Một cuộc giao hòa tuyệt diệu của âm nhạc dân tộc
16:30', 1/5/ 2003 (GMT+7)

Phần biểu diễn giới thiệu của 2 nhạc sĩ Úc

Như Báo Bình Định đã đưa tin, vừa qua tại trường trung học Văn hóa - Nghệ thuật (VHNT) Bình Định đã diễn ra cuộc giao lưu âm nhạc Việt - Úc nhân kỷ niệm 30 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa 2 nước (1973-2003). Theo các nhà tổ chức, mục đích của cuộc giao lưu là nhằm tạo điều kiện cho những người yêu âm nhạc tìm hiểu về nền văn hóa và âm nhạc dân tộc của 2 nước Việt - Úc; đồng thời qua đó các nhạc sĩ, ca sĩ, nhạc công sẽ giới thiệu những nét đặc trưng, độc đáo của của nền âm nhạc dân tộc của 2 nước.

Điều đầu tiên cần ghi nhận là lượng khán giả đến với cuộc giao lưu rất đông. Bên cạnh giáo viên, học sinh của trường trung học VHNT Bình Định, nhiều nhạc sĩ, ca sĩ, những người yêu thích âm nhạc đã tới tham dự cuộc giao lưu. Cả hội trường của trường trung học VHNT không còn một chỗ trống. Thậm chí, khá nhiều người phải chen nhau đứng ở ngoài hành lang hội trường.

Tại buổi giao lưu, các nhạc sĩ, ca sĩ của trường trung học VHNT Bình Định đã giới thiệu một số bài hát, bản nhạc dân ca truyền thống đặc sắc của Việt Nam và Bình Định, như: Dân ca 3 miền, Lý ngựa ô, một số làn điệu dân ca bài chòi, làn điệu tuồng và những nhạc cụ truyền thống. Song, có thể nói, tâm điểm của cuộc giao lưu chính là 2 nhạc sĩ người Úc - Adam Hill và Paul Jarman. Cả 2 nhạc sĩ đều sinh trưởng ở Sydney (Úc). Trong 2 người, Paul Jarman là một nhạc sĩ sáng tác và chơi được khá nhiều nhạc cụ khác nhau; còn Adam Hill vừa là họa sĩ và cũng là một nhạc sĩ (nhạc truyền thống). Hai người vừa có chất giọng tốt, hát hay, vừa sử dụng được khá nhiều loại nhạc cụ. Đặc biệt, Adam Hill và Paul Jarman đã có trên 10 năm tìm hiểu, nghiên cứu về nền âm nhạc Úc đa dạng, đa sắc tộc.

Một tiết mục của học sinh trường Trung học VHNT Bình Định

Không đài các, hào nhoáng, Adam Hill và Paul Jarman đã đem đến cuộc giao lưu một phong thái hồn nhiên, chân tình, cởi mở, thậm chí có phần hơi thô ráp, mộc mạc. Tại chương trình giao lưu, 2 nhạc sĩ Adam Hill và Paul Jarman đã giới thiệu với người yêu âm nhạc “hành trình vòng quanh Úc”, với một nền văn hóa đa sắc tộc, nhất là nền âm nhạc của những thổ dân Úc. Tiếp đến, 2 nhạc sĩ đã giới thiệu về sự giao thoa giữa văn hóa, âm nhạc Úc với các nước khu vực châu Á. Nét độc đáo mà 2 nhạc sĩ thể hiện chính là việc giới thiệu những bài hát dân ca, những nhạc cụ dân tộc “lạ kỳ” của thổ dân Úc. Có loại nhạc cụ được làm từ gốc cây bạch đàn, bên trong bị mối ăn rỗng ruột. Thậm chí, có những loại nhạc cụ ra đời cách đây hơn 30.000 năm. Tiêu biểu nhất trong số này là các loại nhạc cụ: Yidaki, Warrup, Hatmonia, Tarogato, Puk, Harmonica, Karli, Bilma… Tarogato là một loại kèn Saxophone làm bằng gỗ của Úc, Warrup là loại nhạc cụ của những người thổ dân ở đảo Torres Strait, Yidaki là loại nhạc cụ của thổ dân ở vùng Amhem, phía Đông Bắc Úc… Mỗi nhạc sĩ có phong cách âm nhạc, phong cách biểu diễn riêng, được tạo cảm hứng từ nền văn hóa và những phong tục đa sắc, đa màu. Trong 2 người, nhạc sĩ Adam Hill đảm nhiệm giới thiệu nhạc cụ Yidaki, Warrup, Hatmonia và bộ gõ; còn nhạc sĩ Paul Jarman thì đảm nhiệm chơi nhạc cụ Tarogato, sáo, Puk, bộ gõ và Harmonica…

