Mất dần một làng tuồng...
16:16', 8/1/ 2004 (GMT+7)

Một cảnh hát bội của các nghệ sĩ không chuyên

Bình Định nổi danh đất Tuồng. Truyền thống đó được dưỡng nuôi bền bỉ, không chỉ bằng những đoàn tuồng xênh xang kèn trống, mà trước hết, từ những làng tuồng. Nơi ấy, nuôi dưỡng và sinh thành những tâm hồn yêu nghệ thuật và trao truyền cho họ những tinh hoa của nghề hát bội.

* Hoài niệm làng tuồng

Trên đường về xã Nhơn Hòa (An Nhơn), chúng tôi gặp anh Nguyễn Văn Diên. Nghe hỏi thăm đường về làng tuồng, anh Diên vui vẻ: "Vậy là ông tìm đúng địa chỉ rồi. Thôn Hòa Nghi, xã Nhơn Hòa này là đất tuồng rồi". Qua câu chuyện với anh, tôi mới biết, hóa ra, cả hai vợ chồng anh đều là dân hát bội không chuyên. Anh Diên sôi nổi: "Cả gia đình tôi đều là dân hát bội cả. Này nhé, mấy bà chị, rồi chị dâu, anh rể đều là diễn viên. Từ nhỏ, tôi đã mê hát bội dữ. Học hết lớp 9, vậy là quyết định khăn gói theo học nghề với thầy Hoàng Chinh trong xóm. Ba năm sau, ra nghề, vậy là gắn bó với nghề hát từ đó đến nay. Ngay như vợ chồng tôi gặp nhau cũng là nhờ câu hát bội. Hồi đó, hai đứa cùng được rút hát chung ở Đoàn Phù Cát. Đêm đó diễn Tam Hạ Nam Đường, tui vào vai Cao Hoài Đức, bả nhập vai Triệu Hàng Cô. Vậy là Cao Hoài Đức cảm cái duyên của Triệu Hàng Cô và nên nghĩa nên tình từ đó".

Ngoài những người đang theo nghề hát bội như anh Diên, thì người Nhơn Hòa xưa nay, từ người già đến con nít, không ít thì nhiều, đều mê tiếng trống tuồng. "Người Nhơn Hòa xưa yêu tuồng từ khi còn trong bụng mẹ" - một người dân nói vui với chúng tôi vậy. Nghe tiếng trống chầu, đâm đầu mà chạy đúng với dân Nhơn Hòa hơn bất cứ ở đâu khác.

Xã Nhơn Hòa có 9 thôn thì đã 3 thôn có truyền thống hát bội từ xưa. Đây có thể xem là một cái nôi của hát bội Bình Định. Theo lời người dân địa phương thì từ những năm cuối thế kỷ XIX, nghệ nhân Chánh ca May (Huỳnh Họa) đã lập gánh, mở trường dạy hát và dựng nhà thờ tổ hát bội tại làng, đào tạo nên nhiều diễn viên nổi tiếng của Bình Định. Hầu hết các nghệ sĩ xuất phát từ lò tuồng này như Thập Có, Thập Quan, Thập Khương… đều nổi tiếng hát hay, múa đẹp, diễn giỏi, và đặc biệt là mỗi người đều có sở trường riêng. Tiếp nối cụ Chánh ca, có ông bầu Ba (Huỳnh Giác), cháu nội của cụ. Bầu Ba vóc người thanh mảnh, khuôn mặt đẹp, nên chuyên đóng đào; sau khi bị mất giọng, ông chuyển sang dạy và làm bầu gánh.

Xuất sắc nhất trong những học trò của cụ Chánh ca May phải kể đến nghệ sĩ Hoàng Chinh, cháu ngoại cụ Chánh. Lúc nhỏ, nghệ sĩ Hoàng Chinh vẫn thường được xem ông ngoại tập vở, diễn tuồng. Lớn lên, mê hát bội, nhưng cha lại không muốn ông theo nghề hát, vậy là ông phải trốn nhà theo gánh hát. Học ở cụ Chánh, rồi học thêm các nghệ nhân Chánh ca Nhĩ, Thập Có… lại thêm thông hiểu chữ Nho, Quốc ngữ, nên ông tiến bộ nhanh, nổi danh với các vai kép và đương thời được xem là đệ nhất danh ca Bình Định. Người Bình Định vẫn có câu: Đi xem thời ngại tốn tiền/ Không đi lại nhớ Lệ Siềng - Hoàng Chinh. Nghệ sĩ Hoàng Chinh sau này cũng mở lớp, truyền nghề.

Có truyền thống, có những trường, lớp dạy nghề, nên từ đầu thế kỷ XX đến những năm 90, Nhơn Hòa lúc nào cũng có 2-3 đoàn hát cùng hoạt động, thường xuyên có các nghệ sĩ giỏi. Ngoài đoàn của cụ Chánh ca May, có thể kể đoàn của cụ Thập Ấm, bầu Ba, bầu Ánh, Tấn Thành Ban... Nhiều nghệ sĩ các nơi cũng biết tiếng và qui tụ về Nhơn Hòa học nghề và trưởng thành. Hiện nay, lớp diễn viên cuối cùng trên 30 tuổi xuất phát từ lò tuồng Nhơn Hòa có thể kể: NSƯT Xuân Hợi, Hữu Thông, Lệ Quyên, Hoàng Việt. Ngoài ra, Thương Thương, Kiều Nhơn cũng là hai diễn viên sáng chói trên sân khấu không chuyên.

