|
Triển lãm Mỹ thuật giao lưu Bình Định - Phú Yên |
Giữa cái nắng ấm tháng Năm, tại thành phố Quy Nhơn đã diễn ra một cuộc hội ngộ đặc biệt: Triển lãm Mỹ thuật giao lưu hai tỉnh Bình Định và Phú Yên. Triển lãm được tổ chức ngay tại trụ sở Hội Văn học - Nghệ thuật từ ngày 8-5 đến ngày 18-5-2003.
Vâng, tôi muốn gọi đây là một hội ngộ, bởi Bình Định và Phú Yên là hai vùng đất thật đặc biệt. Nói như ông Nguyễn Thanh Mừng, Chủ tịch Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh, trong bài phát biểu khai mạc triển lãm: “Hai vùng đất kề sông liền núi, từng đứng chung trong dòng ca dao, kẻ bên bờ lục, người bên bờ bát “Anh về Bình Định thăm cha/ Phú Yên thăm mẹ, Khánh Hòa thăm em”… Trải qua nhiều thế kỷ hưng, vong, bĩ, thái, Bình Định và Phú Yên từng xác tín mối quan hệ gắn bó chia sẻ. Từ quan hệ lịch sử địa lý đến quan hệ dòng tộc, thông gia bằng hữu, từ thổ âm thổ ngữ đến lễ nghi phong tục”. Chính những điều tốt đẹp từ thẳm sâu truyền thống ấy, đã làm đậm thêm ý vị cuộc gặp gỡ giữa những đồng nghiệp nghệ thuật.
40 tác phẩm của 25 tác giả, trong đó có 15 tác phẩm của 15 họa sĩ Phú Yên, đã đem lại cho phòng tranh một không gian nhiều hương sắc. Đa dạng về chất liệu, đa dạng về đề tài, nhiều nét phong cách, nhưng tất cả đều gặp nhau ở một tương đồng: đó là trong giọt mồ hôi sáng tạo thấm đẫm những vỉa tầng sâu thẳm trong trầm tích văn hóa Nam Trung Bộ. Và khi tự bản thân mỗi người họa sĩ đều có ý thức định vị cho mình một khoảng trời riêng trong sáng tạo nghệ thuật, thì chính những giọt mồ hôi ấy, cộng hưởng với những giá trị sâu bền của văn hóa truyền thống, kết tinh thành những tác phẩm đẹp trong sự đa dạng, đa sắc thái đó.
Hãy cảm nhận từ những nét không gian này. Tiên Dung (Nguyễn Chơn Hiền) nhẹ nhàng, mơ mộng; Quan niệm (Tuấn Sơn), Tâm thức (Trần Tưởng), Đối thoại (Trần Tuấn)… có sức gợi; Không gian của em (Phan Thị Lan Hương), Suối mơ (Nguyễn Huỳnh Ân) đẹp như một giấc mơ… Có những tác giả trở về với cái đẹp cổ điển, hay mượt mà trong chất liệu lụa như Một góc bến cá (Nguyễn Đính); nhưng lại có tác giả bày tỏ mình qua những tìm tòi: Bố cục (Nguyễn Văn Cần), Người mẹ đất Việt (Nguyễn Quốc Hùng)... Tất cả đều thể hiện một sự nghiêm túc, cẩn trọng trong sáng tạo nghệ thuật. Vũ điệu trăng rằm (Phan Văn Trọng), Ba con cá (Phạm Đình Nam), Tiếng chim (Lê Đức Thắng)... cũng là những tác phẩm đáng chú ý.
Vẫn còn có một vài sự lập lại, vẫn còn những phong cách đang trong quá trình tự định hình, những sáng tạo mới có giá trị nghệ thuật cao hãy còn nằm ở phía trước, nhưng cái đáng quý ở cuộc triển lãm là ở sự hội ngộ và sẻ chia giữa những con người đang từng ngày miệt mài trên giá vẽ. Bằng tình yêu nghề, bằng sự miệt mài như vậy, người xem có thể tự tin vào một nền mỹ thuật Nam Trung Bộ trong tương lai.
Cũng cần nói thêm là đây là lần triển lãm giao lưu thứ hai được tổ chức giữa những người sáng tạo mỹ thuật của hai tỉnh Bình Định và Phú Yên. Cuộc giao lưu lần thứ nhất, được tổ chức cách đây vài tháng, tại tỉnh Phú Yên. Những đợt triển lãm này, ngoài giới thiệu những sáng tác mới của đồng nghiệp hai tỉnh, còn tạo điều kiện để các tác giả được gặp gỡ, sẻ chia kinh nghiệm trong sáng tạo nghệ thuật, nhằm có những định hướng cho những sáng tạo mới trong tương lai.
“Trong thời gian tới, những hoạt động giao lưu, học hỏi và chia sẻ như thế này giữa những người sáng tạo văn học - nghệ thuật hai tỉnh láng giềng sẽ được tiếp tục đẩy mạnh” - lãnh đạo hai Hội Văn học - Nghệ thuật hai tỉnh đã khẳng định như vậy.
. Lê Viết Thọ
|