Nguyễn Huệ xuất hiện như một vì sao chói sáng trong bầu trời tối tăm của xã hội Việt Nam thế kỷ 18 rồi vụt tắt. Cuộc đời lao động và chiến đấu của ông là một thiên anh hùng ca đặc sắc, đương thời đã được thêu dệt như những chuyện thần thánh. Bởi là một con người phi thường, nên cuộc sống tình cảm của ông cũng phi thường.
Chính cung hoàng hậu Không rõ Nguyễn Huệ lập gia đình khi nào, nhưng trong những năm tháng chiến tranh đánh Nam dẹp Bắc, Nguyễn Huệ đã có một bà vợ họ Phạm quê ở Quy Nhơn. Năm 16 tuổi bà họ Phạm được Nguyễn Huệ chọn làm vợ. Năm 30 tuổi (1789) bà được phong làm chính cung hoàng hậu, bà kém Nguyễn Huệ khoảng chừng 5 – 6 tuổi. Chính cung hoàng hậu đã có với Nguyễn Huệ 5 con, 3 trai 2 gái. Một trong 3 người con trai được lập thái tử, là Quang Toản – về sau kế tục sự nghiệp của vua Quang Trung nhưng không lấy gì làm xuất sắc.
Chính cung hoàng hậu họ Phạm là một người phụ nữ thôn dã hiền lành, có lẽ không thuộc loại người “khuynh nước nghiêng thành”, đã gắn bó với Nguyễn Huệ trong những chặng đường chinh Nam phạt Bắc nên được Nguyễn Huệ rất mực quý trọng yêu thương. Năm 1791, sau một cơn bạo bệnh hiểm nghèo, bà đã từ trần vào ngày 29-3-1791. Mộ chôn ở dưới chân núi Kim Phụng, phía Tây TP. Huế. Vua Quang Trung đã cử hành tang lễ vô cùng linh đình, trang trọng cho bà, nhà vua đã khóc một cách sầu thảm vì thương tiếc người bạn đời đã từng trải qua bao gian khổ, vinh quang với mình.
Bắc cung hoàng hậu – Công chúa Ngọc Hân Cuộc hôn nhân “chính trị” với công chúa Ngọc Hân đã làm tốn biết bao giấy mực từ đó đến nay. Sau hơn 200 năm phân chia Nam – Bắc, rõ ràng cuộc hôn nhân này là sự hàn gắn nhân tâm vốn bị chia lìa vì nội chiến và sự chia cắt; phù hợp với nguyện vọng vì xu thế thống nhất dân tộc lúc bấy giờ. Ngọc Hân sinh ngày 27-4 năm Canh Dần (tức 22-5-1770), là người có sắc đẹp và nết na hơn cả trong số 6 nàng công chúa con vua Lê Hiển Tông. Năm 1786, sau cuộc mai mối chớp nhoáng 3 ngày của Nguyễn Hữu Chỉnh, lễ cưới Ngọc Hân công chúa – Nguyễn Huệ đã được tổ chức linh đình trọng thể ở Kinh đô Thăng Long. Ngọc Hân về Phú Xuân sống với vua Quang Trung, gắn bó đời mình với sự nghiệp của người anh hùng “áo vải cờ đào” bằng một sự thông cảm đặc biệt. Bà đã có với Quang Trung hai người con, một trai và một gái: hoàng tử tên là Nguyễn Văn Đức và công chúa là Nguyễn Thị Ngọc. Lúc Ngọc Hân lấy Nguyễn Huệ, bà 16 tuổi và Huệ đã 33 và cũng đã có nhiều đời vợ. Sau khi lên ngôi vua, năm 1789, Nguyễn Huệ đã phong bà làm Bắc cung hoàng hậu. Được 6 năm thì Quang Trung đột tử, sự thương tiếc và tình yêu của bà đối với chồng được thể hiện trong “Văn tế vua Quang Trung” đặc biệt là trong “Ai tư vãn”:
“... Mà nay áo vải cờ đào Giúp dân dựng nước xiết bao công trình...”
Những bà vợ khác Ngoài Chính cung hoàng hậu – bà họ Phạm và Bắc cung hoàng hậu – công chúa Ngọc Hân, Nguyễn Huệ còn có ít nhất thêm 3 bà vợ nữa.
- Có một bà là mẹ của Nguyễn Quang Thùy: Quang Thuỳ lớn hơn Quang Toản, nhưng không phải là con của Phạm hoàng hậu và cũng không phải là con của Ngọc Hân công chúa. Vua Càn Long (nhà Thanh) từng lầm tưởng Quang Thuỳ là con trưởng của vua Quang Trung khi Thuỳ trong đoàn sứ bộ sang chúc thọ bát tuần vua Thanh (1790). Vậy ai là mẹ của Nguyễn Quang Thuỳ và tại sao bà này lại không được phong làm hoàng hậu? .
- Bà Trần Thị Quỵ người Quảng Nam: Không rõ bà Trần Thị Quỵ được Nguyễn Huệ chọn làm thứ phi năm nào và có con với ông hay không? Tương truyền, trong những ngày Tây Sơn thất thế, bà bị quân của Nguyễn Ánh bắt được đưa lên bãi cát Kim Bồng chém đầu rồi thả trôi sông. Thi hài của bà được nhân dân bí mật vớt lên khâm liệm và mai táng cẩn thận ở cánh đồng thuộc xứ Trà Quân, làng Thanh Đông (Quảng Nam – Đà Nẵng).
- Bà phi họ Lê người Quãng Ngãi: Bà này có một con trai với vua Quang Trung, cuộc đời của bà và vị hoàng tử đó đến nay vẫn còn mịt mờ, không rõ bà được chọn làm phi trong khoảng thời gian nào? (Phải chăng bà phi họ Lê này chính là mẹ của Nguyễn Quang Thuỳ (?).
- Bà Nguyễn Thị Bích người Quảng Trị: Bà là con gái út thứ 16 của viên quan nhỏ vào mạt kỳ thời Chúa Nguyễn ở Phú Xuân. Bà cũng có một con trai với vua Quang Trung. Sau khi triều Tây Sơn sụp đổ, bà trốn về Vĩnh Ân (nay thuộc xã Cát Hanh huyện Phù Cát tỉnh Bình Định) để nương thân, lúc chết được chôn ở gò Thỏ, Vĩnh Ân.
Ngoài hai bà hoàng hậu và các bà vợ kể trên, vua Quang Trung còn dự định cầu hôn với công chúa nhà Thanh nhưng việc không thành vì ông qua đời đột ngột. Cái chết của vua Quang Trung mãi mãi còn là một nghi án lịch sử.
Quang Trung mất đi, để lại sự nghiệp dở dang và số phận của những bà vợ, những người con của ông hết sức bi thảm, họ bị Nguyễn Ánh tận diệt một cách tàn bạo hòng xoá sạch những gì liên quan tới Quang Trung – Nguyễn Huệ. Nhưng, cùng với huyền thoại bất diệt về người anh hùng áo vải cờ đào, họ còn sống mãi trong niềm thương tiếc của nhân dân.
Thúc Giáp (theo Đại Nam chính biên liệt truyện và một số tài liệu khác) |