Nhà Rông - Nét đặc trưng văn hóa của người Banar Kriêm - Bình Định
19:43', 13/1/ 2004 (GMT+7)
Nhà rông Banar
Tiếng Banar Kriêm gọi nhà Rông là Hơ'nam rông, là một kiểu nhà sàn to, dài, được trang trí đẹp hơn so với các kiểu nhà sàn khác trong làng… nó được xây theo hình chữ nhật, trên mô đất cao, rộng rãi, thoáng đãng, bằng phẳng, cạnh cổng ra vào chính của làng. Nhà Rông của người Banar Kriêm - Bình Định không cao, mái không nhọn như những nhà Rông của các làng người Banar ở Tây Nguyên; nhà lớn hay nhỏ phụ thuộc vào Pơ lẽi (làng) nhiều hay ít hộ. Đối với những ngôi nhà Rông nhỏ có chiều dài 10 mét, thì chiều rộng phải là 4 mét đến 4,5 mét; đối với những ngôi nhà to, có chiều dài 20 mét thì chiều rộng khoảng 7 mét. Các nghệ nhân của làng bằng những dụng cụ thô sơ như: rìu, rựa, vạt cây, khắc ngoạm… đã biến những vật liệu từ rừng như: song mây, tranh, mò o, tre nứa… thành ngôi nhà Rông uy nghi, đồ sộ, một biểu tượng cho sự thịnh vượng, linh thiêng của một Pơ lẽi. Không như những loại nhà sàn khác, như: nhà ở, nhà sàn trên nương rẫy là nơi dành cho tiếng đàn Pơlơnkhơn, dàn đàn Tơrưng nước… để ru vui với núi rừng, xua đuổi chim muông đến phá hoại lúa, hoa màu; nhà kho thóc, kho để lúa là nơi dự trữ lương thực để duy trì, phát triển sự sống… Nhà Rông có sự đóng góp công sức của mọi người dân trong làng từ già đến trai trẻ nên nó mang đầy đủ các đặc trưng về phương diện kiến trúc, nghệ thuật, dáng đứng văn hóa… là biểu tượng chung của cả cộng đồng.
Theo các cụ già trong làng, từ xa xưa, nhà Rông đã đi vào các truyền thuyết huyền thoại ở các bài Roi (kể chuyện), bài Hơ' mon (trường ca), Joh (thể loại ca, hát)… của người Banar Kriêm. Như trong bài Hơ' mon Dyông Wi Wim của người Banar vùng lưu vực sông Kôn thuộc huyện Vĩnh Thạnh, nội dung có nêu lên hình tượng ba anh em: Dăm Dư, Dăm Dyông và Dăm Diế đi đánh giặc xa cũng bắt đầu xuất phát từ ngôi nhà Rông… để đại diện cho sức mạnh, tinh thần đoàn kết và ý chí quyết tâm của cả làng. Xưa kia, các thế lực bên ngoài muốn đánh làng bao giờ cũng đi thẳng vào cổng chính để đến nhà Rông và nhà Rông sẽ là nơi đọ sức quyết liệt "một mất, một còn" của dân làng với kẻ thù.
Nhà Rông là nơi diễn ra sinh hoạt các lễ hội lớn của làng, như: hội nhà Rông, hội Tơ’nơr làng (hội mừng thành công), lễ hội đâm trâu, hội chơ ruh kơr, hội lên nhà mới, hội mừng già làng… Những công việc chung của làng đều được già làng chủ trì giải quyết tại nhà Rông, đây còn là nơi sinh hoạt văn hóa, văn nghệ và chỗ ngủ của nam thanh niên trong làng, nhất là những thanh niên chưa có vợ. Trong năm cái chung nhất của làng người Banar (chung nhà Rông, chung cổng làng, chung nguồn nước, chung già làng và chung rừng ma) thì nhà Rông biểu hiện sinh động nhất trong mọi sinh hoạt và đời sống của đồng bào trong làng.
Cuộc sống hôm nay của đồng bào người Banar Kriêm - Bình Định đã có nhiều khởi sắc, đời sống vật chất, tinh thần ngày càng được cải thiện và nâng cao, nhà Rông không chỉ là nơi sinh hoạt cộng đồng làng mà còn là nơi hội họp, phổ biến các chủ trương, nghị quyết của Đảng, pháp luật Nhà nước đến với người dân đồng bào. Để nhà Rông mãi mãi vẫn là nét đặc trưng tiêu biểu cho nền văn hóa làng, cho tinh thần đoàn kết và sức mạnh truyền thống của người Banar Kriêm, chúng ta cần có ý thức, biện pháp giữ gìn, bảo tồn và phát huy ngày càng tốt đẹp hơn cả về hình thức lẫn giá trị.