Khúc tráng ca Thiên Long Bát Bộ
11:33', 7/6/ 2004 (GMT+7)

Năm 1963 tiểu thuyết gia kiếm hiệp danh tiếng Kim Dung đã chấp bút viết nên một trong những thiên tiểu thuyết đồ sộ nhất trong cuộc đời cầm bút của mình, đó là Thiên Long Bát Bộ (phim đang chiếu trên Đài Truyền hình Bình Định). Lúc đầu, phần lớn bộ tiểu thuyết Thiên Long Bát Bộ đều do Kim Dung viết nhưng có một đoạn được bạn của ông là Nghê Khuông viết hộ để kịp đăng báo theo kiểu feuilleton (từ tháng 5 đến tháng 6 năm 1965) trong thời gian Kim Dung đi du lịch châu Âu. Sau này Kim Dung đã chỉnh sửa và hiệu đính lại toàn bộ Thiên Long Bát Bộ theo bút pháp của mình.

* Từ một kiệt tác văn học

Thiên Long Bát Bộ là một tác phẩm kiếm hiệp xuất sắc. Câu chuyện dựa trên bối cảnh lịch sử của Trung Hoa qua hai triều đại Tống Anh Tôn, Tống Triết Tôn với quan hệ của Tống triều cùng các nước Đại Lý, Tây Hạ, Khất Đan, xoay quanh bộ ba nhân vật chính là Tiêu Phong, Đoàn Dự và Hư Trúc. Tiêu Phong vốn là người Khất Đan, con trai của Tiêu Viễn Sơn. Bị Mộ Dung Bác (cha của Mộ Dung Phục) kích động và phao tin quân Khất Đan xâm phạm Đại Tống, quần hùng Trung Nguyên do cao tăng Thiếu Lâm Tự là Huyền Từ (cha của Hư Trúc) làm thủ lãnh đại ca cầm đầu đã dẫn quân phục kích ở Nhạn Môn Quan (nay thuộc Phủ Đại Đồng, Sơn Tây-con đường độc đạo nối liền Trung Hoa và Đại Liêu) và giết chết toàn bộ gia đình nhà Tiêu Phong. Tiêu Phong được Huyền Khổ mang về chùa, cho gia đình nhà họ Kiều Tam Hòe nuôi nấng và không hề biết gì về gốc gác Khất Đan của mình.

Với tư chất thông minh, ông đã nhanh chóng trở thành một cao thủ võ lâm được tín nhiệm giao chức Bang chủ Cái Bang. Lúc ông nhận ra dòng máu Khất Đan đang chảy trong huyết quản của mình thì cũng là lúc hàng loạt những oan nghiệt đổ lên đầu Tiêu Phong, ông bị nghi là đã giết Mã Đại Nguyên (phó bang chủ Cái Bang), giết Kiều Tam Hòe (dưỡng phụ) và nhà sư Huyền Nạn (sư phụ) để che đậy gốc tích "Liêu cẩu" của mình. Ông từ chức Bang chủ Cái Bang và đi lưu lạc giang hồ tầm thù kẻ giết cha mẹ mình. Bi kịch xảy đến cao hơn một bậc khi Tiêu Phong do hiểu lầm đã đánh chết người yêu của mình là A Châu. Ông đau đớn cùng với A Tử (em gái A Châu) lưu lạc sang nước Đại Liêu và tình cờ kết nghĩa anh em với Gia Luật Hồng Cơ, vua nước Đại Liêu. Được hoàng đế Đại Liêu phong làm Nam Viện Đại Vương quyền cao chức trọng với nhiệm vụ cầm quân đánh Tống, Tiêu Phong vì đã chịu ơn của người Hán nên trái lệnh nhà vua. Bị bắt nhưng được hai người em kết nghĩa là Đoàn Dự và Hư Trúc cứu thoát, Tiêu Phong cùng các cao thủ võ lâm Trung Nguyên chạy đến Nhạn Môn quan thì quân Liêu đuổi kịp. Với bản lĩnh kinh người và ước vọng muốn dân chúng hai nước được bình yên tránh nạn binh đao, Tiêu Phong đã kề đao vào cổ Gia Luật Hồng Cơ và bắt nhà vua hứa không tấn công Trung Nguyên nữa, sau đó ông tự tận tại chính nơi gia đình nhà ông đã bị thảm sát. A Tử với tình yêu đơn phương dành cho Tiêu Phong đã ôm xác ông nhảy xuống vực thẳm của Nhạn Môn Quan.

