Nguyễn Huệ – một thiên tài quân sự kiệt xuất

Tượng Tây Sơn tam kiệt tại Bảo tàng Quang Trung

Quân đội Tây Sơn là một trong số rất ít đội quân được tổ chức, huấn luyện thuộc loại tốt nhất thế giới vào thế kỷ 18. Đội quân này dưới sự chỉ huy của thiên tài quân sự Nguyễn Huệ hễ xuất binh là đánh thắng. Đặc điểm nổi trội của quân Tây Sơn là: được huấn luyện tốt, hành binh thần tốc, tác chiến cơ động, luôn đánh trúng những điểm mà đối phương không ngờ nhất, đánh là thắng lớn, chiến thắng mang lại hiệu quả lâu dài bởi đã gây cho đối phương nhiều thiệt hại sinh lực vật chất, quân lực và tâm lý.

Tổ tiên ta trong quá trình dựng nước và giữ nước đã biết chắt lọc những tinh hoa của nghệ thuật quân sự từ nhiều quốc gia khác nhau, kết hợp với thực tế chiến tranh của chính mình để sáng tạo ra những cách đánh của riêng mình. Nếu nhìn lại cách thức mà các tướng lĩnh Tây Sơn thực hiện những võ công như Rạch Gầm-Xoài Mút, Phú Xuân, Ngọc Hồi - Đống Đa có thể thấy rằng quân Tây Sơn tác chiến rất linh hoạt,khả năng cơ động chiến trường cao. Các nhà nghiên cứu quân sự ngày nay thường thống nhất – quân Tây Sơn biết rất rõ về đối phương, hạn chế rất tốt hiểu biết của đối phương về mình. Tổng hợp mọi thông tin về đối phương để rút ra những nhận định chính xác hầu có thể vạch ra phương án tiêu diệt chúng hợp lý nhất là công tác mà quân đội Tây Sơn thường xuyên triển khai.

Với chiến thắng Rạch Gầm-Xoài Mút vang dội tiêu diệt 5 vạn quân Xiêm, Nguyễn Huệ đã bộc lộ một cách hoàn hảo thiên tài quân sự của mình. Đầu tiên là việc lĩnh hội trọn vẹn tư tưởng quân sự mà tổ tiên ta để lại biểu hiện qua việc trì hoãn chiến tranh, điều tra quân lực đối phương, bố trí kế hoạch trận đánh, tổ chức một hệ thống bẫy tinh vi dẫn dụ kẻ thù đi vào thế trận đã đặt ra. Nhiều tư liệu lịch sử đã xác nhận rằng sau khi vào đến Gia Định, Nguyễn Huệ đã mau chóng tung ra nhiều toán thám báo, gián điệp tìm hiểu nội tình của liên quân Ánh – Xiêm - Miên. Từ tháng 10 đến tháng 12 - 1784, Nguyễn Huệ liên tục thu được nhiều thông tin về kẻ thù, những chuyến đề nghị giảng hoà do sứ giả Tây Sơn thực hiện đã hoàn chỉnh toàn cảnh hoạt động của kẻ thù. Toàn bộ trận Rạch Gầm-Xoài Mút chỉ kéo dài từ quãng 1 giờ sáng ngày 9 – 12 - 1784 cho đến đêm cùng ngày, toàn bộ 5 vạn quân Xiêm đã bị tiêu diệt không còn một mống. Nên nhớ rằng vào thời điểm ấy, thủy quân Xiêm thuộc lọai thiện chiến nhất trong vùng Đông Nam Á. Theo dõi diễn biến trận đánh có thể thấy rằng, Nguyễn Huệ đã phân kỳ tiến trình trận Rạch Gầm - Xoài Mút vô cùng chi tiết, kế hoạch tiêu diệt quân Xiêm hoàn hảo đến mức Nguyễn Huệ đã tính đến một cách chi li để lôi cuốn toàn bộ đối phương dấn sâu vào bẫy đã giăng sẵn mà tiêu diệt.

Đặng Ngọc Chỉnh, chuyên viên khoa học (Bộ Tư lệnh Hải quân) trong một tham luận khoa học về thủy quân ta đã phân tích : “Thời bấy giờ thủy quân trên thế giới thông thường lấy thuyền chọi thuyền. Đánh xa thì dùng thần cơ. Đánh gần thì dùng cung tên giáo mác, xông sát nhau. Nhưng chiến thuật, chiến dịch thủy quân thời Tây Sơn không dừng lại ở đó mà phát triển rất phong phú. Có những trận đánh độc lập, có những trận đánh hiệp đồng các binh chủng thủy quân, pháo binh, bộ binh trên bờ, dưới nước. Trận Rạch Gầm - Xoài Mút là một ví dụ điển hình về cách đánh hiệp đồng thủy bộ. Việc vận dụng các tri thức quân sự để vạch ra những chiến thuật tấn công, chiến lược phát triển chiến tranh của quân đội Tây Sơn ngày càng hoàn thiện, nó đòi hỏi tất cả các binh chủng phải phát triển đồng bộ. Nếu ở trận hạ thành Quy Nhơn (1773) đội quân này có nhiệm vụ khá đơn giản thì sang đến trận Rạch Gầm-Xoài Mút (1784) tức là gần 11 năm sau, đội quân này đã trưởng thành. Người ta dễ dàng nhận thấy rằng trong trận Rạch Gầm-Xoài Mút, Nguyễn Huệ đã tổ chức thu lượm và phân tích một lượng thông tin khổng lồ để vạch ra thế trận theo ý mình muốn. Nhờ những thông tin này, quân Tây Sơn đã đánh kẻ thù khi chúng còn đang cơ động trong tư thế tấn công bằng chính hình thức sở trường của chúng (đánh bằng thủy quân).

