Làng phong Quy Hoà - một quần thể kiến trúc độc đáo

 

Hơn 70 năm trước (1929), khi linh mục Paul Maheu (1869 – 1931) tìm ra thung lũng Quy Hòa (Quy Nhơn) ông chỉ nghĩ một cách đơn giản – tìm một nơi xa cách với thế giới bên ngoài để xây dựng một khu điều trị bệnh nhân phong. Ngày nay làng phong trong thung lũng tuyệt đẹp này, đã trở thành một quần thể kiến trúc độc đáo hiếm thấy.

Ban đầu bệnh viện Laproserie de Quy Hòa chỉ gồm một vài căn nhà xây để làm nơi điều trị, nơi ở của các soeur và nhà của bênh nhân là những ngôi tranh vách đất. Năm 1932 sau một trận bão khủng khiếp, toàn bộ nhà cửa của bệnh nhân trong trại bị cuốn phăng, các souer thuộc dòng Phan sinh thừa sai đức mẹ (Franciscan missionaries of Mary) đã vận động nhiều nguồn tài trợ để tái thiết bệnh viện. Cũng thời điểm này, giám đốc bệnh viện – soeur Charles Antoine và người phụ tá của mình là soeur Ozithe (qua đời ngày 20 – 12 - 2001 ở Paris) đã đặt ra chương trình xây dựng lại bệnh viên và xây dựng nhà ở để người phong có nơi trú ngụ kiên cố, lâu dài. Có thể nói, nhờ thực hiện qui hoạch này mà khu điều trị phong Quy Hòa ngày nay là một trong những bệnh viện đẹp và độc đáo nhất thế giới. Cùng với bệnh viện, nhà thờ và nơi ở của các nữ tu, trong khoảng 26 năm liền (từ 1932 đến 1958) chừng 250 ngôi nhà dành cho bệnh nhân phong lần lượt được xây dựng.

Soeur Ozithe vốn là một kiến trúc sư nên bà đã bỏ công quy hoạch lại toàn bộ bệnh viện và khu nhà ở của bệnh nhân. Ở cái tuổi tám mươi nhưng vẫn còn rất minh mẫn, Soeuer Marlene Nghiêm - người đã chứng kiến toàn bộ quá trình xây dựng bệnh viện kể lại: Sau khi các soeur định xong các vị trí sẽ xây nhà ở, đường đi lối lại được xây dựng trước tiên. Một con suối chảy quanh co giữa các khối nhà được khơi rộng thêm, người ta cũng đào thêm một số nhánh mới, nhiều cây cầu được xây dựng, cả cây xanh cũng được trồng đúng theo quy hoạch. Hai bên đường được trông thật nhiều hoa và cây cảnh. Cả khu nhà biến thành một công viên khổng lồ. Tôi là người từng quản lý xưởng sản xuất gạch bông, nhiều bệnh nhân đã tự vẽ mẫu gạch hoặc nhờ các soeur vẽ lại theo ý tưởng của mình, vì vậy ở đây có nhiều mẫu gạch có thể nói là độc nhất vô nhị.

Soeur Ozithe vẽ rất nhiều kiểu nhà và giúp những chủ hộ tương lai chọn mẫu, chỉnh sửa để có những mẫu nhà như ý nguyện. Các bệnh nhân có thể chỉnh sửa cho hợp ý mình từ mẫu thiết kế cho đến vật liệu trang trí, xây dựng. Mỗi căn nhà lại chất chứa một niềm tâm sự của chủ nhân và chính vì điều này mà gần như không có ngôi nhà nào giống ngôi nhà nào.

