Làng Đào Tấn – Làng du lịch
14:41', 1/1/ 2004 (GMT+7)

Đình làng Vinh Thạnh (ảnh: Đăng Huy)

Đến Bình Định du khách không chỉ được thưởng ngoạn non thanh thủy tú của một vùng biển, núi, những di tích văn hóa, lịch sử đặc sắc mà còn được ngắm một làng quê thanh bình trong nét văn hóa Bình Định truyền thống đó là làng Vinh Thạnh - quê hương của danh nhân văn hóa Đào Tấn.

Từ TP Quy Nhơn theo quốc lộ 19A ngược lên hướng Tây chừng mươi cây số, qua khỏi thị trấn Tuy Phước là địa phận xã Phước Lộc. Làng Vinh Thạnh ở ngay đầu xã. Làng nổi giữa hai dòng kênh như sông nhỏ chảy dọc suốt chiều dài và được phù sa đắp bồi màu mỡ, trù phú. Có lẽ thế mà làng bốn mùa tươi xanh. Vinh Thạnh là một trong những nơi hiếm hoi ở Bình Định và cả dải đất miền Trung còn sự hiện hữu của đình làng, cổng làng. Đình làng thờ Thành Hoàng dù mỗi năm chỉ mở cửa trong dịp Tết Nguyên đán và lễ rằm Trung nguyên song sự hiện hữu của ngôi đình bên cạnh đôi gốc gòn cổ thụ hơn 70 năm tuổi tạo nên vẻ tôn kính, thâm nghiêm của một làng quê giàu truyền thống văn hóa. Ngay cả những loài hoa như hoa Vạn thọ, hoa Móng tay, bên cạnh những ngồng cải khoe sắc vàng trong nắng hườm mùa xuân được trồng ở sân đình cũng tạo nên một vẻ đẹp thuần khiết, đầy hồn vía Việt.

Đi qua cổng làng Vinh Thạnh là những con đường rợp bóng tre trúc, hai bên đường là những hàng rào chè được cắt xén thẳng tắp, thỉnh thoảng lại bắt gặp những cổng ngõ được tạo hình công phu bằng tàn lá của hai cây duối xanh um. Ở Vinh Thạnh cứ mười nhà đã có tám nhà chơi cây kiểng. Một số nhà có thu nhập hằng năm đến vài mươi triệu đồng từ thú vui chơi này. Tuy nhiên trồng kiểng dù là để chơi hay để bán, người Vinh Thạnh đều coi quý các loại kiểng thế như mai, sanh, me… và thường gia công cắt tỉa rất công phu. Cánh đồng Vinh Thạnh phẳng lì năm 3 vụ lúa, ít khi nào thiếu nước nên xanh tốt, nhìn ngút mắt. Từ khi được chọn làm điểm xây dựng làng văn hóa của tỉnh, đường làng ngõ xóm của Vinh Thạnh luôn phong quang, sạch đẹp.

Tuy nhiên, nét hấp dẫn du khách của Vinh Thạnh không chỉ ở vẻ đẹp đình làng, sông nước, tre pheo mà còn chính nhờ ở cái hồn quê đậm đà chất Việt Nam. Và từ khía cạnh này, Trung tâm Điều hành - Hướng dẫn du lịch trực thuộc Công ty Du lịch Bình Định đã mở tua du lịch làng văn hóa Vinh Thạnh để giới thiệu với khách nước ngoài.

Đường vào nhà thờ cụ Đào Tấn (ảnh: Đăng Huy)

Khách đến Vinh Thạnh có thể thăm đình làng, cổng làng và bách bộ trên những con đường rợp mát bóng tre. Ở đây du khách có thể ghé vào nhà của một vài nghệ nhân nghe kéo đàn nhị, xem những ông cụ râu tóc bạc phơ ngồi chơi cờ khề khà bên tách trà hoặc xem các nghệ nhân cắt tỉa uốn sửa cây cảnh. Vinh Thạnh là nơi xuất phát hai món ăn đặc sản của Bình Định là Bánh ít lá gai và Nem chợ huyện. Du khách cũng có thể dừng chân lâu hơn đến xem những người dân ở đây chế biến hai món ăn đặc sắc này. Vinh Thạnh còn lưu giữ được 3 ngôi nhà lá mái dù mái không còn lá vì đã được lợp ngói nhưng kiến trúc bên trong vẫn còn nguyên vẹn những giá trị của nó với những hoa văn cột rường, liễn đối đặc trưng nhà Bình Định xưa luôn thu hút sự chăm chú của du khách. Đến Vinh Thạnh du khách còn được xem trẻ con chơi nhảy dây, đánh đáo trên sân nhà hoặc ở sân trường vào giờ ra chơi. Thăm cô bán hàng xén trong trang phục áo bà ba và đôi bầu đựng đủ các thứ hàng, từ cây kim sợi chỉ đến hành tiêu ớt tỏi, trải dài trên những chiếc nừng. Du khách cũng có thể bách bộ lên những chiếc gò cao xem trẻ chăn trâu, xem nông dân chăm sóc lúa, xem đàn vịt bơi trên sông và ngư ông buông cần câu cá. Khách nước ngoài thì đặc biệt thích thú khi được xem hát những trích đoạn tuồng của ông Tổ nghệ thuật tuồng Đào Tấn ngay trên nền ngôi nhà cũ, bên cạnh bàn thờ của ông. Không ít khách yêu cầu được dạy diễn tuồng, được mặc áo hóa trang theo các nhân vật để múa may và chụp ảnh.

Vinh Thạnh đang đẹp dần lên trong vẻ đẹp của một làng quê thuần Việt. Người dân và chính quyền ở đây hiểu được điều đó, rất tự hào về điều đó và họ đang nỗ tạo dựng cái vẻ đẹp làng quê Việt Nam ngay trên quê hương giàu truyền thống hiếu học, nhân nghĩa và hiếu khách của mình.

QUANG KHANH

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Siêu cúp đã về phố núi  (31/12/2003)
Trước trận lượt về Siêu cúp Quốc gia 2003: Huấn luyện viên 2 đội nói gì ?  (30/12/2003)
Thể thao Việt Nam một năm nhìn lại: Nhiều niềm vui nhưng không ít nỗi lo   (29/12/2003)
Lượt đi Siêu cúp quốc gia: Bình Định - Hoàng Anh Gia Lai: 1-1  (28/12/2003)
ASEAN Para Games 2 kết thúc thành công  (28/12/2003)
Trước trận lượt đi tranh Siêu cúp quốc gia: Cửa thắng dành cho chủ nhà   (26/12/2003)
Thơ ca dân gian của người Banar Kriêm   (25/12/2003)
Bình Định và Hoàng Anh Gia Lai tranh siêu cúp quốc gia 2003  (24/12/2003)
Âm nhạc giáng sinh: Giai điệu hạnh phúc và hòa bình  (24/12/2003)
Noel - ý nghĩa và tập quán  (23/12/2003)
Lễ khai mạc ASEAN PARA Games 2: Trọng thể và hoành tráng  (22/12/2003)
19 giờ ngày 21-12: Khai mạc ASEAN Para Games 2 - 2003  (21/12/2003)
Trước trận tranh Siêu cúp Quốc gia 2003: Bình Định sẽ "ăn cú đúp"!  (19/12/2003)
Bắt đầu mùa bóng mới 2004   (18/12/2003)
Siêu Cúp Quốc gia 2003: Trận "derby Tây Sơn"   (17/12/2003)