Từ đầu tháng Chạp, trên những sạp báo rải rác xuất hiện những ấn phẩm xuân. Và dường như, với mỗi gia đình, bên cạnh những chậu hoa rực rỡ sắc màu, những thời trân mang hương vị quê nhà, không thể quên những ấn phẩm báo Tết, để nhâm nhi, không chỉ trong dịp Tết.
Đa dạng sắc màu Bên cạnh ấn phẩm Tết của những tờ báo lớn như Nhân Dân, Quân đội nhân dân và các báo có chỉ số phát hành lớn như: Tuổi trẻ, Thanh niên, Lao động… năm nay, ấn phẩm Tết của Sài gòn Tiếp thị, Tia Sáng… với hình thức đẹp, nội dung phong phú, đặc biệt có sự góp mặt của những cây bút có trọng lượng, vẫn chiếm được sự quan tâm của độc giả.
Không hẹn mà gặp, bìa nhiều ấn phẩm xuân năm nay đều có chân dung các thiếu nữ: Tiền phong, Thanh niên, Bắc Giang, An Giang… Có lẽ bởi thiếu nữ chính là biểu tượng của mùa xuân, sức trẻ. Tuy nhiên, cũng là chân dung thiếu nữ nhưng có những chân dung, bật lên được sắc thái riêng của tờ báo, nói như một bạn đọc, không có măng- sét, người ta vẫn cảm nhận được; lại có chân dung, không “nói” lên được gì. Văn nghệ trẻ lại đầy chất trẻ trung với tranh bìa Lê Trí Dũng.
Các ấn phẩm Tết đều tập trung nhìn nhận lại một năm đã đi qua, như một cách để cùng nhau tính sổ thời gian vừa đi qua, cũng là để toan tính trong thời gian tới, nhất là trong năm 2003, năm có tính chất bản lề, như nhận định của một số báo. Ngoài ra, ấn phẩm xuân không thể thiếu những bút ký, phóng sự hấp dẫn, để người đọc nhâm nhi trong ba ngày Tết; rồi những bài viết mang đậm hương vị xuân đang đến trên các miền đất nước; những bài về con dê nhân năm Mùi… Đây là những bài viết được tuyển chọn, thường là của những cây bút có tên, nên nhìn chung đều đáng đọc.
Một số báo có cách làm riêng. Dù bìa Sài gòn tiếp thị năm nay không ấn tượng, nhưng với một ấn phẩm xuân dày dặn, nội dung tập trung vào ba chữ: nghề, giàu, Việt hấp dẫn; cộng với tập Hương vị quê nhà, chuyên đề Người Việt và biển được gửi kèm theo ấn phẩm xuân, góp một chút suy tư cho những người Việt trong chuyến ra biển lớn hội nhập. Đây là một cách làm độc đáo của Sài gòn Tiếp thị từ nhiều năm nay, khá thú vị, người đọc có thể tách ra, lưu thành một ấn phẩm riêng, và nhâm nhi, không chỉ trong mùa xuân.
Văn nghệ vẫn là tờ báo trung thành với cách làm báo Tết của mình, từ hình thức đến nội dung, và không quên kèm theo ấn phẩm xuân tuyển những truyện ngắn đặc sắc nhất trong năm.
Báo Tiền Phong, Nhân dân ra khá nhiều ấn phẩm Tết. bên cạnh số Tết chính, vẫn có Nhân dân hàng tháng hay Tiền phong chủ nhật số Tết. Báo Tuổi trẻ, Người lao động xuân trình bày đẹp, ấn tượng, nhiều bài viết hấp dẫn, lôi cuốn người đọc.
Báo Tết trong tỉnh: đã phong phú hơn Điều dễ nhận thấy là báo Tết trong tỉnh năm nay đẹp và phong phú hơn cả về số lượng lẫn nội dung. Trong hơn 250 ấn phẩm xuân trong cả nước trưng bày tại triển lãm báo xuân Quý mùi- 2003 tổ chức tại Thư viện tỉnh, đã có 8 tờ báo, tạp chí trong tỉnh. Bên cạnh Báo Bình Định, còn có thêm Văn nghệ Bình Định, Văn hóa Bình Định, Người làm báo Bình Định, Khoa học- Công nghệ- Môi trường…
Báo Bình Định, dù bận rộn với Bình Định điện tử những vẫn cho ra mắt một ấn phẩm Bình Định xuân dày dặn, với 36 trang, trong đó, nhiều trang in màu. Bình Định xuân năm nay có nhiều cải tiến trong nội dung và trình bày. Bìa một của ấn phẩm là chân dung một thiếu nữ, bật lên khuôn mặt trẻ trung, tươi sáng với vành nón truyền thống, thể hiện sức trẻ của thời hội nhập. Trong ấn phẩm này, ngoài những bài viết nhìn lại một cách khái quát về chặng đường năm qua, Bình Định còn có những những bài viết về những đặc sản của Bình Định mà ai trong chúng ta khi nhắc đến, không trỗi lên chút tự hào, về những con người đang góp sức đem lại mùa xuân trong cuộc đời... Những bài viết, mang lại chút không khí mùa xuân, đến với tâm hồn bạn đọc, nhằm chia sẻ những trăn trở, toan tính trước thềm năm mới, trước những vận hội và thời cơ mới. Maquette, hình ảnh của ấn phẩm xuân Bình Định được chăm chút hơn, kỹ lưỡng hơn, và do đó, trang trọng hơn, thật sự là món quà xuân mà những người làm báo muốn đem đến cho độc giả.
Những tạp chí: Văn nghệ Bình Định, Văn hóa Bình Định, Khoa học Công nghệ và Môi trường… với ưu thế chuyên ngành của mình, tập trung giới thiệu những khía cạnh khác nhau trong tổng phổ bức tranh kinh tế- văn hóa- xã hội của tỉnh. Mỗi ấn phẩm, bạn đọc có thể tìm thấy những nét xuân thú vị, đặc sắc. Những bài thơ xuân của Đào Tấn, sáng tác mới của Nguyễn Thanh Hiện, Hà Minh Đức, Huỳnh Thạch Thảo… trên Văn nghệ Bình Định, trang thơ xuân của nhiều tác giả trên Văn hóa Bình Định là ví dụ. Văn hóa Bình Định còn có những bài viết đánh thức trong người đọc cái tình tự về những điều thường bị khuất lấp trong đời sống thường nhật; những bài viết khá công phu, giàu cảm xúc: Chợ rượu- những vỉa tầng ký ức và văn hóa (Nguyễn Thanh Mừng), Coi hát bội xưa (Nguyễn An Pha)…
Điều thú vị là góp vào sắc thái đa dạng của những ấn phẩm xuân này, tạp chí Văn nghệ của Chi hội Văn học- nghệ thuật huyện An Nhơn, trình bày trang nhã, nội dung phong phú; với sự góp mặt của nhiều cây bút trong tỉnh. Không thể phủ nhận đây là một ấn phẩm đọc được với nhiều bài viết có chất lượng.
Bên cạnh sự cố gắng đó, không thể phủ nhận một thực tế là một số tạp chí trong tỉnh chưa thật sự chăm chút cho ấn phẩm xuân. Một số ấn phẩm còn có những bài viết có tính chất tổng kết một cách khô cứng, sơ lược và điều này làm hạn chế nhiều sự hấp dẫn với bạn đọc. Một vấn đề khác làm buồn lòng bạn đọc là với số lượng chưa nhiều các ấn phẩm xuân trong tỉnh nhưng số bài viết, thơ, truyện ngắn đăng trùng lặp lại không phải là ít.
Khải Nhân
|