Tết Thái ở Vân Canh
17:3', 14/1/ 2004 (GMT+7)

Một phụ nữ Thái ở Vân Canh

Xa những đêm xòe, xa tiếng khèn bè gọi bạn ngày hội xuân, người Thái ở Vân Canh còn có những ngày tết để được sống trong bầu không khí thấm đẫm phong vị văn hóa dân gian của tộc người.

Cái xóm nhỏ nép mình trong một góc thị trấn Vân Canh chỉ vỏn vẹn 5 nóc nhà, 25 khẩu. Tất cả họ đều mới định cư ở "vùng đất cày" (định danh người Chăm H'roi dùng để chỉ vùng Vân Canh) này từ năm 1990 trở lại đây. Chẳng một nếp sàn Thái, chẳng một tín hiệu nào để nói đây là xóm Thái. Chỉ khi câu chuyện đã nồng, họ mới thổ lộ cho bạn, những quay quắt và hoài niệm về nguồn cội, quê hương, nhất là khi tiếng mùa xuân chào bên cửa sổ.

Anh Lương Xuân Xiên dẫn tôi vòng quanh xóm Thái và chỉ vào những vỏ ghè rượu đã chuẩn bị sẵn: "Đấy, cận tết, thế nào chúng tôi cũng ủ lấy vài ghè rượu". Qua câu chuyện với anh, tôi hiểu, chỉ riêng ghè rượu cần này, ôi thôi, cũng đã ủ vào trong đó, bao nét độc đáo trong văn hóa của một tộc người. Trước, rượu cần Thái nấu ủ bằng nếp nương cho những hội lễ trọng thể, còn thường thì rượu nấu bằng sắn hay ngô ủ men lá. Nay thì rượu cần chủ yếu nấu ủ bằng mỳ, nhưng là mỳ khô chứ không phải mỳ tươi như các tộc người bản địa.

Khi những ghè rượu đã ủ sẵn một góc bếp, những chiếc bánh chưng, bánh sừng trâu… cũng đã hoàn tất, ấy là lúc người Thái xa quê đã sẵn sàng cho một tết Thái khá đậm. 30 tết, sẽ là quãng thời gian được dành cho việc sửa soạn mâm cơm cúng: mâm cúng ông bà phía nội, mâm cúng ông bà đằng ngoại và mâm cúng các vía vườn tược, bếp núc. "Người Thái mình quan niệm rằng người chết không biến mất mà trở về sống với bản của tổ tiên. Bởi vậy, cúng tổ tiên là nghi lễ quan trong nhất trong ngày tết" - anh Bản giải thích.

Ngày thường, mâm cơm khách của người Thái không bao giờ thiếu món cá. Cá là biểu hiện của lòng mến khách. Đi ăn cá, về nhà uống rượu/ Ở thì ngủ đêm, về nhà đắp chăn ấm - cái văn hóa mến khách không quá đỗi ồn ào của người Thái là vậy… Còn mâm cúng tết là chiếc bánh chưng, thịt, rau, cơm… nghĩa là cũng vẫn chỉ những món ăn thân thuộc, ngày thường, mang theo cái phong vị ẩm thực rất riêng của người Thái, thiên về những món hấp, món đồ.

Tết đến. Từ ngày 30 tết trở đi, một người trong xóm được xem là am hiểu nhất về các tục lệ, thông thuộc các bài cúng, lễ sẽ tuần tự đi cúng cho cả xóm. Mỗi nhà được dành một buổi. Nhà nào có người già, nhà nào bậc trên thì đến trước. Đây chính là dịp để tất cả các thành viên trong xóm cùng tề tựu, vui bên bát rượu ghè sau một năm trường vất vả.

