|
Chợ quê Bình Định ngày Tết |
Từ thị trấn Đập Đá (huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định) rẽ xuống hướng đông, men theo hữu ngạn sông Thạch Đề là những bãi phù sa xanh tươi bắp đỗ liền kề những thôn xóm ẩn mình dưới bóng vông đồng và tre trúc. Thôn Thuận Thái xã Nhơn An tọa lạc trên quãng đường nầy – quãng đường còn lưu lại các địa danh nổi tiếng Bến Rượu, Cầu Rượu, đặc biệt là Chợ Rượu – những cái tên làm ngây ngất khách đa tình: “Còn trời còn nước còn non – Còn cô hàng rượu anh còn say sưa”.
Những làng xóm phụ cận thành Đồ Bàn và thành Hoàng Đế dường như ẩn hiện dáng vẻ hào hoa riêng bên cạnh cái lam lũ thường nhật. Vùng mẫn cảm của kinh kỳ là ở đây chăng khi hàng trăm gánh rượu với trăm mầu trăm vị trăm loại nồng độ tập trung về phục dịch cho thảo dân, danh sĩ, hảo hớn, vua quan. Tương ứng với các chủng loại rượu là hàng trăm thứ be, nậm, bình, vò, thạp cùng những kiểu dáng phong phú, gợi cảm. Một chiếc be không quai và kiểu nắp khi dốc ngược vẫn không hề đổ rượu ra ngoài, ấy là loại bình kỵ sĩ mà người dùng mãi xông pha nơi trận mạc, ăn cơm và uống rượu trên lưng ngựa. Một chiếc nậm đáy nở bừng như hoa lê, vòi thanh như lưỡi chim hạc, địa chỉ thường trú của nó là túi thơ của một văn nhân ưa ngao du sơn thủy hơn là câu thúc trong dòng hoạn lộ. Một đôi bình âm dương mới thoạt nhìn đã hiện lên vẻ tôn quý và dầu dãi của càn khôn, ấy là đôi bình nghi lễ, giành cho các cuộc tế cáo trời đất thánh thần, giang san xã tắc. Những chai rượu búp hoa chuối là giành cho những người cầm cày cầm phảng, có thể rút nút lá chuối ngửa cổ tu một hơi sau khi đã nhai giòn tan một con cua nướng vội bằng cỏ khô bên bờ ruộng. Vò rượu tăm kia là gì mà khi thò gáo dừa đen nhánh vào múc tưởng như chập chờn hình ông Tơ bà Nguyệt? Chợ Rượu xưa không chỉ đựng rượu trong các đồ sành đồ sứ mà còn có cả vỏ bầu khô, sọ dừa, bong bóng trâu, thậm chí có cả những ống tre, bình trắc mật… Mỗi loại tương ứng với phong vận người hoặc mục đích lễ nghi hội hè thù tạc mà người cầm sắm.
Nghe nói ngày xưa có một thái tử sắp lên ngôi vua đã rời cửa thành giành hẳn một trăm ngày đêm vi hành với một trăm cái lốt khác nhau, khi là một kẻ ăn mày cùng đường, lúc là người thợ săn bất hạnh phải bán cả cung nỏ và con chó nòi yêu dấu, hồi này là một vị quan trung chính bị thất sủng, hồi nọ thành tù binh nước người trốn về cố quốc… Chợ Rượu là nơi ông lựa chọn ngắm nhân tâm qua chén rượu để tìm ra trong muôn hình ngàn dạng một người sẽ đội vương miện hoàng hậu ngày mai. Ngày thứ nhất, ngày thứ hai, ngày thứ ba… đến ngày thứ chín mươi chín, ông đã uống đến chín mươi chín ve rượu khác nhau, say sưa tán tụng những lời hoa mỹ điệu đàng với bao nhiêu tửu nương, duy chỉ khi đã uống đến độ bình tâm tĩnh trí, ông mới đến một ngôi hàng tranh thưa người, đối diện với một cô hàng rượu bé bỏng và không thể thốt lên được một lời nào nữa. Không nói thì thiếu mà nói thì thừa trước ánh mắt mỹ nhân vừa rạng rỡ vừa bí ẩn. Hình như mọi cái lốt mà ông tự khoác lên mình, tinh vi lắm, kín kẽ lắm, qua mặt hết thiên hạ nhưng không qua mặt nổi con người này đây. Một con hổ bị lóc da moi óc phơi lòng ruột trên nia thịt giữa chợ cũng không rõ ràng bằng bụng dạ tim gan của ông trước cô hàng rượu chất phác hồn nhiên kia, chất phác hồn nhiên một cách thuần khiết. Từ ngày thứ nhất đến ngày thứ chín mươi chín, ông mới giác ngộ rằng điều ông cho là bí hiểm không hiểu nổi, chính là sự sáng trong thuần khiết của con người. Sáng trong và thuần khiết như rượu, đại diện cho sự tinh túy của đất trời.
Cả quãng đời quyền quý trong thành, mọi người rót rượu cho ông uống. Chín mươi chín ngày vi hành ông tự rót rượu cho mình uống. Chỉ còn cái nấc cuối cùng của đời người, ông hiểu, là mình rót rượu cho người khác uống. Ấy là điều mà đôi mắt Nàng Tiên Rượu của ông khẩn cầu ngay tại ngôi hàng thử thách chân mệnh đế vương. Giờ thì ông hiểu, chức năng của vị vua chân chính đơn giản vậy là cũng ác liệt vậy, không còn cách lựa chọn nào khác.
