Ghi nhận từ Hội thảo "Văn học - nghệ thuật dân tộc với đề tài Tây Sơn - Nguyễn Huệ"
Đề tài hấp dẫn nhưng thành công chưa nhiều
16:27', 6/1/ 2004 (GMT+7)

Trong hai ngày 25 và 26-12-2003, Sở Văn hóa - Thông tin tỉnh phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu - Bảo tồn và Phát huy Văn hóa Dân tộc tổ chức Hội thảo (HT) Văn học - nghệ thuật dân tộc với đề tài Tây Sơn - Nguyễn Huệ. Dưới đây là mấy ghi nhận của P.V Báo Bình Định từ HT này.

* Mảng đề tài hấp dẫn

Nguyễn Huệ và Ngọc Hân công chúa do NSƯT Minh Ngọc và Thanh Sử thể hiện (vở Trời Nam - Nhà hát tuồng Đào Tấn dàn dựng)

Có lẽ do HT được tổ chức trên đất tuồng Bình Định, bài chòi khu V, nên đa số tham luận đều tập trung vào việc xây dựng đề tài Tây Sơn - Nguyễn Huệ trên sân khấu. Ở loại hình sân khấu này, từ thập niên 60, đã có những vở diễn về Tây Sơn - Nguyễn Huệ và năm 1974 Đoàn Tuồng Liên khu V đã mở trại sáng tác riêng về đề tài Tây Sơn - Nguyễn Huệ. Từ đó đến nay, tác phẩm sân khấu về đề tài này liên tục ra đời.

Bên cạnh những vở trực tiếp nói về cuộc đời và sự nghiệp của Quang Trung như Tây Sơn đánh Nguyễn, Áo vải cờ đào, Thủy chiến Rạch Gầm (Tống Phước Phổ), Nguyễn Huệ (Trúc Đường), Mặt trời đêm thế kỷ, Tâm sự Ngọc Hân (Lê Duy Hạnh), Chân dung Nguyễn Huệ (Hoàng Châu Ký)… có những vở tuy không xây dựng Quang Trung thành nhân vật chính, nhưng hình tượng Quang Trung vẫn được tô đậm ở mức độ nhất định. Có thể kể: Thanh gươm bà Đô đốc (Hoàng Yến - Thùy Linh), Tâm sự Ngọc Hân Bùi Thị Xuân hồi kết cuộc (Lê Duy Hạnh), Ngọc Hân công chúa (Lưu Quang Vũ), Dũng sĩ Rạch Gầm (Lộng Chương)… Chỉ điểm qua như vậy, cũng đủ thấy đề tài Quang Trung - Nguyễn Huệ đã thu hút hầu hết những nhà viết kịch bản tên tuổi, trong đó, nhiều nhất là ba tác giả: Trúc Đường, Tống Phước Phổ và Lê Duy Hạnh.

Về văn học, Thư mục về Tây Sơn - Nguyễn Huệ (Thư viện Khoa học Nghĩa Bình - 1988) đã thống kê được 1.623 tác phẩm nói về Tây Sơn - Nguyễn Huệ. Còn trong thời gian gần đây, Sông Côn mùa lũ của Nguyễn Mộng Giác là một bộ trường thiên tiểu thuyết hay, hấp dẫn. Ngoài ra, còn có thể kể thêm một số truyện ngắn: Trần Quang Diệu, Trên đỉnh rừng Thần của Trần Thị Huyền Trang. Ở lĩnh vực tạo hình, đã có một số tượng đài Quang Trung như: tượng Quang Trung tại công viên Đống Đa (Hà Nội), tượng Quang Trung trước Bảo tàng Quang Trung (Tây Sơn) và trong Công viên Quang Trung (Quy Nhơn).

