Theo dấu văn hóa dân gian đất Kinh xưa (*)
16:1', 31/12/ 2004 (GMT+7)

Ta gọi An Nhơn là đất Vua, không hẳn chỉ là một cách gọi cho văn vẻ. Định danh này đã hàm chứa trong nó một sự thật lịch sử: An Nhơn đã hai lần đóng vai trò thủ phủ của một đất nước với sự hiện diện của kinh thành lộng lẫy.

 

Mà quy luật của chốn kinh kỳ nào chẳng vậy, nói như GS. Trần Quốc Vượng, văn hóa ở đó là sự hội tụ, kết tinh, thăng hoa rồi lan tỏa ra văn hóa các vùng xung quanh. Bởi vậy, nhìn vào văn hóa An Nhơn là có thể thấy được những gì là đặc trưng của văn hóa Bình Định. Tôi đọc Văn hóa dân gian vùng thành Hoàng Đế của Nguyễn Thanh Mừng và Trần Thị Huyền Trang trong một cảm thức như vậy.

Phải nói ngay: đây là một tập sách dày dặn. Dày dặn không phải vì số trang in, dẫu hơn 460 trang với một cuốn sách về văn hóa dân gian cũng đã gọi là dày. Dày dặn chính là ở những vỉa, tầng văn hóa đất Vua mà tác giả thâu lượm, khám phá.

Đọc Văn hóa dân gian vùng thành Hoàng Đế, ta đã thâu lượm được thêm nhiều cái mới. Có cái mới ấy, bởi các tác giả đã chịu khó điền dã, chịu khó đến và nghe những câu chuyện kể hãy còn lưu truyền, chịu khó đi nhặt "vàng rơi" trong dân gian. Bởi vậy mà tập sách trở nên thật có giá trị với những ai muốn tìm hiểu về văn hóa An Nhơn, văn hóa Bình Định. Những chuyện tản mạn xung quanh thành Hoàng Đế, Thành Bình Định một nét khắc vào lịch sử văn chương Việt, rồi những nhân vật đất Vua, nhất là những món ẩm thực An Nhơn: Rượu Bầu Đá, Xưa là chợ rượu, Bún Song Thằng, phẩm vật của thần sông… và những Lần theo nhạc ngựa Đất Vua, Đi xe ngựa trên đất Kinh xưa… là những bài viết như vậy. Cũng bởi thế, cái thú vị nhất của việc đọc Văn hóa dân gian vùng thành Hoàng Đế là ta được lạc trong những câu chuyện huyền tích còn lưu truyền trên đất Kinh xưa. Này là câu chuyện về vạt áo mang bài thơ tuyệt mệnh của Mai Nguyên soái, rồi chuyện một trăm ngày đêm vi hành của vị Thái tử, chuyện lưu truyền quanh không gian huyền hoặc của núi Mò O hay sự tích bún Song Thằng, món phẩm vật của thần sông… cho đến chuyện kể quanh những nhân vật lịch sử…

Một thành công khác của hai tác giả là đã kết hợp được giữa những tư liệu điền dã góp nhặt của một người sưu tầm văn hóa dân gian với sự am hiểu thấu đáo, tường tận lịch sử qua những tư liệu văn bản; giữa một phong cách làm việc khoa học với cách viết của một nhà văn. Bởi vậy, đọc Văn hóa dân gian vùng thành Hoàng Đế cũng là để nhẩn nha thưởng thức cái cách hành văn của tác giả. Hẳn nhiên, để có những dòng về núi Kỳ Đồng và bàu Sấu, Yến Lan, bến sông và phố huyện, về nhạc ngựa đất Vua, chợ rượu, cho đến cả những món ăn dân dã như bì, đậu hủ… thì ta hiểu: tác giả phải là những người đã gắn bó với mảnh đất này đến thế nào mới có những trang viết như vậy.

Cứ vậy, bằng sự lôi cuốn từ tư liệu dày dặn, từ gắn bó thiết thân với một vùng đất, cả ở cách hành văn lịch lãm, Văn hóa dân gian vùng thành Hoàng Đế đã mang đến cho ta một cái nhìn toàn diện về văn hóa dân gian một vùng đất cũng là những dáng nét rất đặc trưng của văn hóa Bình Định. Bởi Tâm thức An Nhơn (chương 2) với khí chất Bình Định trong văn có võ, trong võ có văn, rồi tính cách phản kháng… hay những Nhân vật (chương IV), hương vị những món ăn của Ẩm thực An Nhơn (chương V), những hóa thân của Hồn đất (chương VI)… là gì nếu không phải là những nét rất tiêu biểu của văn hóa Bình Định. Ở đây, lối viết khảo cứu đã vượt qua cái ranh giới của nó, mang tải một phần tâm hồn người viết để hóa thân thành những trang văn.

Đã thật lâu, có lẽ là từ sau Nước non Bình Định, ta mới bắt gặp được sự kết hợp nhuần nhị như vậy trong một công trình khảo cứu về văn hóa Bình Định.  

. Lê Viết Thọ

(*) Đọc Văn hóa dân gian vùng thành Hoàng Đế của Nguyễn Thanh Mừng và Trần Thị Huyền Trang, Nxb. Khoa học Xã hội, tháng 12 năm 2004.

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Tám đề án nhằm phát triển văn hóa thông tin  (30/12/2004)
Singapore đặt vé cho trận chung kết  (30/12/2004)
Trường Sơn - VĐV tiêu biểu nhất Việt Nam 2004  (29/12/2004)
Trận bán kết thứ 2 Tiger Cup 2004: Ưu thế thuộc về Myanmar   (29/12/2004)
Lương Trung Tuấn thử việc ở đội Cảng Thái Lan   (28/12/2004)
Đội hình tiêu biểu của bóng đá thế giới năm 2004  (28/12/2004)
10 cầu thủ giàu nhất giải Ngoại hạng Anh  (27/12/2004)
Bóng chuyền Bình Định: Nhìn từ các giải đấu phong trào  (27/12/2004)
10 sự kiện thể thao nổi bật năm 2004  (26/12/2004)
Khảo cổ học ở Bình Định: Nét phác thảo đầu tiên về lịch sử một vùng đất  (24/12/2004)
Hoa Lâm Bình Định sẵn sàng tranh Siêu cúp quốc gia  (24/12/2004)
Tay vợt VN đầu tiên lọt vào Top 100 thế giới  (23/12/2004)
Hoa Lâm Bình Định kết thúc đợt tập huấn tại Thái Lan  (23/12/2004)
Thể Công trên con đường trở lại truyền thống hào hùng   (22/12/2004)
Đào tạo cán bộ văn hóa người dân tộc thiểu số: Vạn sự khởi đầu nan  (22/12/2004)