Nhiều họa phẩm lừng danh hiện dần lên trên mặt bố, theo từng nét bay điêu luyện, họ tái hiện những không gian, ánh sáng, sắc độ với niềm rung động thực sự. Họ vẽ đấy, một số sáng tác của họ thậm chí còn được công chúng đón nhận khá nồng nhiệt nhưng không ai trong số họ tự xưng hoặc nhận mình là họa sĩ. Họ thường khiêm tốn nói rằng - đơn giản tôi chỉ là thợ chép tranh.
* Từ hoàng hôn...
|
Lê Ân đang chép bức Thiếu nữ bên hoa huệ |
Người ta còn nhớ như in cách nay vài mươi năm, ở góc chợ Lớn - Quy Nhơn, gần quán cà phê Trúc Lan Viên có một gian hàng rộng trưng bày một số lượng tranh chép đáng kể do nhà vẽ Quang Vinh đảm nhiệm. Đối tượng tiêu thụ loại tranh này là các thủy thủ ở Hà Nội, những người ở hoặc công tác ở Liên Xô và một số khách mua khác bởi nhu cầu làm quà tặng trong mùa đám cưới của bè bạn. Quang Ân - "đệ tử" của Quang Vinh, hiện còn theo nghề này trên đường Lê Hồng Phong (Quy Nhơn), cho biết: "Chép tranh là một việc làm cực khó. Tiếng là chép lại nhưng không phải là dễ ăn. Nét cọ, đường bay phải điêu luyện, ngọt ngào, phải lột tả được thần thái uyên thâm trong dụng ý tác giả. Phải làm sao để kích thích thị hiếu thẩm mỹ công chúng mới mong bán được tranh, có người đặt hàng. Chép tranh là một việc làm đầy nỗ lực. Thậm chí để chép thành công, thợ chép tranh đôi khi còn phải lục tìm tư liệu, các thông tin nhất định về tâm trạng, lịch sử thời kỳ sáng tác của tác giả".
Nổi lên trong nghề chép tranh thuộc hàng cao thủ của Bình Định cần phải nhắc đến những đôi bàn tay tài hoa của các nghệ sĩ ẩn mình trong những con hẻm ngoằn ngoèo như Lê Sơn Tứ, Lê Ân, Huy Hoàng, Minh Đức… Được đánh giá cao trong số này là Đoàn Thiện Tiến, hiện sống ở Hóc Bà Bếp, phường Đống Đa (Quy Nhơn). Tiến không học qua trường lớp đào tạo hội họa bài bản nào nhưng nhờ năng khiếu bẩm sinh, tác phẩm của anh có hồn đến bất ngờ. Năm 1977, sau một năm học vẽ ở một hiệu vẽ tư nhân Quy Nhơn, Tiến nghỉ học, đi làm riêng để tự khẳng định cách sống và thỏa mãn ý thích của mình. Tiến nhớ lại: "Học một năm chỉ đủ để làm quen với các loại chất liệu màu sắc, một vài yêu cầu kỹ thuật cơ bản của hội họa. Nhưng cũng chỉ sau một năm tôi đã quyết ra riêng, tự học. Hồi ấy, sau mấy năm tự mày mò, tôi khởi nghiệp chép tranh cổ điển phương Tây thông qua mẫu sưu tầm in trên sách (Ý, Pháp và Nga) rồi gởi bán ở tận Sài Gòn. Sau đó tôi vào sống hẳn ở đấy 2 năm. Tôi đã chép cả trăm bức tranh, tiếp xúc với rất nhiều "ông chủ" và cả "cò tranh" nữa. Tiền công của một tác phẩm tranh chép tương đương với một tháng lương công chức. Tôi không được biết những bức tranh ấy ai là chủ sở hữu, chỉ biết việc chép tranh luôn hấp dẫn tôi. Sau đó tôi cưới vợ, từ bỏ nơi "đầu tắt mặt tối" và vẽ lai rai theo đơn đặt hàng từ các cửa hiệu quen biết bán hàng mỹ nghệ ở Sài Gòn, từ các quán cà phê và một số thân hữu yêu thích hội họa cổ điển ở Quy Nhơn".
Nhà của gã thợ chép tranh Lê Ân nằm cuối một con hẻm sâu trên đường Nguyễn Thái Học (Quy Nhơn). Ân nguyên là giáo viên nhưng cũng vì đam mê hội họa nên chuyển hẳn sang nghề vẽ vời kiêm tạc tượng! Ân tâm sự: "Phần đông người chơi tranh đều không có điều kiện để sở hữu tranh phiên bản in ở nước ngoài chứ đừng nói chi đến bản gốc. Ai thích bức nào thì thuê thợ chép bức ấy! Mình vì mưu sinh là chính nên ai thuê thì chép. Giá rẻ chép kiểu rẻ, trả giá cao chép theo kiểu cao! Không thể nhớ hết đã có bao nhiêu bức được chép trong hoàn cảnh lia lịa như vậy. Tranh lụa khó chép cho đẹp, độ bền lại không cao nên hầu như khách hàng đều chọn sơn dầu. Bình quân một bức tranh chép mất khoảng 4 ngày. Đã chủ động đến thuê chép tranh thì thường khách đã có đến bảy phần mười cũng mê hội họa như mình. Nhưng cũng có kẻ muốn có tranh cổ điển treo trong nhà cho ra vẻ trí thức, mở miệng ra đầy mùi tiền, loại này mình cạch. Chép cho họ chua ăn ghê gớm lắm. Nhưng nói gì thì nói cái nghề này coi vậy mà đã giúp mình và gia đình sống được".
