|
Ông Nguyễn Duy Quý |
Đội bóng đá Bình Định (BĐ) đã chính thức bước vào mùa giải mới 2004 bằng trận đấu mở màn với đội Hoàng Anh Gia Lai tại SVĐ Pleiku. Đây là mùa giải báo hiệu những khó khăn, thử thách đối với đội bóng. Ngay sau khi từ Pleiku trở về Quy Nhơn, ông Nguyễn Duy Quý, tân Chủ tịch LĐBĐ BĐ khóa IV đã dành cho chúng tôi một cuộc trò chuyện thẳng thắn, cởi mở xung quanh vấn đề bóng đá BĐ và về đội bóng BĐ nói riêng…
- Thưa ông, trước khi đảm nhận cương vị Chủ tịch LĐBĐ BĐ nhiệm kỳ IV, ông đã có những thông tin gì về bóng đá BĐ?
+ BĐ là một trong những vùng đất có truyền thống bóng đá. Có thể nói, bóng đá được xem là máu thịt của nhân dân BĐ. Vì vậy, bóng đá là bộ môn thể thao được lãnh đạo tỉnh hết sức quan tâm, tạo điều kiện để phát triển. Cũng chính bởi vậy nên phong trào bóng đá của BĐ thời gian qua có những chuyển biến khởi sắc đáng mừng. Như mọi người đều biết, BĐ là 1 trong 12 tỉnh, thành của cả nước có đội bóng đá hạng chuyên nghiệp quốc gia. Đó là một vinh dự lớn của BĐ. Không những thế, mùa giải 2003 vừa qua bóng đá BĐ đã gặt hái được những kết quả đáng mừng: Xếp thứ 4 trong số 12 đội dự giải chuyên nghiệp quốc gia và đoạt cúp quốc gia. Với thành tích trên, bóng đá BĐ được đại diện tham dự Siêu Cúp quốc gia - 2003 và Cúp C1 châu Á sắp tới. Đây là thành tích cao nhất của bóng đá BĐ trong suốt gần 29 năm qua kể từ sau ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam.
- Còn những hạn chế, khiếm khuyết, thưa ông?
+ Bóng đá BĐ lâu nay chủ yếu vẫn dựa vào nguồn ngân sách của tỉnh, chưa có "thương hiệu", chưa tìm được nhà tài trợ… nên khá khó khăn. Đồng thời, bóng đá BĐ chưa xây dựng được nền móng vững chắc từ các tuyến U10, 11…U15, 18… Riêng đối với mùa giải năm 2004, BĐ phải tham dự khá nhiều giải bóng đá quan trọng. Ngoài Siêu cúp quốc gia, BĐ còn phải chuẩn bị tham dự các Giải cúp quốc gia 2004, Giải chuyên nghiệp quốc gia 2004 và Cúp C1 châu Á trước các CLB mạnh của Hàn Quốc, Nhật Bản, Indonesia. Đấy là vinh dự nhưng cũng là thử thách lớn đối với bóng đá BĐ.
- Trước đây trong thành phần của BCH LĐBĐ Bình Định khóa III có ông Lê Văn Minh, Giám đốc Sở TDTT - Trưởng đoàn bóng đá BĐ và ông Dương Ngọc Hùng, HLV đội bóng đá BĐ, giờ đây trong thành phần của BCH khóa IV không có đại diện của đội bóng và một số ngành như Công an, Quân đội… Liệu như vậy có khó khăn gì cho hoạt động của BCH Liên đoàn?
+ Tôi nghĩ rằng không có ảnh hưởng gì. Bởi vì, chúng tôi muốn để các anh Minh, Hùng có thời gian tập trung cho công tác chuyên môn, công tác huấn luyện, lo cho đội bóng thi đấu tốt. Còn việc thiếu đại diện của lực lượng Công an, Quân đội trong BCH thì cũng không phải là vấn đề quan trọng. Bởi lẽ, dù không có đại diện của các lực lượng nói trên trong BCH thì công tác bảo vệ trật tự, an toàn cho các trận đấu vẫn là nhiệm vụ của họ.
- Xin lỗi, còn một "khúc mắc" nữa là tổ chức CLB Cổ động viên bóng đá BĐ? Chúng tôi được biết, CLB này có quyết định thành lập của Sở TDTT và hoạt động khá hiệu quả trong mùa giải vừa qua. Thế nhưng, tại Đại hội LĐBĐ tỉnh BĐ vừa qua hoạt động của CLB này hầu như không được nhắc đến? Đáng tiếc hơn, mùa giải chuyên nghiệp 2004 đã bắt đầu nhưng việc "tồn tại hay không tồn tại" của CLB Cổ động viên bóng đá BĐ vẫn chưa được quan tâm?
