Do chưa có phương pháp sấy thuốc lá không dùng đến củi mà những vùng nguyên liệu thuốc lá trọng điểm của Bình Định đành phải "ô hô". Loại cây trồng một thời đã tạo nên nhiều "triệu phú nông dân" nay đang trên đà đứt bóng. Theo đó, hàng trăm ha đất chuyên canh cây thuốc lá dọc sông Kôn giờ đành nằm hoang hóa…
* Đứt bóng một vùng thuốc lá
|
Vườn ươm thuốc lá giống |
Trở lại HTXNN Thượng Giang (Tây Giang-Tây Sơn), một vùng trước đây được xem là vùng nguyên liệu thuốc lá trọng điểm. Gọi là vùng thuốc lá trọng điểm bởi hầu hết những hộ dân ở đây đều lấy nghề trồng thuốc lá nâu để làm giàu. Thuốc lá trồng trên đất này cho hương vị đặc biệt. Màu thuốc tươi, rất đẹp và vị thuốc thơm. Thị trường đánh giá cao loại thuốc lá do vùng này cung cấp. Không ai giải thích được vì sao cũng giống thuốc ấy, cũng được chăm sóc cùng với một qui trình, được trồng chỉ cách đó chừng 3.000 mét thôi nhưng không thể có được màu, vị ấy, giá ấy. Nhưng lạ hơn nữa là mọi chân đất ở đây, từ đất vườn, đất đồi gò đến đất đồi núi đều trồng được thuốc lá và cho năng suất cao, không loại cây trồng nào đọ được. Do đó, vào những năm cao điểm, trên vùng đất này đã có đến 600 ha đất trồng thuốc lá nâu. Hàng trăm héc ta đất bãi bồi tưởng găm cây gì xuống cũng sống khỏe, vậy mà không. Trên dải đất nằm dọc sông Kôn dài đến 4-5 km, bãi bồi đấy nhưng người ta chẳng thể trồng được loại cây gì ra tấm ra cám. Hóa ra cái thẻo bồi này rất... kén chọn, nó mỏng dánh và chỉ cây thuốc lá là ghim chân đứng vững và sống tốt được trên đó.
Nhiều nông dân ở đây cho biết việc trồng thuốc lá nâu rất đơn giản, chỉ ươm cây con rồi trồng thẳng chứ chẳng cần phải ứng dụng kỹ thuật gì phức tạp, trồng quảng canh là chính. Mức đầu tư phân bón cũng chẳng có là bao, mỗi sào thuốc chỉ cần bón khoảng 10 kg phân các loại/vụ. Công làm cũng chỉ tốn khoảng 12 công cuốc cỏ 3 lần/vụ. Khi cây thuốc được 3-4 tháng tuổi thì đến kỳ thu hoạch. Chu kỳ thu hoạch của cây thuốc lá nâu là 6 lứa/vụ, năng suất bình quân là 1 tạ thuốc/sào. Đầu ra của thuốc lá những năm trước rất ổn định, nó được các công ty săn đón, mà đứng đầu là Công ty nguyên liệu thuốc lá Nam. Giá cả của cây thuốc lá lúc ấy được tính bằng vàng! Chỉ cần bán 2 kg thuốc loại 1 là có thể sắm được nửa chỉ vàng ngon ơ. Cây thuốc lá thời ấy có thể dùng để đổi xe máy, đổi vật liệu xây dựng. Chính loại cây trồng này đã làm đổi đời cho nhiều hộ nông dân ở đây. Bởi dù là một địa phương thuần nông nhưng do đây là một vùng đất bán sơn địa nên rất nghèo quỹ đất sản xuất, mỗi nhân khẩu được chia không đến 500 m2, năng suất lại rất kém: chỉ đạt khoảng 22-23 tạ/ha nên nếu không có cây thuốc lá thì đến giờ chưa chắc được mấy hộ có nhà cửa khang trang.
Những người dân Thượng Giang đến giờ vẫn cho rằng cây thuốc lá nâu chính là "vị cứu tinh" của họ trong giai đoạn ấy. Họ kể: có không ít người nhanh chóng trở thành triệu phú nhờ thuốc lá nâu như hộ ông Hoàng và ông Cưỡng ở thôn Hữu Giang. Những hộ này mỗi vụ thu đến 3-4 tấn thuốc, đây là một tài sản được tính bằng vàng… ký!
