Văn thần, võ tướng: Đã tề tựu trong điện thờ Tây Sơn tam kiệt
16:50', 20/1/ 2004 (GMT+7)

Tượng Hoàng đế Quang Trung

9 tượng văn thần, võ tướng đã được nhập điện thờ Tây Sơn tam kiệt. Chúng tôi xin giới thiệu cùng bạn đôi nét về 9 bức tượng này và cách bố trí tại điện thờ.

* Phong cách tượng thờ truyền thống

9 bức tượng gồm Tây Sơn tam kiệt và văn thần, võ tướng này là kết quả một quá trình đầu tư sáng tác nghiêm túc của nhóm tác giả điêu khắc thuộc Công ty Mỹ thuật Trung ương. Cả 9 bức tượng đều được làm bằng chất liệu gốm, dát vàng, mang phong cách tượng thờ truyền thống, phần nào thể hiện được tính cách của những nhân vật lịch sử này.

Tượng Quang Trung hoàng đế, cao 2,55m (kể cả phần đế bằng đá granite). Hoàng đế Quang Trung ngự trên ngai vàng, hai bên thành ngai chạm hình hai đầu rồng. Quang Trung trong trang phục thiết triều, đầu đội vương miện, mặc áo hoàng bào, chân mang hài mũi nhọn, tay trái đặt hờ trên đùi, tay phải hướng về phía trước, tự nhiên. Tác giả thể hiện cái uy nghi của người anh hùng qua sắc mặt, nhưng nét có phần hơi bầu, có thể là theo mô tả của bức tranh mà Càn Long sai người vẽ Phạm Công Trị khi đi sứ sang Trung Quốc.

Tượng Trung ương Hoàng đế Nguyễn Nhạc cao 2,5m. Nguyễn Nhạc được thể hiện trong dáng ngồi ung dung, với hai bàn tay đặt úp sấp lên hai đầu gối, ánh mắt nhìn an nhiên, tự tại. Tất cả các chi tiết của bức tượng này đều góp phần thể hiện tính cách của một con người đang tự bằng lòng với thực tại. Tượng Đông Định vương Nguyễn Lữ cũng cao 2,5m, nhưng ngồi trên ghế, áo thụng; tay mặt buông lỏng trên đầu gối, tay trái đặt hờ lên đùi, bàn tay để ngửa, ngón cái bấm đốt ngón trỏ, nét mặt có vẻ đăm chiêu. Nhìn chung, ba bức tượng này đã thể hiện được phần nào tính cách của ba nhân vật như mô tả của sử sách.

Đại tư đồ Võ Văn Dũng có khuôn mặt chữ điền, mặc bộ giáp trụ. Bàn tay phải ngón trỏ như vừa rời khỏi bàn tay nắm, tay trái nắm chặt và ánh mắt đăm đăm hướng về phía trước, diễn đạt tính cách khá mạnh mẽ. Tượng Trung thư lệnh Trần Văn Kỷ lại như muốn thể hiện tính cách của một con người đức độ, khiêm tốn, với tư thế hai tay chắp cung kính, hai bàn tay được giấu trong tay áo. Tượng Ngô Thì Nhậm, tay phải cầm quạt, có khuôn mặt phúc hậu. Với Đại tư mã Ngô Văn Sở, tác giả thể hiện khuôn mặt cương nghị, lịch lãm, bộ râu cắt tỉa gọn gàng, tay trái chống nạnh, tay phải nắm lại, nét mặt suy tư, lo nghĩ. Trong khi đó, Thiếu phó Trần Quang Diệu lại có khuôn mặt chữ điền, mắt và đôi mày xếch lên rất uy nghi, bàn tay phải đưa lên ngang ngực, ngón cái bấm đốt ngón trỏ; bàn tay trái nắm lại, chống lên đùi, từ gương mặt đến dáng vẻ của tượng đều thể hiện chiều sâu nội tâm của nhân vật. Riêng tượng đô đốc Bùi Thị Xuân, tác giả dành những đường nét, hình khối mang phong cách tượng thờ nhân cách truyền thống: khuôn mặt trái xoan, mày ngài, mắt phượng, sóng mũi dọc dừa, môi hình trái tim.

* Các tượng thờ được bố trí ra sao?