Ghè rượu đã mang ra, chén đầu tiên là chén dành cho người cao tuổi nhất như một lời chúc cho sức khỏe người già và gia chủ. Khách đến xóm Thái ngày tết thường được mời chén thứ hai, chén riêng tặng cho khách đường xa như một cầu chúc an lành. Và rồi, ché rượu cứ dâng đầy, bao nhiêu người là bấy nhiêu lý do để cầu chúc, để chia sẻ nhau trong chén rượu đầy. Những chiếc cần đã vít xuống, cứ thế mà ngất ngây, cứ thế mà say, chẳng biết tự lúc nào. Và khi bạn say, ấy là chủ nhà đã có một niềm hạnh phúc. Bởi, theo tập quán xưa của người Thái, khách đến nhà mà khi ra về không phải bò xuống thang thì đích thị nhà ấy không khéo tiếp khách. Khi khách và chủ đã lâng lâng, ấy là giờ của những cuộc trò chuyện cởi mở, cũng có thể là cùng cất tiếng hát. Những bài dân ca Thái thô mộc nhưng thật nao lòng! Chiếc khèn bè duy nhất của cả xóm, được trân trọng như một báu vật thường nằm vắt ngang bên xà nhà được mang ra thổi. Cả xóm chỉ có hai, ba thanh niên biết thổi khèn bè.

"Những ngày hội vui của người Thái thì nhiều lắm, chỉ có điều, ở trong này, điều kiện khó, người cũng ít quá, nên anh em chỉ còn gặp nhau thật đông đủ vào những ngày tết Nguyên đán thôi" - anh Bản nói. Do vậy ngày tết với người Thái ở Vân Canh càng trở nên quý giá. Vào Vân Canh với mục đích lập nghiệp, họ chăm chút làm ăn, gây dựng cơ nghiệp. Họ chăm cho mảnh vườn, ao cá để có cuộc sống ngày càng ổn định; họ hướng tương lai, về đám trẻ, nên cả xóm Thái chỉ 25 khẩu đã có tới 3 sinh viên đại học, 1 mới tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm và đang dạy tại Trường THCS Canh Hiển, 10 học sinh cấp 2 và 3. Trong kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh năm học 2001-2002, Lương Thanh Cường, một thành viên của xóm đã đoạt giải ba môn Địa lý lớp 11 và là học sinh giỏi cấp tỉnh duy nhất của Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú tỉnh. Dồn tụ những ngày vui vào tết. Tết Thái ở Vân Canh, hơn cả là ngày hội xuân, đó còn là những ngày họ được trọn vẹn thở trong không khí văn hóa tộc người.

Rời xóm Thái những ngày chạm tết, tôi cứ tiếc hùi hụi vì chưa được thấy những đêm xòe, những chiếc khăn piêu… Chẳng phải là người Thái, vậy mà tôi cũng như cảm thấy trong tâm hồn như có chút gì hẫng hụt.

Thôi thì hẹn một ngày Tây Bắc.

THẠCH TRUNG

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Nhà Rông - Nét đặc trưng văn hóa của người Banar Kriêm - Bình Định   (13/01/2004)
Xuân này, họ ăn Tết muộn  (12/01/2004)
Bình Định quật khởi  (11/01/2004)
Người vào vai Quang Trung tại lễ hội kỷ niệm 215 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa  (11/01/2004)
Thêm một thử thách đối với đội Bình Định  (09/01/2004)
Mất dần một làng tuồng...   (08/01/2004)
Phải xây dựng cho được "thương hiệu bóng đá Bình Định"  (07/01/2004)
Đề tài hấp dẫn nhưng thành công chưa nhiều   (06/01/2004)
Cơ hội lớn cho công tác nghiên cứu thành Cha  (05/01/2004)
Bình Định tan tác tại Pleiku  (04/01/2004)
V.League 2004: Bình Định trước mục tiêu lọt vào tốp 5   (02/01/2004)
Làng Đào Tấn – Làng du lịch  (01/01/2004)
Siêu cúp đã về phố núi  (31/12/2003)
Trước trận lượt về Siêu cúp Quốc gia 2003: Huấn luyện viên 2 đội nói gì ?  (30/12/2003)
Thể thao Việt Nam một năm nhìn lại: Nhiều niềm vui nhưng không ít nỗi lo   (29/12/2003)