TS Đinh Bá Hòa, Phó giám đốc Bảo tàng Tổng hợp Bình Định
2 tác phẩm điêu khắc Chămpa của Bình Định tham dự triển lãm tại Bỉ và Áo là một vinh dự lớn
17:28', 15/7/ 2003 (GMT+7)

Phù điêu Nam thần Brahma

Bảo tàng Tổng hợp Bình Định vừa bàn giao 2 tác phẩm điêu khắc Chămpa cho phía Bỉ để chuẩn bị đưa đi tham dự cuộc Triển lãm mang tên "Việt Nam: Quá khứ và Hiện tại". Đây là lần đầu tiên những tác phẩm điêu khắc Chămpa của Bình Định được chọn tham dự một cuộc triển lãm có quy mô quốc tế. Triển lãm sẽ khai mạc vào tháng 9 tới và diễn ra trong thời gian hơn 1 năm, từ 9-2003 đến tháng 10-2004 tại nhiều địa phương của 2 quốc gia Bỉ và Áo. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Đinh Bá Hòa, Phó giám đốc Bảo tàng Tổng hợp Bình Định một số vấn đề xung quanh sự kiện này.

- Trước hết, đề nghị ông giới thiệu đôi nét về hai tác phẩm điêu khắc Chămpa của Bình Định?

+ Đây là 2 tác phẩm điêu khắc Chămpa do Bảo tàng Bình Định khai quật vào năm 1985 và 1989 tại tháp Dương Long (Tây Sơn) và tháp Thủ Thiện - Bình Nghi (Tây Sơn). Theo hồ sơ thì đây là 2 bức phù điêu Nam thần Brahma và phù điêu Nữ thần Mahisamardini. Phù điêu ở tháp Dương Long được phát hiện khi chúng tôi cùng với các chuyên gia Ba Lan trùng tu di tích. Phù điêu Nam thần Brahma cao khoảng 1,3m, rộng 0,85m. Phù điêu thể hiện Nam thần Brahma với 3 đầu, 8 tay, khuôn mặt thanh tú, miệng rộng, môi dày, cổ ngắn, cằm vuông, ngực nở, 2 chân khuỳnh ra, đầu đội mũ chóp nhọn. Phía sau thần là những vầng hào quang. Toàn bộ hình khối của bức phù điêu được bố cục trong hình là đề. Phù điêu Nữ thần Mahisamardini tìm được tại Bình Nghi lại có nét riêng. Phù điêu cao1,27m, rộng 1,15m. Phù điêu thể hiện một phụ nữ đang múa trong tư thế: tay phải cầm mũi tên, tay trái chống hông, 2 chân khuỳnh xuống và phía dưới là hình của con thủy quái Makara. Phù điêu Nữ thần Mahisamardini cũng có 8 tay, trong đó 6 tay phụ thì mỗi tay cầm 1 vật như tù và, cánh cung, cây trượng, giáo, đoản kiếm, chuông nhỏ. Toàn bộ bố cục phù điêu cũng nằm trong hình lá đề.

- Hai tác phẩm trên có giá trị như thế nào?

+ Cả 2 bức phù điêu Nam thần Brahma và Nữ thần Mahisamardini đều rất đẹp và có giá trị rất lớn, bởi vì đây là những bức tượng rất hiếm hoi ở Bình Định cũng như khu vực miền Trung. Có thể nói đây là 2 tác phẩm điêu khắc Chămpa độc nhất vô nhị hiện nay ở Bình Định. Theo truyền thuyết của người Chămpa, thần Brahma là vị thần sinh ra từ một hoa sen mọc từ rốn của thần Visnu. Đây là vị thần được mệnh danh là thần sáng tạo với nhiều quyền năng vô biên. Ngược lại, Nữ thần Mahisamardini là vợ của thần Siva. Nữ thần này còn có tên gọi là Nữ thần Uma. Theo truyền thuyết của người Chămpa, Nữ thần Mahisamardini từng hóa thân thành nhiều cánh tay, cầm vũ khí tiêu diệt ác quỷ, cứu giúp dân lành. Chính vì thế, thần Mahisamardini còn được người dân Chămpa tôn sùng gọi là "Mẹ Xứ sở". Về niên đại, hiện nay các nhà nghiên cứu thường định niên đại đối với các tác phẩm điêu khắc Chămpa ở Bình Định khoảng thế kỷ 10-13. Theo tôi, 2 bức tượng trên có niên đại vào khoảng thế kỷ thứ 12. Hai tác phẩm điêu khắc này có trị giá bảo hiểm khoảng  70.000USD/cái. Có thể nói, trong số các hiện vật của Việt Nam được chọn triển lãm đợt này, 2 tác phẩm điêu khắc Chămpa của Bình Định có những nét độc đáo riêng. Tôi nghĩ rằng đây là một vinh dự lớn của Bình Định. Chắc chắn, 2 tác phẩm điêu khắc Chămpa của Bình Định sẽ góp phần vào thành công của Triển lãm.

- Còn vấn đề đưa các tác phẩm, hiện vật đi trưng bày tại Bỉ và Áo?

