Tây Sơn: Những ngày tiền Lễ hội
16:34', 19/1/ 2004 (GMT+7)

Luyện tập chuẩn bị cho Lễ hội

Trước thời điểm diễn ra Lễ hội (LH) kỷ niệm 215 năm Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa, tại huyện Tây Sơn, ngoài việc tập luyện của trên 1.800 diễn viên, học sinh tham gia LH, các công việc như chỉnh trang đường phố, dọn vệ sinh môi trường... đang được gấp rút tiến hành.

* Sẵn sàng

Đến Tây Sơn trong những ngày chạm Tết này, đập vào mắt chúng tôi là một không khí khẩn trương. Trời đã chiều, nhưng dọc theo các tuyến đường Đống Đa, Phan Đình Phùng, vẫn thấy dáng những người công nhân làm đường miệt mài với việc vá những ổ gà, thảm nhựa. Riêng vỉa hè đường Phan Đình Phùng đã được lát lại. Những chuyến xe chất đầy đất đá vẫn tất bật trên những tuyến đường nhằm chuẩn bị mặt bằng trước Bảo tàng, sẵn sàng cho việc tổ chức LH. Tuy những tuyến đường này hiện nay vẫn còn vương đầy đất cát, nhưng tất cả sẽ được dọn rửa sạch sẽ trước Tết.

Tại Sân vận động Phú Phong, nơi sẽ diễn ra LH vào ngày mùng 5 Tết, không khí chuẩn bị cũng đang được tiến hành không kém phần khẩn trương. Từ ngày 10-1 đến cận Tết, chương trình LH được sân khấu hóa đang trong quá trình "chạy dây". Ngoài các nghệ sĩ của hai đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp và Trung tâm Văn hóa - Thông tin tỉnh từ thành phố Quy Nhơn lên Tây Sơn bám trụ để tập luyện, các em học sinh các trường trong huyện, nhiều em nhà cách xa nơi tập hàng vài cây số, nhưng vẫn đều đặn ngày hai buổi tất bật. Bên cạnh đó, khán đài A của Sân vận động cũng đang được gấp rút tu sửa với kinh phí khoảng hơn 200 triệu và đến nay, đã gần hoàn thành. Trước cổng UBND huyện Tây Sơn, là một công viên mini mới được xây dựng.

Chương trình Lễ hội kỷ niệm 215 năm Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa

* Mùng 4 Tết (25-1):

- 7 giờ - 14 giờ 30: các cuộc thi văn hóa dân gian: thi đấu võ đài, thi trạng nguyên và các hoạt động biểu diễn nghệ thuật, võ thuật truyền thống đặc sắc khác được tổ chức trong khuôn viên Bảo tàng Quang Trung.

- 16 giờ 20 - 16 giờ 50: lễ dâng hoa tại Tượng đài Quang Trung.

- 16 giờ 50 - 17 giờ 20: lễ dâng hương tại Đền thờ Tây Sơn tam kiệt.

- 17 giờ 35 - 21 giờ: văn nghệ "Mừng Đảng quang vinh - mừng Xuân thịnh vượng" và dạ hội "Đêm hội hoa đăng" trước sân Bảo tàng Quang Trung.

- 21 giờ - 23 giờ: hò đối đáp trên sông tại khu vực cầu Kiên Mỹ.

* Mùng 5 Tết (26-1):

Từ 7giờ 30: khai mạc LH tại Sân vận động Phú Phong. LH gồm hai phần, phần một là lễ mít-tinh, sau đó là phần hội với kịch bản được sân khấu hóa gồm 5 chương: Dựng cờ khởi nghĩa; Nguyễn Huệ lên ngôi Hoàng đế; Hành binh thần tốc - đại phá quân Thanh; Khải hoàn - đại thắng mùa xuân Kỷ Dậu; Tiếp bước Quang Trung, Bình Định tiến vào công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước.