Tính hấp dẫn của đề tài Tây Sơn - Nguyễn Huệ với các nhà sáng tạo văn học - nghệ thuật (VHNT), trước hết là tầm cỡ lớn lao của nhân vật, những chiến tích oai hùng của nghĩa quân Tây Sơn, về mối quan hệ, ứng xử tuyệt vời của Quang Trung với triều nhà Lê, trí thức Bắc Hà, với dân chúng, nghĩa quân, với những kẻ bại trận; mối tình với Ngọc Hân công chúa…

* Nhưng thành công vẫn hiếm hoi

Nếu sân khấu, Tây Sơn - Nguyễn Huệ là một đề tài được khai thác nhiều nhưng còn hiếm những tác phẩm tạm gọi là thành công, thì với các loại hình VHNT khác tình hình vẫn tương tự. Trong lĩnh vực tạo hình, hẳn chúng ta cũng chưa thể bằng lòng với những tượng đài hiện có. Còn điện ảnh, vẫn còn khá xa để mơ tới một bộ phim hoành tráng, bề thế về đề tài này. Trong lĩnh vực văn học, Sông Côn mùa lũ là một thành công đáng kể.

Tuy là một đề tài, hấp dẫn, nhưng khi sáng tác, các tác giả đều vấp phải những trở lực. Trở lực đó, theo GS Hoàng Chương trong bản đề dẫn HT là "những sự kiện cụ thể to lớn và dàn trải suốt quá trình mấy chục năm… Cuộc đời Quang Trung cái gì cũng hay, cũng quan trọng, hấp dẫn nhưng nếu ôm hết những sự kiện đó thì một kịch bản dài hai tiếng đồng hồ không thể nào dung nạp hết và dễ trở thành kịch tư liệu mang tính minh họa lịch sử".

Chẳng hạn, trong sân khấu, không ít kịch bản, kể cả những kịch bản được đánh giá là thành công, theo Nguyễn Thế Khoa trong tham luận Anh hùng với giai nhân - khúc Ai tư vãn trên sân khấu hiện đại "bị cuốn theo các cuộc chinh Nam phạt Bắc". Còn trong tham luận Sáng tạo hình tượng Quang Trung trong xu thế văn hóa và bi kịch hóa, PGS Tất Thắng phân tích kỹ hơn: "Tất cả các vở kịch về Quang Trung, kể cả hai vở xuất sắc của Bình Định là Anh hùng và giai nhân Trời Nam đều đã đạt được một chất lượng thi ca đánh dấu một thời kỳ của kịch lịch sử về Quang Trung. Đó là chất lượng sử thi. Xu thế sử thi hóa đã chi phối và bao trùm hầu hết các vở kịch… Một số vở đã bước một chân vào ngưỡng cửa của tính bi kịch trong cuộc đời và số phận người anh hùng Tây Sơn, nhưng đó chỉ mới là bước một chân vào rồi lại rụt rè, sợ sệt bước vội ra".

Ngay ở góc độ tài năng của diễn viên khi nhập vai Quang Trung, ta cũng thấy những hạn chế. Việc xây dựng hình tượng này nhìn chung vẫn chưa đạt về hình dáng và tính cách. Các diễn viên mới chỉ khắc họa được một vài nét trong tính cách nhân vật. Có tác giả nhận xét: "vai Quang Trung do Nguyễn Mão và Khắc Tý Nhà hát Cải lương Trung ương dựng những năm 70 thế kỷ trước mới chỉ thể hiện được một phần phong cách một vị tướng thao lược, quyết đoán; còn những nét riêng khác thì chưa đạt được. Vai Quang Trung ở Đoàn Ca kịch Bài chòi khu V thì hơi đậm chất quý tộc, cung đình. Vai Quang Trung do Xuân Hanh đóng ở Đoàn Chèo Hà Nội thì thiên về chất trữ tình… Người đóng vai Quang Trung có phần gần gũi với tính cách nhân vật Nguyễn Huệ là NSND Võ sĩ Thừa. NSND Võ sĩ Thừa có giọng âm vang, động tác chắc khỏe được vận dụng từ võ thuật Bình Định, tuy nhiên, phong cách còn hơi khô cứng, chưa thể hiện được tính cách dân dã, trữ tình của người anh hùng áo vải".