Thế rồi rất bất ngờ, thuốc lá tuột giá. Nếu thời cao điểm thuốc lá có giá 12.000đ/kg thì trong những năm gần đây, thuốc lá loại 1 chỉ còn đứng ở giá 5.000-6.000 đồng/kg, thuốc ở các chủng loại thấp hơn bình quân chỉ có khoảng 3.500đ/kg. Tuy nhiên theo ông Trần Đình Thọ - Chủ nhiệm HTXNN Thượng Giang - thì với cái giá ấy người nông dân vẫn còn sống khá. So với các loại cây trồng như mì, mía thì hiệu quả của cây thuốc lá cho vẫn cao hơn. Ông Thọ tính toán: Nếu sản xuất mì hoặc mía thì thu được khoảng 400.000 đồng/sào/năm. Thế nhưng chi phí bỏ ra đã hơn 1/2 số ấy nên người nông dân chẳng còn lại là bao. Trong khi đó nếu tính bình quân giá thuốc lá 4.000đ/kg thì mỗi sào đất cũng thu được 320.000 đồng mà chi phí chẳng có là bao. Đó là tính toán trên vùng đất xấu chứ ở những vùng đất khác thì mức thu nhập còn cao hơn nữa. Đầu ra của cây thuốc lá trong giai đoạn này dù không còn mạnh nhưng vẫn khá ổn định.
Thế nhưng đến cuối năm 2002, thị phần thuốc lá nâu... thu hẹp, Cty nguyên liệu thuốc lá Nam tuyệt đối không còn thu mua loại thuốc lá nâu nữa. Đầu ra đã thật sự bị "tắt" nên cây thuốc lá nâu trên vùng đất này cũng bị "khai tử", có còn chăng chỉ là một ít cây được trồng làm "hàng rào" lấy lá cho các lão nông đã "nghiện" cái hương vị đặc biệt của loại thuốc lá được trồng trên vùng đất quê nhà.
* Nông dân mơ kiểu lò sấy mới
Hàng trăm ha đất bãi bồi dọc sông Kôn ở HTXNN Thượng Giang (Tây Sơn) có nguy cơ hoang hóa, đó là một hiểm họa đang chực chờ. Anh Nguyễn Văn Tánh - một nông dân ở Thượng Giang - cho biết: "Đất ở đây chỉ cho hiệu quả kinh tế cao khi được trồng thuốc lá. Hàng chục năm nay chưa nghe thấy có loại cây nào qua mặt được nó. Không trồng được thuốc lá coi như hàng trăm ha đất phải chịu bỏ hoang. Như gia đình tôi có 2 sào, nếu như trước đây mỗi vụ thuốc kiếm được hàng triệu đồng từ cây thuốc lá nâu thì bây giờ sau mỗi mùa lụt chỉ trồng được rau cải trong khoảng thời gian 10-15 ngày (vì khi lớp phù sa mỏng do lụt bồi lấp đã trôi đi, chỉ còn trơ cát thì không trồng được nữa), nếu bán chỉ kiếm được vài chục ngàn đồng! Giá như trồng lại được cây thuốc lá!". Anh Tánh thở dài tiếc nuối.
Ông Trần Đình Thọ - Chủ nhiệm HTXNN Thượng Giang nói thêm: "Hiện cây thuốc lá sợi vàng vẫn đang còn tồn tại một ít diện tích trên đất Tiên Thuận (Tây Thuận). Người trồng thuốc lá sợi vàng hiện nay vẫn được Cty nguyên liệu thuốc lá Nam thu mua với giá 20.000đ/kg (loại 1) và loại thấp nhất cũng được 10.000đ/kg. Mỗi ha có thể thu nhập từ 30-40 triệu đồng/vụ. Tuy nhiên, địa phương chúng tôi không dám khuyến khích bà con trồng là vì khi canh tác thuốc lá sợi vàng phải dùng đến lò sấy. Mà lò sấy là phải ngốn củi, sẽ gây nên chuyện phá rừng bởi cứ 0,5 ha thuốc phải cần đến 1 lò sấy, và cứ 1 lò sấy mỗi đêm phải đốt đến 1,5 ster củi. Giá có phương pháp sấy thuốc mà không đụng đến củi thì địa phương chúng tôi có thể khôi phục được truyền thống trồng thuốc lá, đời sống của người dân sẽ lại được sung túc có khi còn hơn cả thời hoàng kim xưa kia".
