Mùa xuân, nhớ Bình Định xưa…

Ngoài căn nhà nhỏ che chở một gia đình, tôi còn một căn nhà rộng lớn hơn giữa lòng đất đai Tổ quốc. Ấy là căn nhà Bình Định, nền là sông núi, mái là trăng sao, thềm cửa mở ra vầng sóng biển mênh mang khúc hát đường chân trời. Cái mái ấm Bình Định ấy nằm giữa ba con đèo, đèo Bình Đê ở phía Bắc, đèo Cù Mông ở phía Nam và đèo An Khê ở phía Tây. Cái mái ấm Bình Định ấy ấp iu ba dòng sông lớn, sông Lại sông Côn ở hai đầu và sông La Tinh ở giữa. Và rất nhiều dốc truông, sông suối, gò đồi, đầm ao. Núi sông Bình Định khúc khuỷu gập ghềnh, con người Bình Định chân tình và đa cảm. Trên lưng những con ngựa xưa, bên cạnh hàng hóa sản vật giao thương, người Bình Định truyền thống còn chất theo câu hát dãi dầu và lắng đọng: “Tiền tài như phấn thổ – Nghĩa trọng tợ thiên kim”.

Ấn tượng trực quan của xứ sở này là vùng đất của thành quách, đền tháp, những riêu phong thiên lý của “dấu xưa xe ngựa”. Dường như bàng bạc trên từng phế tích, từng viên gạch cổ và từng nhánh cây ngọn cỏ hơi ấm của nền nghi vệ xưa, hắt qua mây nước không khí trầm tư của một tứ thơ cổ điển. Những tiềm ẩn và hiện hữu, những mất mát và tồn tại, hữu thể cũng như vô thể luôn đem đến cho khách hữu tâm những hình dung đầy ấn tượng qua bước chân của tháng năm hưng vong bĩ thái. Một thành Đồ Bàn, một thành Cha, một ngọn tháp Cánh Tiên… của châu Vijaya xưa; một thành Hoàng Đế, một ngôi chùa Thập Tháp, một thành Bình Định… của thời trung cận đại; những kiến trúc xóm thôn, thị tứ với đình miếu, lăng tẩm, chùa chiền, làng nghề, trường trại, chợ búa, nhà vườn… đời nối tiếp đời, người nối tiếp người, đem đến cho chúng ta một gương mặt quê hương tự tin và bền vững, truân chuyên và trầm tĩnh, khuôn thước và cách tân, cổ xưa và tươi mới.

Điều đầu tiên là nói về đạo làm người được xác lập nơi đây trong gánh gồng của những con người đi mở đất và nó được bồi đắp, điểm tô mãi trong nhiều thế kỷ. Đạo làm người của Việt Nam ở một địa phương cụ thể này thể hiện bản lĩnh Việt Nam nơi đầu sóng ngọn gió, nơi đất phên giậu của Tổ quốc thế kỷ XV. Ấy là cuộc ứng xử đầy thử thách ở một xứ sở hôm qua là kinh kỳ, hôm nay là thảo dã, mây trời chốn long bàn hổ cứ bỗng trở thành màu mây biên tái. Và nhân dân xứ này đứng trước cuộc hợp quần vĩ đại để nhen nhóm và mở mang tái thiết từ xã hội đến gia đình, từ gia đình đến mỗi đời người. Ấy là cuộc luân hoán cái lạ lẫm thành quen thuộc, cái hoài nghi thành tự tin, cái hoang vu thành đầm ấm. Tương ứng như thế, thiên di hóa tụ cư, đất đai hóa mùa màng, nghĩa tình hóa quê hương. Trong bàn tay của những cư dân đầu tiên, họ đã lấy lửa từ mỗi trái tim để thắp lên bàn thờ tổ tiên ý nghĩa vĩnh hằng nơi đất mớ, vẫn như ngàn năm xưa “cây có cội nước có nguồn, chim có tổ người có tông”.