Đoàn Dự vốn là là hoàng tử sẽ nối ngôi hoàng đế nước Đại Lý. Bởi không muốn học võ công nhưng lại bị gia đình ép phải học hai tuyệt kỹ của Đoàn Hoàng Gia là "Nhất Dương Chỉ" và "Lục Mạch Thần Kiếm", chàng bỏ trốn khỏi hoàng cung. Trên bước đường lưu lạc giang hồ, chàng đã gặp rất nhiều cô gái như Chung Linh, Mộc Uyển Thanh và thầm yêu Vương Ngữ Yến. Cũng bởi kỳ duyên mà chàng đã nuốt đôi "Mãng Hổ Chu Cáp" khiến cơ thể có khả năng hút được công lực của người khác và tránh được mọi thứ độc trong thiên hạ. Đoàn Dự cũng vô tình lạc vào thạch động và học được môn khinh công tuyệt kỹ Lăng Ba Vi Bộ, lên Thiên Long Tự chữa bệnh rồi thông suốt Lục Mạch Thần Kiếm. Có bản lĩnh vô địch trong người nhưng Đoàn Dự lại không có được tình yêu của Vương Ngữ Yến vì cô nàng này chỉ yêu biểu huynh của nàng là Cô Tô Mộ Dung Phục mà thôi. Với tính cách hào sảng, Đoàn Dự cũng kết nghĩa anh em với Tiêu Phong và Hư Trúc.

Sau biết bao biến cố, Cô Tô Mộ Dung Phục lộ bản mặt ngụy quân tử, ngầm hại Đoàn Dự và Vương Ngọc Yến, đẩy hai người xuống giếng để rảnh tay cầu hôn với công chúa nước Tây Hạ. Vương Ngữ Yến cuối cùng cũng nhận ra được tình cảm chân thành của Đoàn Dự. Sau khi Tiêu Phong tự tận tại Nhạn Môn Quan, Đoàn Dự về nước và trở thành hoàng đế đất nước Đại Lý.

Hư Trúc là một chú tiểu trong chùa Thiếu Lâm Tự. Trong một lần xuống núi, chàng đã vô tình hóa giải được thế cờ vây bí ẩn Thiên Lung Kỳ Trận. Sau đó chàng được Tiêu Dao Tử truyền 70 năm công lực và chức chưởng môn Tiêu Dao Phái cho mình với nhiệm vụ phải tiêu diệt được một tên phản đồ của Tiêu Dao Tử là Tinh Tú Lão Quái. Sau đó chàng bị Thiên Sơn Đồng Mỗ bắt phải phá giới bằng việc nhốt chàng vào hầm đá cùng với Mộng Cô - công chúa nước Tây Hạ. Luyện thành Bắc Minh Thần Công và được những tiền bối của Tiêu Dao Phái là Thiên Sơn Đồng Mỗ cùng Lý Thu Thủy truyền dạy thêm cho những tuyệt kỹ của họ, Hư Trúc đã trở thành cao thủ bậc nhất thiên hạ. Chàng trở về Thiếu Lâm Tự và ở đây chàng đã nhận ra được thân phận của mình. Chàng chính là đứa con của nhà sư Huyền Từ và Diệp Nhị Nương. Ân hận trước việc mình đã thảm sát gia đình Tiêu Phong và phạm giới luật, Huyền Từ Đại Sư cùng Diệp Nhị Nương tự sát. Hư Trúc trong chuyến đi cùng Đoàn Dự đến Tây Hạ đã tình cờ gặp lại Mộng Cô, công chúa Tây Hạ và trở thành phò mã Tây Hạ. Chàng đánh bại Tinh Tú Lão Quái, dẹp được một mối nguy hại lớn trong giang hồ rồi giã từ Thiếu Lâm Tự và làm giáo chủ Tiêu Dao Phái.