* Thách thức và nguồn cảm hứng không vơi cạn

Nỗi ám ảnh bởi các cảnh sử thi hoành tráng, các cuộc chinh Nam phạt Bắc khi sáng tác về đề tài này là thực trạng chung những người sáng tạo VHNT. Theo Nguyễn Thế Khoa, nguyên nhân của tình trạng này xuất phát từ nỗi sợ hãi, rằng nếu không có những sự kiện như vậy thì sẽ không thể hiện được cái vĩ đại của Quang Trung. "Cái lớn lao, vĩ đại có thể được thể hiện từ một giọt nước mắt. Ai tư vãn là một lời giải"- Nguyễn Thế Khoa đã kết luận như vậy. Xin lấy Sông Côn mùa lũ làm một ví dụ. Sông Côn mùa lũ như đánh giá của nhà thơ Tố Hữu, là "một tác phẩm hay, nội dung phong phú" (Nhà thơ Tố Hữu nói về việc xây dựng hình tượng Quang Trung trên sân khấu - tham luận của Mai Ngọc Thúy). Nhưng cái đặc sắc của tác phẩm này không nằm trên cái cấu trúc vĩ mô với các biến động lớn lao của lịch sử, mà ở những chi tiết nho nhỏ, có vẻ thứ yếu, nhưng nếu mất chúng, bộ truyện dường như mất tất cả. Nói như một nhà phê bình, hình ảnh Quang Trung ở Sông Côn mùa lũ đâu phải là một võ tướng xông pha trận mạc, mà chỉ là một kẻ hay thao thức trong đêm khuya, có những nỗi băn khoăn trong lòng, ngập ngừng trong giọng nói...

Do vậy, có thể đồng tình với PGS Tất Thắng khi ông kết luận: "Cần mở rộng việc sáng tạo hình tượng Quang Trung ra những tình tiết, sự kiện có thể xảy ra và những sự kiện, những tình tiết ấy cần được trình bày trong hai xu thế: văn hóa hóa và bi kịch hóa". Và như vậy, đề tài Quang Trung - Tây Sơn vẫn sẽ còn là một thách thức và là nguồn cảm hứng không vơi cạn với những người làm VHNT.

LÊ VIẾT THỌ

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Cơ hội lớn cho công tác nghiên cứu thành Cha  (05/01/2004)
Bình Định tan tác tại Pleiku  (04/01/2004)
V.League 2004: Bình Định trước mục tiêu lọt vào tốp 5   (02/01/2004)
Làng Đào Tấn – Làng du lịch  (01/01/2004)
Siêu cúp đã về phố núi  (31/12/2003)
Trước trận lượt về Siêu cúp Quốc gia 2003: Huấn luyện viên 2 đội nói gì ?  (30/12/2003)
Thể thao Việt Nam một năm nhìn lại: Nhiều niềm vui nhưng không ít nỗi lo   (29/12/2003)
Lượt đi Siêu cúp quốc gia: Bình Định - Hoàng Anh Gia Lai: 1-1  (28/12/2003)
ASEAN Para Games 2 kết thúc thành công  (28/12/2003)
Trước trận lượt đi tranh Siêu cúp quốc gia: Cửa thắng dành cho chủ nhà   (26/12/2003)
Thơ ca dân gian của người Banar Kriêm   (25/12/2003)
Bình Định và Hoàng Anh Gia Lai tranh siêu cúp quốc gia 2003  (24/12/2003)
Âm nhạc giáng sinh: Giai điệu hạnh phúc và hòa bình  (24/12/2003)
Noel - ý nghĩa và tập quán  (23/12/2003)
Lễ khai mạc ASEAN PARA Games 2: Trọng thể và hoành tráng  (22/12/2003)