Trước đó, để chuẩn bị cho việc tổ chức LH chu đáo, ngay từ ngày 17-11 huyện Tây Sơn đã thành lập Ban chỉ đạo tổ chức LH. Ban chỉ đạo này đã triển khai ngay hàng loạt các công việc. Ngoài việc sửa chữa, chỉnh trang lại các đường phố, huyện Tây Sơn đã ra quân đợt một cao điểm trật tự an toàn giao thông, đợt hai sẽ tiếp tục được tiến hành vào ngày 28 Tết. Huyện cũng đã tổ chức đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra công tác vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm với các cơ sở giết mổ gia súc, chợ, quán ăn tại thị trấn Phú Phong và các thị tứ, nhằm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm phục vụ LH.

Trước đó, ngay từ đầu tháng 12, thị trấn Phú Phong đã ra quân tháng cao điểm văn hóa. Các hoạt động của tháng cao điểm này, vừa tuyên truyền, vận động người dân giữ vệ sinh môi trường, sạch đẹp đường phố, vừa tuyên truyền nét đẹp văn hóa trong ứng xử, giao tiếp với khách du lịch. Thị trấn cũng đã tổ chức cho các chủ cơ sở kinh doanh dịch vụ văn hóa, karaoke học tập và cam kết thực hiện tốt các quy định của Nhà nước.

Lực lượng, phương tiện sẵn sàng sơ cấp cứu trong thời gian diễn ra LH cũng đã được tính đến. Chẳng hạn, trong chương trình LH có một hoạt động rất hấp dẫn là hát hò đối đáp và thả đèn hoa đăng trên sông vào tối mùng 4 Tết. Để đề phòng tình trạng người ngã xuống sông, huyện Tây Sơn dự tính sẽ bố trí một đội cấp cứu lưu động, phục vụ dã chiến ngay tại sân Bệnh viện đa khoa khu vực Phú Phong. Các phương án nhằm đảm bảo an toàn giao thông, an ninh trật tự trong các ngày diễn ra LH cũng đã được tính đến.

Trong hai ngày diễn ra LH, sẽ có 20 kiốt bán hàng lưu niệm và dịch vụ ẩm thực nhằm giới thiệu các đặc sản quê hương Tây Sơn tại Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao huyện, Bảo tàng Quang Trung và dọc hai bên đường Nguyễn Huệ (phía bên này cầu). Trong đó, có 4 gian hàng của huyện Tây Sơn, bán các mặt hàng mỹ nghệ địa phương như mộc (xã Tây Phú), đúc đồng (xã Bình Nghi) và trái cây sấy khô (HTX Phú Thọ - xã Tây Phú). Các gian hàng này sẽ đảm bảo phục vụ nhu cầu ăn uống, mua sắm hàng lưu niệm của du khách khi đến với LH.

* Nhưng không chỉ có LH

Ông Đỗ Văn Lợt, Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Sơn:

Khó nhất là chỗ trọ cho du khách

Hiện nay, vấn đề chỗ trọ cho du khách là vấn đề khó nhất. Trên địa bàn thị trấn Phú Phong, hiện chỉ có duy nhất một Khách sạn Phú Phong, nhưng cũng chỉ có 15 phòng. Như vậy, với những khách du lịch không có người thân ở thị trấn Phú Phong, có lẽ sẽ phải về Quy Nhơn nghỉ. Với các nghệ sĩ của các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp, chúng tôi sẽ gửi tại các trường học trong thị trấn và Trung tâm Kỹ thuật hướng nghiệp dạy nghề huyện. Riêng địa điểm sau tuy hơi xa, nhưng bù lại đã có sẵn giường, chiếu, mùng, mền phục vụ.

Sân vận động Phú Phong hiện chỉ có hai khán đài A và B với sức chứa 4.500 chỗ. Ngoài khách Trung ương, khách mời của tỉnh, cũng như dành một số chỗ cho khách du lịch nhằm quảng bá du lịch, còn lại huyện chỉ được mời khoảng 500 người. Với số lượng giấy mời ít ỏi như vậy, không phải tất cả mọi người dân có nhu cầu đều có thể vào xem. Người dân Tây Sơn có lẽ nên tranh thủ xem trong hai buổi sơ duyệt và tổng duyệt chương trình vào hai ngày mùng 3 và mùng 4 Tết.