Ngày thứ một trăm là ngày bi kịch của đời ông, bi kịch của sự lựa chọn. Giá như có ai dùng móc câu tùng xẻo róc từng mảnh thịt của ông thả vào chảo dầu sôi cũng không đau đớn bằng sự dằn vặt trước cuộc lựa chọn trầm thống này. Ông hiểu, trước mắt ông chỉ có hai con đường. Ông sẽ dắt tay tác hợp cô hàng rượu và một chàng trai làng tuấn tú, thân hành rót rượu mời họ vào loan phòng sau khi nói những lời chúc phúc. Lời chúc phúc của một ông-mai-dong-thiên-tử, kẻ đại diện giang san xã tắc chăm lo cho hạnh phúc thần dân. Là vua, ông phải chấp nhận xé trái tim mình giấu trong đó tàn lửa của cuộc tình vô vọng. Còn con đường thứ hai là ông phải giành vai trò thiên tử cho một người khác, người đó là kẻ rót rượu tơ hồng cho ông và cô hàng rượu. Sau đó, ông trở thành một người chồng tốt bụng và chăm chỉ, giang san của ông là ngôi nhà tranh và người vợ hiền tấm mẳn.
Ánh mắt sáng trong và thuần khiết của cô hàng rượu bé bỏng gửi tới ông một thông điệp bất di bất dịch của càn khôn, ấm áp vậy mà lạnh lùng như vậy.
Vị thái tử đã đến lúc suy kiệt, không chọn nổi một trong hai con đường. Người thì bảo ông đã chọn con đường làm vua nhưng trở thành một vị vua đầy mặc cảm tội lỗi, vật vờ chiếc bóng trước hoàng cung. Người thì bảo ông đã chọn con đường làm dân nhưng trở thành một công dân bất đắc dĩ, một ông chồng bê tha không tròn chức phận. Người thì bảo ông đã vỡ tim mà chết lúc không giờ ngày thứ một trăm, thời điểm cuối cùng để ông đưa ra quyết định. Cũng không rõ quyết định chọn ngôi báu hay chọn người tình.
Chỉ biết rằng Chợ Rượu từ đó nổi danh như cồn và những người hát rong đời nối tiếp đời dệt nên những bài hát thảm về mối tình kia, hát cho những tửu khách nghe. Nghe mà vui nghe mà buồn nghe mà thấm thía tùy theo cơ địa tâm tính của từng người.
Ấy là Chợ Rượu Cổ. Chợ Rượu thời mở cõi có những phong vị riêng của khách lưu dân, khi trên tay nải mỗi kẻ lưu đày, mỗi đoàn di dân thường không thiếu chiếc nậm sành vương vấn một mùi men cố quận. Họ vỡ ruộng, phát nương, dựng nhà, lập xóm mới và ngùi trông phương bắc mù xa, ở đó họ từng có những tổ ấm, từng họp bạn chè chén dưới trăng thanh. Bên ngọn khói đốt đồng bây giờ, họ cũng lấy rượu giải sầu. Rượu không thể thiếu lúc ưu tư phiền muộn của cá nhân, rượu càng không thể vắng với lễ lạt, hội hè, đình đám, khao vọng của làng nước.
Chợ Rượu hoàng cung đã trở thành chợ rượu biên tái. Có thể mượn câu thơ của thi sĩ tài hoa Nguyễn Bính để gói hồn cốt của thời xa xưa ấy: “Chiều nay thương nhớ nhất chiều nay – Thoáng bóng em trong cốc rượu đầy – Tôi uống cả em và uống cả – Một trời quan tái mấy cho say”. Thời mở cõi, ở đất này người ta uống rượu bằng bát bằng vò, rượu hâm nóng kiểu Lương Sơn Bạc. Rượu rắn, rượu bìm bìm, rượu chình, rượu tỏi, rượu hồ tiêu, rượu gừng, rượu hà thủ ô, rượu mật gấu.v.v. thường xuất hiện trong hàng quán phục vụ từ người khai hoang hai sương một nắng đến trang hảo hớn hành hiệp giang hồ.
Vào cuối thời các chúa Nguyễn, tình hình Đàng Trong trở nên rối ren. Tuy vậy, Chợ Rượu cũng không ngớt các tửu đồ và nhuốm mùi “chợ thế sự”. Chúng ta biết cận kề địa vực Chợ Rượu về phía bắc là phủ Quy Nhơn, bao nhiêu hạng người tìm đến chợ khi thì dừng chân trong cuộc mưu sinh, lúc ngồi ngẫm ngợi lặng nghe thời cuộc. Nghe nói, đàn em của chàng Lía thỉnh thoảng cũng xuất hiện ở đây trước khi thực hiện các cuộc tấn công bọn tham quan ô lại. Trong truyện Chàng Lía, dân gian có kể việc Lía và cha Hồ chú Nhẫn kéo từ Truông Mây về thi võ ở phủ thành Quy Nhơn. Nhưng hồi này viên giám khảo hống hách, muốn vòi tiền chứ không phải muốn tuyển chọn nhân tài thực sự. Chàng Lía hô lâu la đốt phá Trường Thi và bắt giết viên giám khảo. Tuần phủ Quy Nhơn cho quân truy đuổi đến tận Truông Mây quyết tâm san bằng sơn trại. Lía dắt quân ra đường núi lộn lại phủ thành, cõng lâu la nhảy vào đốt các dinh trại, chém đầu tuần phủ, bắt người ái thiếp của hắn mang về núi…
Nguyễn Thanh Mừng |