Một nhân vật phụ nhưng cũng đóng vai trò khá then chốt trong Thiên Long Bát Bộ, đó chính là Cô Tô Mộ Dung Phục. Bản lĩnh võ công cái thế được so sánh như "Nam Mộ Dung-Bắc Tiêu Phong" nhưng đau đáu với ước nguyện khôi phục Đại Yên và lên ngôi hoàng đế, Mộ Dung Phục đã bán đứng tình yêu của Vương Ngữ Yến cô nương và đến cầu hôn công chúa Tây Hạ hòng mong có binh quyền để mưu đồ phục hưng Yên Quốc. Tuy nhiên mưu mô vậy mà chẳng được gì, Vương Ngọc Yến sau đó yêu Đoàn Dự còn công chúa Tây Hạ thì chọn Hư Trúc. Cô Tô Mộ Dung còn cam chịu làm nghĩa tử của kẻ đệ nhất ác nhân là Đoàn Diên Khánh để mong làm thế tử Đại Lý nhưng rồi cũng thất bại. Từ một kẻ võ công cái thế nổi danh giang hồ, một công tử phong lưu nho nhã bậc nhất, giờ đã mất hết, ôm mối hận phục quốc không thành, cuối cùng Mộ Dung Phục đã phát điên.

* Đến một tác phẩm điện ảnh hoành tráng

Bởi tiểu thuyết Thiên Long Bát Bộ rất dài với hàng loạt nhân vật phụ bao quanh tuyến nhân vật chính nên khi dựng lên thành phim những nhà làm phim Thiên Long Bát Bộ đã lược bớt đi nhiều tình tiết để bộ phim có "mạch" rõ ràng hơn. Bộ phim không bắt đầu với câu chuyện của Đoàn Dự như trong tiểu thuyết mà đi thẳng đến bi kịch ở Nhạn Môn Quan của gia đình Tiêu Phong. Chuyện phim cũng bám trên câu chuyện của Tiêu Phong chứ không chia đều cho ba nhân vật. Cũng bởi phải lược bớt nhiều cho kịch bản súc tích nên đôi chỗ diễn biến quá nhanh trở thành khó hiểu đối với những người chưa đọc nguyên tác.

Hồ Quân với hình dáng cao to pha chút hoang dã đã thể hiện được đúng hình ảnh Tiêu Phong. Những trường đoạn như Tiêu Phong uống rượu tuyệt giao tại Tụ Hiền Trang, ba anh em uống rượu kết nghĩa giữa quần hùng tại Thiếu Lâm Tự được Hồ Quân thể hiện rất hào sảng. Anh cũng diễn rất đạt vẻ bàng hoàng khi nhận ra thân thế Khất Đan và phút bi kịch khi ra tay đánh chết A Châu. Có thể nói vai diễn Tiêu Phong của Hồ Quân sẽ trở thành một mốc son đánh dấu sự nghiệp của diễn viên này. Cao Hồ (trong vai Hư Trúc) cũng thể hiện được bản tính thật thà và tốt bụng đến mức ngu ngơ của anh chàng nhà sư Hư Trúc. Và Lâm Chí Dĩnh (trong vai Đoàn Dự) cũng diễn khá đạt hình ảnh chàng công tử si tình này. Lưu Diệc Phi (Vương Ngữ Yến), Lưu Đào (A Châu), Trần Hảo (A Tử) đều rất xinh đẹp và có cá tính. Tu Khánh cũng thể hiện được phong thái lạnh lùng và đầy toan tính của Cô Tô Mộ Dung Phục.