Bên cạnh đó, 2 nhạc sĩ còn giới thiệu một số nhạc cụ do chính họ cải tiến. Tiêu biểu trong số này là việc cải tiến nhạc cụ sáo bằng cách lót thêm miếng giấy vào một lỗ của cây sáo mà tạo được hiệu quả âm thanh rất khác lạ. Qua sự thể hiện của 2 nhạc sĩ, người nghe, người xem phần nào cảm nhận được sự độc đáo của các nhạc cụ truyền thống của Úc. Có thể cảm nhận qua đó tiếng xào xạc của lá rừng, tiếng gọi của đá núi, tiếng gầm gừ của muông thú, tiếng hú của con người các bộ tộc và tiếng vọng từ ngàn xưa. Adam Hill và Paul Jarman cũng giới thiệu khá chi tiết về tính năng, tác dụng, sự độc đáo của từng loại nhạc cụ, phương pháp tập, cách sử dụng và sự phối hợp giữa các loại nhạc cụ truyền thống của Úc với các nhạc cụ hiện đại. Một trong những tiết mục được nhiều người tham dự buổi giao lưu nhiệt liệt tán thưởng là bằng chính những nhạc cụ truyền thống trên, các nhạc sĩ Austalia đã thể hiện rất hay bản nhạc dân ca Việt Nam “Bèo dạt mây trôi”.

Bên cạnh việc giới thiệu các loại nhạc cụ truyền thống, Adam Hill và Paul Jarman còn giới thiệu một số bài hát dân ca đặc sắc của Úc. Cả hai nhạc sĩ đã kết hợp, đan xen, vừa hát những bài hát dân ca, vừa thể hiện các loại nhạc cụ truyền thống của Úc. Trong số những bài dân ca Úc mà 2 nhạc sĩ giới thiệu tại cuộc giao lưu thì bài Marri and Yatungka là một bài dân ca đặc sắc nhất. Đây là một bài dân ca trữ tình của các thổ dân vùng Mandildjara. Bài hát nói về câu chuyện tình của đôi nam nữ có tên là Marri và Yatungka. Bài hát chia làm 3 phần. Phần I nói về cuộc gặp gỡ của đôi tình nhân Marri và Yatungka; phần II là tiếng gọi “trở về” của bộ lạc đối với Marri, Yatungka và cuối cùng là cuộc chia xa của 2 người nhưng họ sẽ mãi mãi nhớ về nhau. Ca từ, giai điệu của bài dân ca vốn đã ấn tượng, lại được phụ trợ của âm nhạc nên càng trở nên trầm hùng, hoang sơ, quyến rũ. Đặc biệt, Adam Hill và Paul Jarman đã khéo léo “lôi” khán giả cùng “nhập hồn” vào bài hát. Hai “bè” nam - nữ là các khán giả có mặt trong hội trường được 2 nhạc sĩ lập ra, cùng tham gia thể hiện bài hát. Cách làm của các nhạc sĩ Úc không chỉ làm cho không khí của cuộc giao lưu thêm chan hòa, ấm cúng mà qua đó hiệu quả âm nhạc cũng được nâng lên rất nhiều.

Cuộc giao lưu âm nhạc Việt - Úc đã khép lại, song dư âm của nó vẫn còn đọng lại trong lòng các nhạc sĩ, ca sĩ và những người yêu âm nhạc ở Quy Nhơn - Bình Định. Mong sao sẽ có thêm  nhiều cuộc giao lưu âm nhạc bổ ích và ý nghĩa như vậy.

. Viết Hiền

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Bình Định đoạt hết các giải thưởng tháng 4 của V-League  (30/04/2003)
Lịch tập huấn mới của đội tuyển bóng đá nam, nữ  (28/04/2003)
Một trận cầu sôi động   (27/04/2003)
Trận thư hùng giữa các cầu thủ Thái Lan   (28/04/2003)
15 năm ấy biết bao nhiêu là tình  (24/04/2003)
Nhà ảo thuật Phan Ngọc Thanh với ước mơ hiện đại hóa sân khấu truyền thống  (23/04/2003)
Thú chơi chim yến Canary ở Quy Nhơn   (22/04/2003)
HLV Riedl sẽ dẫn dắt tuyển U23 từ tháng 7  (23/04/2003)
Tay đua Trịnh Quốc Đạt về đích đầu tiên  (21/04/2003)
Bình Định vượt chỉ tiêu đòi nợ Đà Nẵng  (20/04/2003)
Cây Sanh - bước khởi đầu của sự nghiệp  (20/04/2003)
Bình Định sẽ đòi nợ?  (18/04/2003)
Kiến tạo một hành trình văn hóa  (17/04/2003)
Những cuộc đua tranh bên lề sân cỏ  (16/04/2003)
Danh họa Goya và những khát vọng tự do  (15/04/2003)