Tết này, trên quê hương thượng võ Tây Sơn, ngoài các hoạt động chính trong chương trình LH, còn có thêm hàng loạt các hoạt động văn hóa, thể thao khá đa dạng khác do huyện Tây Sơn tổ chức. Các hoạt động mừng xuân này sẽ rải đều từ mùng một đến mùng 8 Tết. Đó là: tổ chức ca múa nhạc, múa lân và trò chơi chiếc nón kỳ diệu với chủ đề tìm hiểu phong trào nông dân Tây Sơn vào tối mùng 3 Tết tại vườn hoa trước UBND huyện; thả diều chào mừng LH vào hai ngày mùng 4 và 5 Tết dọc theo bãi cát trên sông Kôn; biểu diễn ca múa nhạc dân tộc của Đoàn Ca múa nhạc Dân tộc Đam San (Gia Lai) vào tối mùng 5 Tết tại vườn hoa trước UBND huyện; các trò chơi thiếu nhi diễn ra tại Nhà văn hóa thiếu nhi huyện từ ngày mùng 1 đến ngày mùng 6 Tết; các trò chơi dân gian từ mùng 6 đến 20 tháng Giêng tại Trung tâm VHTT-TT huyện; đua thuyền tại cầu Đá Hàn vào sáng mùng 5 Tết; thi đấu võ đài liên tỉnh tại Sân vận động Phú Phong vào ba đêm mùng 6,7,8 Tết... Ngoài ra, tại Khu du lịch Hầm Hô, cũng sẽ tổ chức các trò chơi dân gian, các kiốt bán hàng lưu niệm, dịch vụ ăn uống, phục vụ du khách đến tận 20 tháng Giêng.

* Hy vọng cho những khởi đầu

Tây Sơn là một địa phương có tiềm năng phát triển du lịch. Trong đó, các điểm di tích gắn với phong trào Tây Sơn là thế mạnh trong tiềm năng này. Tuy nhiên, tất cả vẫn chỉ nằm ở mức tiềm năng. Một số di tích, danh thắng ở Tây Sơn, do đầu tư "cò con", nên chưa thể phát huy một cách hiệu quả nhất. Được biết, hiện nay, tại Tây Sơn, Công ty Cổ phần Du lịch Hầm Hô đang được xúc tiến thành lập. Đây chính là một bước đi nhằm huy động nguồn lực, chuyển tiềm năng thành thể năng, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương.

"Mục tiêu của chúng tôi khi tổ chức các hoạt động này là nhằm ôn lại truyền thống quật khởi của phong trào nông dân Tây Sơn và tinh thần bách chiến bách thắng của Hoàng đế Quang Trung. Qua đó, giáo dục, động viên các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Thông qua LH, chúng tôi cũng muốn quảng bá, giới thiệu về quê hương, con người Tây Sơn để phục vụ có hiệu quả các hoạt động du lịch trên địa bàn Tây Sơn" - ông Đỗ Văn Lợt, Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Sơn, khẳng định với chúng tôi vậy.

LÊ VIẾT THỌ

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Bình Định yên lòng ăn Tết  (18/01/2004)
Bình Định sẽ ăn Tết sớm?   (16/01/2004)
Vững vàng trong top đầu   (15/01/2004)
Tết Thái ở Vân Canh  (14/01/2004)
Nhà Rông - Nét đặc trưng văn hóa của người Banar Kriêm - Bình Định   (13/01/2004)
Xuân này, họ ăn Tết muộn  (12/01/2004)
Bình Định quật khởi  (11/01/2004)
Người vào vai Quang Trung tại lễ hội kỷ niệm 215 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa  (11/01/2004)
Thêm một thử thách đối với đội Bình Định  (09/01/2004)
Mất dần một làng tuồng...   (08/01/2004)
Phải xây dựng cho được "thương hiệu bóng đá Bình Định"  (07/01/2004)
Đề tài hấp dẫn nhưng thành công chưa nhiều   (06/01/2004)
Cơ hội lớn cho công tác nghiên cứu thành Cha  (05/01/2004)
Bình Định tan tác tại Pleiku  (04/01/2004)
V.League 2004: Bình Định trước mục tiêu lọt vào tốp 5   (02/01/2004)