Đạo làm người nơi đây cũng thể hiện theo truyền thống Việt bốn ngàn năm, trước hết ở sự phụng sự tổ tiên, sự trân trọng đề cao những giá trị của phẩm chất anh hùng, nhân nghĩa, trung tín… những ứng xử vi tế giữa con người với thiên nhiên, con người với xã hội, hiện tại với quá khứ, hiện tại với tương lai… Nói như nhà văn Vũ Hạnh “Chính vì không giáo chủ mà đạo làm người thể hiện tinh thần bình đẳng vô song, không có giáo đường nên đạo có thể hoằng dương cực kỳ sâu rộng, không có nghi lễ buộc ràng nên đạo hết sức tự do, không có quyên góp nên đạo thanh thoát, không có kinh kệ nên đạo nhiệm mầu”.

Dấu vết trường ốc của thời trung cận đại đã để lại dấu ấn khá đặc sắc và tập trung trên mảnh đất An Nhơn xưa qua hai trường học điểm hình: trường học của thầy giáo Hiến trên đất An Thái và trường thi Hương Bình Định trên đất Nhơn Hòa. Trường học thầy giáo Hiến là ngôi trường tự phát của một nhà nho bất đắc chí, muốn góp chút gió cho những người nhen nhóm nghiệp cả. Đây là nơi trui rèn của một lãnh tụ thuở hàn vi: Quang Trung – Nguyễn Huệ. Trường thi Hương Bình Định là trung tâm sát hạch của nhà nước (nhà Nguyễn) từng là lò xuất thân của các danh nhân, nhân vật Bình Định nói riêng, Nam Trung bộ nói chung. Từ một mái trường làng, Nguyễn Huệ đã hình thành tư tưởng cứu nước cứu dân, tư tưởng cải cách, chấn hưng văn hóa. Những trí thức Bình Định qua trường thi Hương thi cử và lập thân theo các khuynh hướng chưa hẳn đã giống nhau như Đào Tấn, Mai Xuân Thưởng, Đào Phan Duân, Nguyễn Bá Huân, Nguyễn Trọng Trì, Hồ Sĩ Tạo… nhưng đều chung một tư tưởng gần dân, rất thiết tha gắn bó với dân và bằng điều kiện riêng của mỗi người, rất nhất quán trong việc giúp đỡ những người chân lấm tay bùn.

Không phải ngẫu nhiên mà các triều đại Chăm pa cổ đã chọn vùng đất này làm kinh đô và cũng không phải ngẫu nhiên mà Thái Đức Nguyễn Nhạc lại xây dựng vương triều của mình trên đất này. Đây là mảnh đất in bóng vàng son hai kinh đô của hai vương quốc, có đầy đủ bóng dáng của hội tụ, kết tinh, giao lưu và lan tỏa, thể hiện khá rõ sự tiếp biến về mặt văn hóa, qua đơn vị làng. Vẻ u mặc lẫn tươi sáng giữa thiên di và địch cư, giữa cũ và mới, giữa bể dâu và vĩnh cửu, giữa hủy diệt và sáng tạo… dường như hàm chứa ở nét mặt di tích, sông núi, cỏ cây.

Nhưng điển hình tiếp biến văn hóa ở các ngôi làng, thị tứ có thể kể ra rất nhiều và đi sâu vào từng khuôn mặt đất đai như vậy, chúng ta dường như lắng nghe được hơi thở, ánh nhìn, tiếng nói đầy chân cảm, trầm lắng nhưng cũng vang động lắm của nó.

Cái lý và cái tình để đất này hình thành nên một nhóm thơ mang tên Bàn thành tứ hữu với những tên tuổi vang dội trong nền thơ dân tộc có liên quan sâu xa đến truyền thống và sự va đập, hội ngộ giữa các nền văn hóa. Bốn dòng sông thơ mãnh liệt đã phát nguyên từ những chân trời và có một cuộc hợp lưu đầy thi vị trong tình bằng hữu chan chứa bên góc thành Đồ Bàn khiến nhiều người đồng cảm ví với tứ linh: Long (Hàn Mặc Tử), Lân (Yến Lan), Quy (Quách Tấn) và Phụng (Chế Lan Viên). Mạch đập của vùng quê thượng võ có những lý lẽ riêng bí ẩn và tự tin xác lập cho mình sự mặn mà bén duyên với thi sĩ, với thơ ca.

