí hào sảng, phóng khoáng của người dân ở đất này đã chất ngất đến độ nào, rằng những năm tháng ấy thế núi hình sông nơi đây linh thiêng đến đâu mà đủ sức gọi được từng ấy anh hùng hào kiệt quy tụ, rằng nếu vua Quang Trung thực hiện được ước mơ thống nhất toàn vẹn non sông, kiến thiết xong giang sơn, người sẽ xây dựng cố hương theo hình thế nào. Nước sông Kôn đã vài trăm lần dâng lên theo mỗi mùa bão lũ. Nước sông cũng đã bồi đắp cho cánh đồng Kiên Mỹ vô vàn phù sa để xóm làng cứ men ra phía ngoài, gần hơn với mạch nguồn thiêng liêng, để ruộng vườn quê tổ Phú Lạc cứ vậy mà xanh hơn, mênh mông hơn. Về Tây Sơn trong những ngày cuối năm, long rong trên từng ngõ thôn, lối xóm, đắm mình trong màu xanh ngăn ngắt của của những cánh đồng đậu nành, trong tiếng gió xao xác trên những ruộng mía phổng phao đang vươn mình hút căng nhựa sống tự dưng lại thấy sức sống vùng đất tổ quê nhà như hữu hình trong từng hơi thở.

Những cơn gió vi vút trên mái nhà, luỹ tre, bờ ruộng Tây Sơn dường như cũng khác với những nơi khác. Nó lùa vào hồn người niềm giao cảm thiêng liêng nào đó từ ngàn xưa vọng về, lan toả trong mỗi hồn người. Ta đứng giữa trời và đất, dang rộng ngũ quan cảm nhận luồng sinh khí giao hòa này, tưởng như đang lớn lên cùng với quê hương trong mỗi nhịp đất râm ran chuyển mình. Vọng tưởng đến công lao cao dày của những bậc tiên hiền, dâng một nén hương thơm, ngắm sợi khói mảnh tuôn lên cao, thấp thoáng trong tiếng trống trận đang rền vang trong tâm thức mỗi người, ta như thấy ánh lên từ đó một triết lý thấm đẫm chất nhân văn của dân tộc - khoan hòa nhưng kiên quyết.
 

Bá Phùng

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Điện ảnh Việt Nam năm 2002: bứt phá nhưng chưa về đích !  (21/02/2003)
Trải mùa xuân trên sàn diễn  (21/02/2003)
Quân tình báo của vương triều Tây Sơn  (21/02/2003)
Nguyễn Văn Cường - cầu thủ già nhất V-League   (21/02/2003)
Cuộc đối đầu của các cầu thủ Thái Lan trên Đất võ   (21/02/2003)
Nghe tiếng đàn của Richard Clayderman  (21/02/2003)
“Tân binh” Isawa chơi nổi bật  (28/02/2003)
Bình Định cố thủ hòa với Đà Nẵng  (28/02/2003)
Chọi gà, một thú chơi công phu  (28/02/2003)
Huỳnh Đức - Minh Quang ai đoạt Quả bóng Vàng?  (28/02/2003)
Bài dự thi “Tình yêu và Sự nghiệp”  (28/02/2003)
Bản hùng ca vang dội mọi thời  (28/02/2003)
Ai về Bình Định  (28/02/2003)
Hãy cứu lấy những ngôi nhà lá mái  (28/02/2003)
Buồn vui cùng thể thao Bình Định năm 2002  (28/02/2003)