Với người dân xã Cát Lâm (Phù Cát) thì sự tiếc nuối này càng lớn hơn. Bởi cách đây chưa lâu, người nông dân xã này cũng đã từng giàu có lên nhờ trồng cây thuốc lá sợi vàng. Đây là một vùng đất cằn cỗi mà trước đây chỉ có cây le mới sống nổi nên có tên gọi là vùng Lỗ Le. Canh tác cây lúa thì năng suất cho không đủ ăn. Năm 1998, HTXNN vận động bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang chuyên canh cây thuốc lá. Và loại cây trồng này đã giúp cho nhiều hộ nông dân đổi đời. Ông Trần Cư Tân, một nông dân xã Cát Lâm cho biết: "Với 6 sào đất ruộng và 3 sào đất vườn, vụ đầu tiên trồng thuốc lá đã có lãi 10 triệu đồng. Sau vụ thuốc, nhờ dư lượng phân còn lại làm thêm được 2 vụ dưa leo. Tổng kết cả năm ấy thu được trên 40 triệu đồng...". Ông Cư nhẩm một hồi rồi tiết lộ muốn có chừng ấy tiền, nếu làm lúa trên đất này phải đến 40 năm mới dành dụm được! Thế nhưng ngày vui dài chẳng tày gang. Vùng thuốc lá này nhanh chóng bị "biến" mất do làm ảnh hưởng đến rừng. Để sấy toàn bộ diện tích thuốc lá ở đây, người dân đã xây dựng đến 24 lò sấy mà nhiên liệu là bằng củi. Ông Nguyễn Văn Tuấn - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Phù Cát cho biết: "Thời "vàng son" của cây thuốc lá sợi vàng, 24 lò sấy ở Cát Lâm mỗi năm phải đốt hết 1.000 ster củi. Ban đầu người trồng thuốc tạo nhiên liệu bằng cách thu gom củi vườn hoặc nhờ vào nguồn thực bì của các cánh rừng thương mại. Khi những nguồn này đã cạn thì họ liền tìm đến rừng để giải quyết nhu cầu nhiên liệu cho những lò sấy thuốc. Thấy người dân trồng cây thuốc giàu có hẳn lên chính mình cũng vui. Vui thật đấy. Nhưng nó cũng gián tiếp gầy nên phong trào phá rừng". Thế là cấm, là hết củi. Khói lò thuốc tắt ngúm cũng là lúc nông dân thở dài âu lo. Nghe nhà báo hỏi chuyện, cũng như nông dân ở Tây Giang, nhiều nông dân ở Cát Lâm chống cằm ao ước - Giá có cơ quan khoa học nào chế được cái lò sấy thuốc lá không dùng củi, gỗ nhỉ...".
Nhà nước đang vận động hạn chế hút thuốc lá, nhưng không hạn chế phát triển vùng nguyên liệu thuốc lá, sản xuất thuốc lá. Thuốc lá vẫn cứ phải tồn tại như một thực tế và người trồng cây thuốc vẫn cần được giúp đỡ. Một kiểu lò sấy mới không sử dụng củi gỗ làm nhiên liệu, có thể coi như là một đơn đặt hàng của nông dân dành cho các nhà kỹ thuật.
. Vũ Đình Thung
* Vụ thuốc lá 2002-2003 cả tỉnh Bình Định có 270 ha. Vụ 2004 giảm còn 250 ha diện tích đất trồng thuốc lá. Huyện trồng thuốc lá nhiều nhất là Phù Cát và Tây Sơn.
* Hầu hết giống thuốc lá được chọn canh tác là thuốc lá sợi vàng, thuốc lá sợi nâu không được gieo trồng vì không tiêu thụ được.
* Giá bán nguyên liệu thuốc lá được Trạm nguyên liệu thuốc lá Bình Định niêm yết giá từ đầu vụ. Thuốc lá sợi vàng được chia làm 18 loại, theo đó giá thu mua sẽ nâng dần từ 4.500đồng/kg - 19.000 đồng/kg (thuốc lá đã sấy). Đây là mức giá đã ổn định trong khoảng 5 năm gần đây.
* Thuốc lá sợi vàng trồng trên chân đất Bình Định đạt năng suất bình quân 1,7 tấn/ha - 1,8 tấn/ha.
. Anh Tú |
|