Phù điêu Nữ thần Mahisamardini

+ Những hiện vật trên đều được ngành Văn hóa, Bảo tàng Lịch sử Nghệ thuật Viên (Áo) và Bảo tàng Hoàng gia về nghệ thuật và Lịch sử Bruxelles (Bỉ) mượn bằng con đường ngoại giao, thông qua Chính phủ Việt Nam. Theo tôi được biết, việc đưa những hiện vật, trong đó có 2 bức tượng Chàm của Bình Định đi triển lãm ở nước ngoài nằm trong chương trình phối hợp triển lãm với chủ đề "Việt Nam: Quá khứ và Hiện tại". Theo chương trình, họ mượn tất cả những hiện vật quý tại các Bảo tàng, các sưu tập của Việt Nam để đưa về trưng bày tại Bỉ và Áo. Qua tiếp xúc, làm việc, bà Lambret Giám đốc của Bảo tàng Hoàng gia nghệ thuật và Lịch sử Bruxelles (Bỉ) có đặt vấn đề mượn 2 tác phẩm của Bình Định để đưa đi trưng bày. Tại cuộc họp do UBND tỉnh tổ chức, có cả vị Đại sứ Bỉ dự, bà Lambret đặt vấn đề này và được tỉnh đồng ý. Toàn bộ việc ký hợp đồng giữa 2 bên đều do Bộ Văn hóa thực hiện. Các Bảo tàng chỉ có nhiệm vụ giao hiện vật mà thôi. Tổng cộng tất cả có khoảng 400 hiện vật của các Bảo tàng và những bộ sưu tập của Việt Nam. Một số Bảo tàng có nhiều hiện vật được đưa đi trưng bày là Thừa Thiên - Huế, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam (Hà Nội), Bảo tàng Dân tộc học, Bảo tàng Lịch sử TP.Hồ Chí Minh, Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ, Hội An, Đà Nẵng, một số sưu tập tư nhân. Khu vực miền Trung chỉ có 3 tỉnh, thành có hiện vật được chọn đưa đi triển lãm là Thừa Thiên - Huế, Bình Định và Đà Nẵng.

- Những hiện vật trên là hiện vật số 1 (gốc) hay số 2 (phiên bản)?

+ Toàn bộ các hiện vật được đưa đi trưng bày, triển lãm đều là hiện vật gốc, bản chính. Trong hợp đồng thỏa thuận với ta họ có đồng ý nếu có vấn đề gì "rủi ro" họ sẽ đền bù cho ta đúng với số tiền thỏa thuận và bảo hiểm là bao nhiêu. Đồng thời, trước khi đưa đi trưng bày, những hiện vật trên đều được làm rất kỹ về mặt chi tiết, có biên bản bàn giao cụ thể.

- Việc vận chuyển, đưa 2 tác phẩm điêu khắc của Bình Định ra nước ngoài được tiến hành như thế nào, thưa ông?

+ Sau khi được UBND tỉnh đồng ý và hoàn tất các thủ tục hải quan, vừa qua, các bộ phận chức năng đã tiến hành đóng gói 2 tác phẩm để đưa đi. Tất cả máy móc, thiết bị đóng gói đều được đưa từ Bỉ sang. Toàn bộ công việc đóng gói đều do các chuyên gia của Bỉ thực hiện. Họ đều là những chuyên gia đóng gói tầm cỡ quốc tế. Việc đóng gói được các chuyên gia của Bỉ tiến hành hoàn toàn bằng máy và được thực hiện rất kỹ lưỡng, chặt chẽ, an toàn. Ngay cả gỗ để đóng kiện hàng cũng được đưa từ Bỉ sang. Đồng thời, toàn bộ kinh phí đóng gói cũng đều do Bỉ chịu. Chúng tôi chỉ phụ giúp họ trong việc vận chuyển. Công việc đóng gói ở Bình Định vừa hoàn tất một cách chu đáo.

. Viết Hiền

(Thực hiện)

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
"Hoan hô thằng ăn trộm"  (11/07/2003)
Khởi động giai đoạn nước rút   (11/07/2003)
Để sân khấu truyền thống không xa lạ với giới trẻ  (10/07/2003)
Nhìn lại bóng đá Bình Định mùa giải năm 2003  (09/07/2003)
Khai quật mộ chum 2000 tuổi  (08/07/2003)
Làng văn hóa Hà Ri  (06/07/2003)
Trong tương lai không xa, cờ tướng Bình Định sẽ phát triển mạnh  (04/07/2003)
Người hâm mộ nói gì khi đội bóng đá Bình Định đăng quang?  (02/07/2003)
Bên lề sân cỏ  (02/07/2003)
Luciano – Người đứng sau vinh quang của đội bóng  (02/07/2003)
Bóng đá và một trang nhật ký viết chung  (02/07/2003)
Trong niềm vui ngất trời  (02/07/2003)
Hai hay và một chưa hay  (02/07/2003)
Bóng đá Bình Định- Hành trình đến vinh quang   (02/07/2003)
Bình Định đoạt Cúp quốc gia   (03/07/2003)