+ Tôi có được biết đến CLB Cổ động viên bóng đá này. Tôi cho rằng đây là một lực lượng rất quan trọng đối với việc thi đấu của đội BĐ. Tôi sẽ làm việc lại với Sở TDTT để bàn về việc củng cố lại CLB Cổ động viên bóng đá BĐ.
- Nhiệm vụ, mục tiêu của bóng đá BĐ mà BCH Liên đoàn khóa IV đề ra là gì, thưa ông?
+ Trong điều kiện, thuận lợi, khó khăn như vậy, LĐBĐ BĐ chúng tôi đã đề ra những định hướng trước mắt, lâu dài cho hoạt động của mình. Cụ thể, BCH chúng tôi sẽ phối hợp cùng với Sở TDTT tỉnh có kế hoạch nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho bóng đá BĐ và đội BĐ nói riêng ngày càng phát triển, thi đấu thành công. Mục tiêu của bóng đá BĐ theo tôi là phải quyết tâm trụ hạng chuyên nghiệp. Sau đó, nếu có điều kiện thì cố gắng vươn lên vị trí trong tốp 5 đội bóng hàng đầu.
- Ông có thể cho biết cụ thể hơn?
+ Kinh nghiệm quý giá nhất mà chúng ta cần học tập là từ bóng đá Nghệ An. Bên cạnh việc thuê cầu thủ ngoại, bóng đá BĐ cần có lực lượng cầu thủ nội, nhất là phải chú trọng đào tạo lực lượng cầu thủ tại địa phương. Làm sao đó để chúng ta chủ động về mặt lực lượng, hạn chế việc thuê cầu thủ ngoại. Bên cạnh đó, bóng đá BĐ cần phải củng cố, xây dựng một nền bóng đá vững chắc. Tôi nghĩ rằng BĐ cần phát động tinh thần "xã hội hóa thể thao", trong đó có bóng đá. Muốn bóng đá BĐ phát triển thì cần phải có phong trào bóng đá và phong trào đó phải thực sự có nền móng vững chắc. Ngoài đội chuyên nghiệp, BĐ cần chú trọng chăm lo cho các đội bóng đá năng khiếu, các Trung tâm TDTT đào tạo lực lượng năng khiếu; các tuyến U10, 11, 13, 15, 18…; các giải bóng đá phong trào, giải bóng đá Thanh, Thiếu niên, Nhi đồng và bóng đá nữ… Chứ còn làm việc theo kiểu "trớt trớt, khơi khơi ", đi mướn, đi thuê hoài thì khó mà chủ động được. Theo tôi, tốt nhất vẫn là đào tạo, sử dụng cầu thủ người BĐ. Bởi vì, chỉ có cầu thủ là con em BĐ mới thực sự thi đấu vì "màu cờ, sắc áo".
Tất nhiên, để xây dựng được phong trào như vậy không phải một sớm, một chiều mà phải có thời gian. Một vấn đề nữa không kém phần quan trọng là phải xây dựng cho được "thương hiệu bóng đá Bình Định". Như trên đã đề cập, hiện tại trong số 12 đội chuyên nghiệp của Việt Nam, BĐ là 1 trong số ít đội chưa có "thương hiệu". Chúng tôi sẽ cố gắng vận động các đơn vị, cá nhân là con em người BĐ đang sinh sống, làm việc trong, ngoài tỉnh đóng góp, ủng hộ cho bóng đá tỉnh nhà. Tuy nhiên, theo tôi không nên lấy tên DN để thay 2 chữ Bình Định, mà phải trên tinh thần "tất cả vì quê hương BĐ". Bước đầu chúng tôi đã nhận được sự ủng hộ, giúp đỡ của một số đơn vị, như Cảng Quy Nhơn, Công ty Bia Quy Nhơn, Công ty Thủy Lợi 47, Công ty Dược- Trang thiết bị Y tế Bình Định… Sắp tới, chúng tôi sẽ tổ chức một chuyến đi vào các tỉnh, thành phía Nam để vận động các đơn vị, cá nhân là con em BĐ ủng hộ, giúp đỡ bóng đá tỉnh nhà và đội bóng đá BĐ nói riêng.
- Xin cảm ơn ông!
VIẾT HIỀN - Thực hiện |