Quân Tây Sơn vận động đến mục tiêu rất nhanh, bất ngờ và thường thắng lớn. Những trận thắng mang tầm chiến lược, làm thay đổi cục diện chiến trường thường chỉ kéo dài trong chừng vài ngày. Năm 1786 chiến dịch đánh Trịnh giải phóng Phú Xuân, 5 vạn quân Trịnh đồn trú trong đó đã bị quân Tây Sơn đã tiêu diệt chỉ trong một ngày. Thế nhưng nói thiên tài quân sự của hoàng đế Quang Trung – Nguyễn Huệ là phải nói đến đến trận Ngọc Hồi - Đống Đa tiêu diệt 29 vạn quân Thanh xâm lược.

Giáo trình quân sự cao cấp của nhiều nước trên thế giới đã lấy trận thắng này làm vídụ kinh điển để phân tích về nghệ thuật hành quân thần tốc, công thành cấp tập, tiêu diệt kẻ thù chớp nhoáng. Quang Trung-Nguyễn Huệ đã xây dựng được phương án tối ưu trong đó mọi chi tiết, biến động chiến trường đều được định liệu trước một cách chính xác và ông đã dám tuyên bố trước ngày hoàn tất chiến thắng của mình trước ba quân tướng sĩ. Thượng tướng Hoàng Minh Thảo đã bình luận về cách mà Quang Trung triển khai trận Ngọc Hồi – Đống Đa như sau : “ Trong cuộc phản công ra Thăng Long (1789) thế trận mà Quang Trung triển khai là để đánh vào một mục tiêu tập trung. Nhưng thế trận rất hiểm, kín và chắc. Thế trận này là một thế trận có nhiều thế, các thế có mối quan hệ hữu cơ trong một thế tổng hợp chung, hiệp đồng hỗ trợ nhau rất chặt chẽ, ăn ý... . Sở dĩ Quang Trung chỉ thực hành một trận quyết chiến chiến lược cũng dành được thắng lợi chiến tranh là do ông đã đánh thẳng được ngay vào sào huyệt trung ương, sào huyệt cuối cùng của kẻ thù, diệt được ngay bộ tổng chỉ huy của quân địch, cùng với tập đoàn chiến lược chủ yếu của nó...”

Sự hùng mạnh của quân đội Tây Sơn đã góp phần củng cố vị trí của nước ta, của vương triều Tây Sơn trong tương quan với phong kiến Trung Hoa. Lịch sử quan hệ giữa hai nước Việt Nam - Trung Hoa cho đến giai đoạn ấy, chưa triều đại nào có được vị trí cao, có tư thế vững chắc, tự chủ mạnh mẽ như Tây Sơn. Cùng sự hùng mạnh này, chính sách ngoại giao mềm dẻo nhưng kiên quyết của vương triều Tây Sơn đã củng cố vững chắc độc lập dân tộc.
 
. Bá Phùng

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Làng phong Quy Hoà - một quần thể kiến trúc độc đáo  (21/02/2003)
Chợ rượu hoàng cung xưa   (21/02/2003)
Cầu thủ Tây ăn Tết ta   (21/02/2003)
Nỗi nhớ Bác Hồ và tiếng hát mùa xuân   (21/02/2003)
Những bà vợ của Hoàng đế Quang Trung  (21/02/2003)
Đa dạng sắc màu báo Tết  (21/02/2003)
Một tục lệ lạ của mùa xuân: Thi đấu dê  (21/02/2003)
Bình Định – Đất thủ môn   (21/02/2003)
Hồn dân tộc rền trong tiếng trống  (21/02/2003)
Điện ảnh Việt Nam năm 2002: bứt phá nhưng chưa về đích !  (21/02/2003)
Trải mùa xuân trên sàn diễn  (21/02/2003)
Quân tình báo của vương triều Tây Sơn  (21/02/2003)
Nguyễn Văn Cường - cầu thủ già nhất V-League   (21/02/2003)
Cuộc đối đầu của các cầu thủ Thái Lan trên Đất võ   (21/02/2003)
Nghe tiếng đàn của Richard Clayderman  (21/02/2003)