Khoảng đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, nghề chép tranh đi vào buổi xế chiều khi tranh in khổ lớn của Thái Lan tràn về khắp nơi với giá cực mềm. Sau nhiều năm sống được bằng nghề chép tranh, Võ Thanh Xuân, thợ chép tranh duy nhất ở thị trấn Bình Định (An Nhơn) phải chuyển qua sống bằng vẽ quảng cáo, cắt đề can hộp đèn. Xuân kể: "Cách đây chừng 10 năm, khách thuê chép tranh ít dần. Ngay ở phố huyện này, người ta ai cũng sôi lên với chuyện làm ăn, dạo ấy đi đâu cũng nghe nói tới chỉ tới cây, ai cũng hăm he đi buôn lậu đồ điện tử second hand. Có thể coi đây là thời điểm cô đơn nhất của thợ chép tranh. Từ nỗi buồn ấy tôi vẽ bức Thị trấn ngày buồn và bất ngờ đã bán được giá cao! Mà cũng chỉ có thế, hiện tôi còn "tồn kho" nhiều tranh cóp từ hồi nẳm đến nay chưa thanh lý được". Anh Tiến và nhiều họa sĩ khác ở Quy Nhơn ai ai cũng có hàng tồn kho để tự xem rồi tự… cất! Những bức tranh in chất lượng cao, giá mềm của các họa sĩ nổi tiếng khắp thế giới đã bóp nghẹt tranh chép bằng cọ. Một chủ hiệu vẽ khác trên đường Lê Hồng Phong (Quy Nhơn) tỏ ra... hoàn cảnh hơn: "Nếu chỉ sống bằng nghề vẽ truyền thần, chép tranh chắc mình phải ăn... cám mất. Hiệu vẽ cũng là nhà của tôi nhờ ở mặt tiền phố lớn nên tôi nhận làm thêm bia mộ và phục chế ảnh bằng vi tính. Thì cũng sống được".
* Đến bình minh tranh chép
"Hết cơn bĩ cực tới ngày thái lai". Dường như dấu hiệu phục hồi của nghề chép tranh đang trở lại.
Chúng tôi tìm đến nhà Lê Sơn Tứ trong một con hẻm thật sâu thuộc KV3 phường Đống Đa (Quy Nhơn), một thợ chép có hạng trong nước với hơn hai ngàn họa phẩm bao gồm cả chân dung, tranh cóp… vẽ bằng sơn dầu trên vải bố bởi đơn đặt hàng liên tục suốt 20 năm qua. Bên bức tranh thực hiện lở dở, ngổn ngang sơn màu với đủ các cỡ cọ, anh nói như reo: "Người đặt chép tranh để trang trí nội thất giá vài triệu đồng mỗi bức bắt đầu nhiều lên rồi đấy. Tranh in đã lỗi thời và được xem là không điệu nghệ". Khi được hỏi đến việc chép tranh lụa, tranh thủy mặc, Tứ cho biết thêm: "Tôi hành nghề ở thành phố du lịch Nha Trang 2 năm, ở thị trường TP.HCM nhiều năm nữa nhưng tôi ít thấy ai chép tranh thủy mặc vì khó mà có đủ kiên nhẫn để theo sát bản gốc. Sự bàng bạc tán xạ của các sắc thái màu đặc thù ở thể loại tranh đặc trưng này là điều quá công phu. Riêng tranh lụa thì hiện nay người ta chép bằng sơn dầu trên vải mỏng như xoa, vải xá xị… nhưng phải đạt đến cảm giác thưởng thức như màu nước vẽ trên lụa mịn ở tranh lụa truyền thống".
Nghe kể, cuối năm 2003 Lê Ân nhận chép bức Mùa thu vàng kích thước 1,2m x 1,8m với giá 1,8 triệu đồng. Anh cũng vừa nhận chép một bộ tranh 4 bức có đề tài sinh hoạt nông thôn Việt Nam với giá "hữu nghị" vì thân chủ là người nước ngoài muốn có kỷ niệm ở Việt Nam: 2,4 triệu đồng, và một vài đơn đặt hàng gần đây nhất chép theo điển cố nhà Phật. Lê Sơn Tứ cũng nhận được mấy hợp đồng trang hoàng nhà cửa từ các tỉnh lân cận và từ các quán cà phê ở Quy Nhơn. Có một điểm lạ chung nhất đáng lưu ý ở các cây cọ kể trên: đều học vẽ tại Quy Nhơn, thi triển tài năng ở TP.HCM. Người ít nhất 2 năm, nhiều nhất 7 năm và người nào cũng có học trò là dân Nam bộ. Giai đoạn "nghỉ xả hơi" đang chuẩn bị chấm dứt. Những cây cọ chép đang chuốt lại công việc của mình, thu vén góc vẽ, đón nhận những hợp đồng mới.
Tiếng tăm của những nhà vẽ gạo cội như Phạm Sĩ, Thạc Đức, Đỗ Lê, Tân Phong… nay đã lùi sâu vào thời quá vãng. Nói cho đúng thì Thạc Đức và Đỗ Lê thì vẫn còn đấy nhưng đó chỉ là cái tên. Lĩnh vực hoạt động mạnh nhất của những "nhãn hiệu" lừng danh một thời nay là quảng cáo, chuyện chép tranh hay vẽ truyền thần nếu như có cũng chỉ là thảng hoặc. Ngay cả khi đã có dấu hiệu phục hưng thì thợ chép tranh nay cũng không xem nặng chuyện cửa hàng, bảng hiệu nữa. Khuất thân trong những căn phòng nhỏ họ chia sẻ niềm đam mê của mình với người đời bằng những tác phẩm chép lại. Cũng có một hai người cao hứng sáng tác nhưng đó cũng chỉ là cao hứng. Như đã nói ở trên họ khiêm nhường tự nhận - họ không phải là họa sĩ, họ chỉ là thợ chép mà thôi.
. Trần Hoàng |