Nguồn mạch ấy, trong cơn oằn mình của lịch sử và văn hóa đã tạp nên các anh hùng và thi nhân, kết thụ của khí phách và kết tụ của sự mẫn cảm. Lấy ví dụ ở hai danh sĩ bản địa là Nguyễn Trọng Trì và Hồ Sĩ Tạo, chúng ta bắt gặp ở mức độ nào đó sự khúc xạ của thời thế đã tạo nên ánh hào quang trong nhân cách kẻ sĩ Bình Định từ chốn công đường màn thêu trướng vóc sẵn sàng bước ra xả thân dưới cờ nghĩa.

Nguồn mạch ấy, theo cách nói của Chế Lan Viên, “đã rời số phận một người để sống số phận một dân tộc. Thơ cũng chuyển địa bàn, đi từ một nhiệm vụ này đến một nhiệm vụ khác, gần kề lịch sử hơn, gần kề chính trị hơn”.

Ngày xưa, con đường vu quy của Huyền Trân công chúa đã thả bóng xuống đất này không chỉ ngựa voi tàn lọng chở che cho sự hữu hảo của một cuộc hôn nhân chính trị mà bình thản hơn nhưng cũng lắng đọng hơn là những tiếng thì thầm quấn quít của hai nền văn hóa. Nụ cười của những nền văn hóa có những bí ẩn riêng của nó, manh nha từ những khúc quanh trường đoạn của con người và lịch sử do họ làm ra đồng thời chi phối trở lại chính họ.

Ngoài đàn Xã Tắc, những miếu, ty thờ tổ trên đất này đã ghi dấu vượng khí nghề nghiệp, linh thổ của sự tài hoa mẫn cảm suốt diễn trình lịch sử văn hóa. Ngày nay, hương khói vẫn còn tỏa ấm miếu thờ tổ hát bội ở Hòa Nghi, ty thờ tổ đúc đồng ở Tây Thuận, tổ nghề rèn ở Phương Danh, ty thờ tổ dệt ở xóm Cửi, tổ tiện và tổ chạm khắc ở Nhạn Tháp… Thổ ngơi, ruộng rẫy, vật sản, hàng hóa, xóm thôn, nhà cửa, dụng cụ sản xuất và sinh hoạt… ngoài ý nghĩa cư trú, sinh sống, sử dụng còn mang hồn vía của cội nguồn tâm linh, những yếu tố không thể thiếu được trên đường hình thành quê hương mà bao thế hệ cất lên tiếng gọi với nghĩa tình sâu nặng.

Vâng, trong hàng ngàn năm tâm thức, đất đai này, sông núi này đã đi qua cuộc lở bồi hương phế, đã đi qua dằng dặc những kiếp người, tộc họ, làng xã, kinh đô, chinh chiến và thái bình, hoài thai và sinh nở… Dù thế nào, ngọn lửa của sức sống Bình Định chưa bao giờ nguội tắt… Ngước mắt lên vầng mặt trời và ánh trăng muôn thuở vẫn hoàn theo dòng lịch sử văn hóa Việt Nam.
 

Nguyễn Thanh Mừng

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Vua và em  (21/02/2003)
Nguyễn Huệ – một thiên tài quân sự kiệt xuất  (21/02/2003)
Làng phong Quy Hoà - một quần thể kiến trúc độc đáo  (21/02/2003)
Chợ rượu hoàng cung xưa   (21/02/2003)
Cầu thủ Tây ăn Tết ta   (21/02/2003)
Nỗi nhớ Bác Hồ và tiếng hát mùa xuân   (21/02/2003)
Những bà vợ của Hoàng đế Quang Trung  (21/02/2003)
Đa dạng sắc màu báo Tết  (21/02/2003)
Một tục lệ lạ của mùa xuân: Thi đấu dê  (21/02/2003)
Bình Định – Đất thủ môn   (21/02/2003)
Hồn dân tộc rền trong tiếng trống  (21/02/2003)
Điện ảnh Việt Nam năm 2002: bứt phá nhưng chưa về đích !  (21/02/2003)
Trải mùa xuân trên sàn diễn  (21/02/2003)
Quân tình báo của vương triều Tây Sơn  (21/02/2003)
Nguyễn Văn Cường - cầu thủ già nhất V-League   (21/02/2003)