Bị ám ảnh bởi trận bão kinh hoàng năm 1932 nên khi được quyền chọn mẫu, chất liệu theo ý thích, rất nhiều người đã xây cho mình những ngôi nhà chắc chắn, khá thấp, tuyền bằng đá xanh. Tất cả những căn nhà của bệnh nhân phong đều là nhà trệt, rộng rãi để bệnh nhân sống thoải mái trong đó, mọi chi tiết được tính toán kỹ lưỡng để không gây khó khăn cho người bệnh bởi phần lớn đều đã bị tàn phế (nhà có rất ít góc nhọn, hàng hiên trước ghép bằng những mảnh gạch bông, đá xanh để dễ đi, giữa các nhà hầu như không có hàng rào ngăn cách, trong vườn có nhiều ghế đá để nghỉ chân khi di dạo...). Trong bệnh viện có rất nhiều xưởng sản xuất như xưởng gạch bông, xưởng cửa sắt, xưởng dệt may... Rất nhiều bệnh nhân đã tự sản xuất cửa nhà, gạch lát nền cho ngôi nhà của mình từ những xưởng này. Nhiều bệnh nhân đến nay vẫn còn nhớ bà soeur - kiến trúc sư Ozithe.

Thật ra phải gọi những căn nhà của bệnh nhân phong là những biệt thự nhỏ mới đúng. Những căn nhà của bệnh nhân phong chỉ chừng 70 – 100 m2 nhưng khuôn viên của nó thì rất rộng có cái lên đến 250 m2. Bất cứ nhà nào cũng có một vườn hoa nhỏ trước nhà, quanh nhà là cây xanh. Nắng. Gió. Tiếng nước suối chảy róc rách. Một không gian êm đềm đã được hình hành. Giữa những khối nhà là những công viên nho nhỏ. Công viên nào cũng có tượng, đó là tượng danh nhân y học, tượng Chúa, Đức mẹ và các thánh, rất nhiều tiểu đình xinh đẹp mọc lên giữa công viên để người đi dạo có chỗ dừng chân nghỉ mệt. Bệnh viện Laproserie de Qui Hòa do các soeur điều hành nhưng các bệnh nhân không bị bắt buộc phải theo đạo, thậm chí thỉnh thoảng trong đường nét kiến trúc các soeur còn khéo léo đưa vào một vài chi tiết gợi nhớ đến đền chùa miếu mạo vốn rất quen thuộc với người Việt.

Quy Nhơn là một thành phố trẻ. Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, thành phố thực hiện tiêu thổ kháng chiến vì thế nhà cửa phố xá còn lại đến nay chủ yếu được xây dựng từ thập 60. Chỉ một vài ngôi chùa, đền miếu của người Việt, hội quán của người Hoa là còn khá nguyên vẹn. Ngược lại, Quy Hòa hầu như không bị chiến tranh tàn phá, một vài ngôi nhà thậm chí còn giữ nguyên đường nét nguyên thủy của nó. Tường nhà, diềm hoa văn, nền gạch bông... của nhiều nhà còn nguyên vẹn. Quy Hòa là nơi mà kiến trúc nhà ở Quy Nhơn hồi đầu thế kỷ còn bảo tồn cho đến ngày nay. Không làng phong, không một khu điều trị nào nào trên thế giới được xây dựng như cái cách mà người Quy Hoà đã làm. Và nhờ thế làng phong Quy Hoà đã trở thành một quần thể kiến trúc hết sức độc đáo.
 

Bá Phùng

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Chợ rượu hoàng cung xưa   (21/02/2003)
Cầu thủ Tây ăn Tết ta   (21/02/2003)
Nỗi nhớ Bác Hồ và tiếng hát mùa xuân   (21/02/2003)
Những bà vợ của Hoàng đế Quang Trung  (21/02/2003)
Đa dạng sắc màu báo Tết  (21/02/2003)
Một tục lệ lạ của mùa xuân: Thi đấu dê  (21/02/2003)
Bình Định – Đất thủ môn   (21/02/2003)
Hồn dân tộc rền trong tiếng trống  (21/02/2003)
Điện ảnh Việt Nam năm 2002: bứt phá nhưng chưa về đích !  (21/02/2003)
Trải mùa xuân trên sàn diễn  (21/02/2003)
Quân tình báo của vương triều Tây Sơn  (21/02/2003)
Nguyễn Văn Cường - cầu thủ già nhất V-League   (21/02/2003)
Cuộc đối đầu của các cầu thủ Thái Lan trên Đất võ   (21/02/2003)
Nghe tiếng đàn của Richard Clayderman  (21/02/2003)
“Tân binh” Isawa chơi nổi bật  (28/02/2003)