Tại điện thờ Tây Sơn tam kiệt, án thờ hội đồng đặt ở vị trí cửa chính bước vào. Đối diện với án thờ này là bàn thờ Tây Sơn tam kiệt, hai bên là các bàn thờ của văn thần, võ tướng. Theo đúng nguyên tắc "tả văn, hữu võ", ba bàn thờ bên phải thờ: Thiếu phó Trần Quang Diệu, Đô đốc Bùi Thị Xuân và Đại tư đồ Võ Văn Dũng; ba bàn thờ bên trái thờ: Binh bộ thượng thư Ngô Thì Nhậm, Trung thư lệnh Trần Văn Kỷ, Đại tư mã Ngô Văn Sở.

Quy cách các bàn thờ cũng có những nét khác biệt nhất định. Bàn thờ của Quang Trung - Nguyễn Huệ đặt ở giữa, cao 1,13m, rộng 1m, dài 1,60m. Bàn thờ này được tạo dáng giò nai, xung quanh chạm trổ khá công phu. Phần tiếp giáp với mặt bàn chạm đầu rồng, hai bên chạm dây leo, mỗi góc bàn có một chú vượn đang giơ hai tay chống đỡ mặt bàn; phần dưới cùng chạm lưỡng long tranh châu. Bàn thờ Trung ương hoàng đế Nguyễn Nhạc đặt bên phải, thấp hơn, chỉ cao 1,08m, rộng 1m, dài 1,60m, chạm trổ cùng một kiểu với bàn thờ Quang Trung hoàng đế. Bàn thờ Đông định vương Nguyễn Lữ đặt bên trái, cùng cỡ với bàn thờ Nguyễn Nhạc, tạo dáng theo hình thức bàn giò nai, nhưng họa tiết có phần khác. Phần tiếp giáp mặt bàn giữa chạm đầu rồng, hai bên dây leo, ngoài cùng cũng là một chú vượn ngồi chống hai tay, nhưng phần cuối cùng họa tiết được chạm trổ là dây, lá và chùm nho lặp đi lặp lại. Cách bố trí vị trí các bàn thờ thể hiện vai trò của ba người anh hùng trong phong trào nông dân Tây Sơn và lịch sử.

Phía sau bàn thờ Tây Sơn tam kiệt, có ba tấm hoành phi với tổng chiều dài 10m, cao 4m, được chạm lộng công phu. Phía dưới hai tấm hoành phi sau bàn thờ Quang Trung và Nguyễn Nhạc có hai con rồng 5 móng. Tấm hoành phi sau bàn thờ Quang Trung là con rồng đang vùng vẫy, còn rồng sau bàn thờ Nguyễn Nhạc lại mang dáng vẻ ổn định, tự tại, phù hợp với cách thể hiện của tượng thờ. Riêng tấm hoành phi phía sau bàn thờ Nguyễn Lữ, chỉ có mây gối mây trùng điệp.

Sáu bàn thờ của các văn thần, võ tướng được tạo dáng đơn giản hơn, dựa theo kiểu thức bàn thờ gia tiên, cao 1m, rộng 1m, dài 1,40m, với hình dây leo cách điệu, góc bàn chạm nổi đầu chim phượng hoàng. Đường nét, hình khối nhấn thả, cao thấp, gợi tả, dây leo uyển chuyển.

KHẢI NHÂN - CHƠN HIỀN

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Tây Sơn: Những ngày tiền Lễ hội   (19/01/2004)
Bình Định yên lòng ăn Tết  (18/01/2004)
Bình Định sẽ ăn Tết sớm?   (16/01/2004)
Vững vàng trong top đầu   (15/01/2004)
Tết Thái ở Vân Canh  (14/01/2004)
Nhà Rông - Nét đặc trưng văn hóa của người Banar Kriêm - Bình Định   (13/01/2004)
Xuân này, họ ăn Tết muộn  (12/01/2004)
Bình Định quật khởi  (11/01/2004)
Người vào vai Quang Trung tại lễ hội kỷ niệm 215 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa  (11/01/2004)
Thêm một thử thách đối với đội Bình Định  (09/01/2004)
Mất dần một làng tuồng...   (08/01/2004)
Phải xây dựng cho được "thương hiệu bóng đá Bình Định"  (07/01/2004)
Đề tài hấp dẫn nhưng thành công chưa nhiều   (06/01/2004)
Cơ hội lớn cho công tác nghiên cứu thành Cha  (05/01/2004)
Bình Định tan tác tại Pleiku  (04/01/2004)