* Tủi phận nghề

Chúng tôi tìm đến nhà thờ tổ hát bội ở thôn Hòa Nghi, xã Nhơn Hòa. Ngôi nhà hai gian này hiện do ông Huỳnh Minh, con trai cụ bầu Ba, coi sóc, thờ phụng, nay chỉ giữ được phần nào dáng xưa. Thay cho ngôi nhà tranh, xây đá ong trong ký ức của người làng tuồng, là ngôi nhà gạch, mái ngói. Bàn thờ đặt ở giữa nhà chính với trang thờ 14 vị tổ, đóng khung lồng kính trang trọng. Hai bên là bàn thờ cụ Chánh ca May và bầu Ba, hai người thầy của trường hát này.

Làng tuồng Nhơn Hòa hiện đã không còn một đoàn hát cho riêng mình. Những ngày tết, xã cũng tổ chức diễn hát bội, nhưng thường phải rút đoàn hát các nơi về. Câu hát bội chỉ trụ lại trên đất này trong những người lớn tuổi và một số nghệ sĩ trẻ còn theo nghề như anh Tuấn, chị Tám… Cùng với câu hát bội, họ bươn bả theo các đoàn hát, rong ruổi diễn trong Nam ngoài Bắc. Chị Tuấn nói: "Mỗi đêm diễn, hai vợ chồng được chia 150 ngàn đồng. Nhưng đâu phải ngày nào cũng được diễn như vậy. Buồn nhất là những ngày mưa gió, cả đoàn đến nơi mà không diễn được". Còn anh Diên thì cho biết: "Làm nghệ thuật không chuyên đâu được chuyên một loại vai như mấy anh chuyên nghiệp, phải đa năng thôi, lão văn cũng tốt mà lão võ cũng ừ, hề cũng xong luôn. Diễn không chuyên cũng phải biết chấp nhận hát cương. Cương tí đỉnh thì mới hấp dẫn được người xem. Nhưng đâu phải dễ mà hát cương. Phải thuộc tuồng, thuộc tích".

Cũng bởi làm nghề hát vất vả là vậy, nên nếu từ xưa, những ngày vào mùa đi diễn, ba thôn Hòa Nghi, An Lộc, Nghiễm Hòa của xã Nhơn Hòa hầu như nhà nào cũng có con em đi theo các đoàn hát, thì nay cả xã chỉ còn hơn chục người còn làm nghề, trong đó, nhiều nhất là thôn Hòa Nghi. Những ngày giỗ tổ vẫn được tiến hành đều đặn một năm hai lần xuân kỳ, thu tế nhưng cũng không còn được sôi động như trước. Bà Lê Thị Hiểu, con dâu cụ bầu Ba, kể: "Trước, gánh nào trước khi lên đường hát án, cũng thỉnh theo hai ông, để khi hát, tổ chứng, hát mới linh. Những ngày giỗ tổ, đoàn nào cũng về thắp nhang cúng tổ và tùy theo tấm lòng mà bẻ tiền cúng. Nhưng từ nhiều năm nay, chỉ còn một vài người, cũng là dân trong làng này cả, còn nhớ đến tổ nghề, mới tìm về".

Những làng làm nghệ thuật, như làng quan họ Bắc Ninh, những làng tuồng, bài chòi ở Bình Định... là những của hiếm. Vậy mà những làng nghệ thuật này, đến nay, vẫn chưa được quan tâm đúng mức, chí ít là trong việc sưu tầm, nghiên cứu, ngõ hầu bảo lưu những nét văn hóa đặc sắc gắn với truyền thống văn hóa địa phương mà chúng ta vẫn tự hào. Còn chuyện khai thác để làm du lịch, hẳn phải dành cho những giấc mơ xa.

LÊ VIẾT THỌ

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Phải xây dựng cho được "thương hiệu bóng đá Bình Định"  (07/01/2004)
Đề tài hấp dẫn nhưng thành công chưa nhiều   (06/01/2004)
Cơ hội lớn cho công tác nghiên cứu thành Cha  (05/01/2004)
Bình Định tan tác tại Pleiku  (04/01/2004)
V.League 2004: Bình Định trước mục tiêu lọt vào tốp 5   (02/01/2004)
Làng Đào Tấn – Làng du lịch  (01/01/2004)
Siêu cúp đã về phố núi  (31/12/2003)
Trước trận lượt về Siêu cúp Quốc gia 2003: Huấn luyện viên 2 đội nói gì ?  (30/12/2003)
Thể thao Việt Nam một năm nhìn lại: Nhiều niềm vui nhưng không ít nỗi lo   (29/12/2003)
Lượt đi Siêu cúp quốc gia: Bình Định - Hoàng Anh Gia Lai: 1-1  (28/12/2003)
ASEAN Para Games 2 kết thúc thành công  (28/12/2003)
Trước trận lượt đi tranh Siêu cúp quốc gia: Cửa thắng dành cho chủ nhà   (26/12/2003)
Thơ ca dân gian của người Banar Kriêm   (25/12/2003)
Bình Định và Hoàng Anh Gia Lai tranh siêu cúp quốc gia 2003  (24/12/2003)
Âm nhạc giáng sinh: Giai điệu hạnh phúc và hòa bình  (24/12/2003)