|
Phù điêu Nữ thần được tìm thấy tại thành Cha. |
Thành Cha là một tòa thành cổ trong tổng thể các di tích văn hóa Champa ở Bình Định. Thành được xây dựng trên một vùng đất cao, nằm ở trung tâm đồng bằng Bình Định, ven bờ nam sông Kôn, thuộc địa bàn xã Nhơn Lộc, huyện An Nhơn. Theo tài liệu lịch sử, thành có nhiều tên gọi khác nhau như thành An Thành, thành Hời, thành Hồ Xứ, thành Bắc, thành Cừ…
Thành Cha được xây dựng từ trước thế kỷ XI và là thủ phủ của châu Vijaya thuộc vương quốc Champa. Thành có qui mô lớn, cấu trúc phức tạp, đóng vai trò là trung tâm quân sự, kinh tế trong lịch sử vùng Vijaya. Thế kỷ XI khi nhà nước Champa rời đô về châu Vijaya (thuộc vùng Bình Định ngày nay), từ vị trí là trung tâm của một châu, thành Cha đã vươn lên giữ vai trò là kinh đô của đất nước trong một thời gian dài (thế kỷ XI - XIII) và nó chỉ mất vai trò này khi kinh đô Chà Bàn được xây dựng.
Về qui mô, thành Cha có kích thước lớn, diện tích trong lòng thành lên tới 34,6ha. Tường thành bốn mặt đông - tây - nam - bắc được đắp bằng đất trộn gạch vỡ đầm lèn kỹ tạo nên sự ổn định vững chắc. Bên ngoài tường được ốp gạch nhưng nay đã sụp đổ. Thành có cấu trúc khá đặc biệt, nhìn trên bình diện hệ thống thành giống như được liên kết bởi hai tòa thành hình chữ nhật, một lớn, một nhỏ.
Tòa thành lớn nằm về phía đông, tường thành mặt bắc chạy theo hướng tây - đông dài 947m, mặt rộng 3-5m, chiều cao hiện còn khoảng 1m. Ở vị trí chính giữa tường thành nổi lên một gò đất cao 8m, có tên gọi là Gò Cột Cờ. Bức tường phía nam có chiều dài tương tự, nhưng đã bị bào mòn chỉ còn cách hơn mặt đất một chút. Phần di tích còn rõ nhất là hai bức tường phía đông và phía tây. Tường phía đông chạy theo hướng bắc - nam dài 345m, chiều cao trung bình 4m, mặt thành rộng trên 30m. Bức tường phía tây có độ dài và chiều cao tương tự. Góc tây - bắc của tòa thành lớn được vây kín bởi hai đoạn tường thành tạo thành một khuôn viên hình chữ nhật. Chính giữa khuôn viên này có một lò gạch lớn - dấu tích còn lại của một công trình kiến trúc đã bị sụp đổ.
Thành hình chữ nhật nhỏ hơn, nằm kề phía tây - bắc thành lớn có chiều dài 440m, chiều rộng 134m. Tường phía đông của tòa thành này trùng với một phần bức tường phía tây của thành lớn.
Hai tòa thành được liên kết với nhau thành một hệ thống mà chức năng của chúng cho đến nay vẫn chưa nghiên cứu đầy đủ. Vết tích hệ thống hào xung quanh thành Cha còn khá rõ, hiện nay còn để lại một loạt các bàu, đìa, rộc và vùng trũng sâu liên tiếp nhau chạy dọc theo tường thành.
Trong lòng thành, số lượng gạch ngói để lại lớn, tại đây tìm thấy nhiều đầu ngói ống trang trí hình hoa thị - một loại vật liệu kiến trúc chỉ tìm thấy tại kinh đô cũ của Champa như Trà Kiệu (Quảng Nam, Đà Nẵng). Những phù điêu đất nung tìm thấy đã phần nào nói lên vẻ mỹ lệ của các kiến trúc trong đô thành này. Ngoài gạch và vật liệu xây dựng chủ yếu còn có các thành phần kiến trúc đá, các thanh lăng tô ngang cửa, ngõng cửa đục lỗ tròn. Đặc biệt trong đống gạch đá đổ nát còn tìm thấy một phù điêu thể hiện nữ thần bán thân khá đẹp, một tượng tròn thể hiện vũ nữ múa…
Với những tài liệu hiện có, các nhà nghiên cứu đã khẳng định rằng đây là một tòa thành được người Chăm xây dựng và thời gian sau chưa hề sử dụng lại. Và nằm ở vị trí trung tâm đồng bằng Bình Định, được xây dựng qui mô lớn, kết cấu phức tạp, tạo dựng vững chắc, thành Cha chắc chắn có vị trí quan trọng trong lịch sử Champa và là kinh đô giai đoạn đầu khi nhà nước Champa chuyển về định đô trên vùng đất Vijaya.
Xuất phát từ ý nghĩa lịch sử và tầm quan trọng trong việc nghiên cứu lịch sử văn hóa Champa trên đất Bình Định và miền Trung nói chung, vừa qua, Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin đã ra quyết định xếp hạng di tích kiến trúc thành Cha là di tích cấp quốc gia. Đây là một quyết định hết sức quan trọng, tạo cơ sở pháp lý trong việc bảo vệ và tổ chức phát huy tác dụng di tích trong tương lai, tạo ra một chuyển biến mới trong việc nghiên cứu trùng tu di tích này trong một tương lai không xa.
HỒ THÙY TRANG |