Phục trang của Thiên Long Bát Bộ 2003 được đầu tư kỹ lưỡng tạo cảm giác vượt trội so với Thiên Long Bát Bộ 1997 và vượt xa Thiên Long Bát Bộ 1982. Khuôn mặt của gã đầu sắt Du Thản Chi nhìn rất ấn tượng. Thiên Long Bát Bộ 2003 còn đem đến cho người xem những cảnh quay cực kỳ hoành tráng. Những danh thắng nổi tiếng từ Bắc Kinh đến Vân Nam đều được đưa lên màn ảnh thể hiện được sự hoành tráng của cung điện Đại Lý, Thiên Long Tự, Thiếu Lâm Tự và cảnh sắc mỹ lệ của Tiểu Kính Hồ, vẻ hiểm trở của Nhạn Môn Quan. Kỹ xảo của phim được dàn dựng kỹ lưỡng với những thủ pháp độc đáo và sáng tạo như trường đoạn gia đình Tiêu Viễn Sơn bị thảm sát hay như đoạn Tiêu Phong tự tận bên Nhạn Môn Quan. Kỹ xảo cũng góp phần khiến những pha đấu võ trở nên bừng bừng sát khí và tràn đầy kịch tính, thỏa mãn người xem. Những tuyệt kỹ võ công như Hàng long thập bát chưởng, Ban nhược chỉ, Kim Cương chỉ, Nhất dương chỉ, Lục mạch thần kiếm, Chuyển đẩu di tinh, Bắc minh thần công được kỹ xảo làm biến ảo rất đẹp. Âm nhạc trong phim cũng thể hiện chất hào hùng trong chiến trận, lúc dịu dàng đi với những khung cảnh lãng mạn và đầy chất bi ai khi bi kịch xảy đến.

Tuy nhiên không phải Thiên Long Bát Bộ 2003 không vấp phải những hạt sạn. Đó là kịch bản bị cắt xén nhiều khiến người xem có đôi chỗ thấy khó hiểu, nhân vật phụ cũng bị giảm khiến người đã đọc truyện chưa thỏa mãn hoàn toàn. Người xem cũng dễ thấy được khi bộ ba Tiêu Phong, Đoàn Dự, Hư Trúc kết nghĩa anh em tại Thiếu Lâm Tự, sau đó Hư Trúc nhảy ra đánh nhau với Đinh Xuân Thu. Lúc kết nghĩa thì Hư Trúc mặc áo màu xanh nhưng không hiểu sao lúc đánh nhau thì lại có thêm một dải khăn màu vàng buộc chéo quanh người. Cũng lỗi tương tự, khi mọi người đến giải cứu Tiêu Phong khỏi ngục thất đại Liêu thì đều mặc quần áo cải trang, lúc ra đến cổng thành thì đã kịp mặc quần áo bình thường (lúc đang vội mà cũng kịp thay quần áo ư?).

Dẫu sao thì Thiên Long Bát Bộ 2003 vẫn là một bộ phim kiếm hiệp hoành tráng vào bậc nhất từ xưa đến nay. Sau khi được khởi chiếu, bộ phim đã có một trang web riêng của những người hâm mộ, Lưu Đào-A Châu đã có một Fanclub bộ phim đã nhận được sự ủng hộ nhiệt liệt của khán giả và được coi là bộ phim truyền hình thành công và hoành tráng nhất Trung Hoa năm 2003.

. Hoàng Tùng

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Quốc Vượng, Văn Thành bị loại khỏi đội tuyển Việt Nam  (06/06/2004)
Euro 2004 còn 8 ngày  (04/06/2004)
Về ba phác thảo tượng đài Nghĩa trang Liệt sĩ Quy Nhơn  (04/06/2004)
Bộ khung Đội tuyển Việt Nam dần thành hình  (03/06/2004)
Festival Huế với tiến trình hội nhập và phát triển  (02/06/2004)
Qua giải bơi truyền thống huyện Hoài Nhơn lần thứ 2-2004: Để "sông" hòa mình với "biển"   (02/06/2004)
Ngày đầu tập trung của đội tuyển bóng đá nam  (01/06/2004)
Đào tạo diễn viên sân khấu truyền thống: Bí cả hai đầu   (31/05/2004)
Hướng đến Euro 2004   (31/05/2004)
Thắng Đà Nẵng 3-2: Dấu ấn đẹp của đội Bình Định trên sân Quy Nhơn  (30/05/2004)
Vài nét về tân vô địch Champions League - FC Porto  (30/05/2004)
Trận Bình Định - Đà Nẵng: Sẽ lại hòa!?   (28/05/2004)
Thiên Long bát bộ - hướng tới tinh thần hòa hợp và chống chiến tranh   (28/05/2004)
Bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống của làng nghề  (28/05/2004)
BĐ hòa SLNA 4-4: Một cuộc rượt đuổi kịch tính và ngoạn mục  (27/05/2004)