Trong những năm qua, Công ty cổ phần Đường Bình Định (BISUCO) đã có nhiều cố gắng trong việc ký hợp đồng tiêu thụ nông sản cho nông dân nhưng đến vụ ép mía 2003-2004, nhiều bản hợp đồng giữa BISUCO và nông dân đã bị phá vỡ. Điều đó cho thấy: giữa BISUCO và nông dân vẫn chưa tìm được tiếng nói chung.
Còn nhớ vụ ép mía năm 2001-2002, cuộc chiến mía đường giữa BISUCO với Nhà máy đường An Khê đã xảy ra khá gay gắt ngay tại vùng nguyên liệu mía do BISUCO đầu tư. Mặc dù đã ký hợp đồng với BISUCO, nhưng nhiều nông dân đã đốn mía cây bán cho Nhà máy đường An Khê khi nhà máy này nâng giá thu mua lên cao. Sau đó, BISUCO đã phối hợp với chính quyền các địa phương vận động nông dân thực hiện đúng cam kết như đã ký trong hợp đồng, đồng thời tự mình khắc phục những hạn chế trong khâu thu mua nguyên liệu mía. Những tưởng mọi việc sẽ êm xuôi sau những nỗ lực của BISUCO, nhưng sự việc lại diễn biến theo chiều hướng ngược lại, tình trạng phá vỡ hợp đồng lại diễn ra. Hàng ngàn tấn mía trong vùng nguyên liệu của mình chạy ngược lên An Khê đã làm cho nhiều lãnh đạo BISUCO lo lắng. Ông Thái Vĩnh Trường, Giám đốc Xí nghiệp nguyên liệu mía BISUCO nói với chúng tôi: "Nếu tình hình này tiếp tục xảy ra thì sẽ ảnh hưởng đến kế hoạch sản xuất, kinh doanh của Công ty trong năm nay".
|
Gia đình ông Bùi Văn Đại, nông dân ở thôn Nam Giang (Tây Giang - Tây Sơn) thu hoạch mía bán cho Nhà máy đường An Khê |
Đây không phải là lần đầu tiên nông dân không tuân thủ đúng hợp đồng đã ký với BISUCO. Sự việc này đáng lẽ ra phải được chấm dứt từ lâu nhưng do không có biện pháp giải quyết thấu tình đạt lý nên bệnh cũ lại tái phát. Đối với nông dân, trồng được cây mía đã cực khổ, thế nhưng bình quân 1 ha mía chỉ thu lãi khoảng 3 triệu đồng/năm, chưa tính công cán thì quả là thấp. Đã thế, đến kỳ mía chín, họ lại phải chờ đợi Công ty thu mua, nên đâm ra chán nản, nhiều hộ đã không còn mặn mà với cây mía. Niên vụ 2002-2003, một nông dân ở vùng trọng điểm nguyên liệu mía đã dứt lòng cày ruộng mía vì uất. Mía chờ xe, mía chờ phiếu đốn, mía chờ vào bàn cân... Những buồn bực tích tụ trong lòng người nông dân chẳng dễ phôi pha. Thế nên khi mía có giá, nhiều người bước qua hợp đồng đã ký mà không hề tính đến những hệ lụy đằng sau. Một nông dân ở Khu kinh tế Thành Gai (Nhơn Thọ) kể: "Năm ngoái, đường rớt giá, nhà máy càng ép càng lỗ, thế nên nhà máy ép cầm chừng. Mía chín để lâu trên đồng, hao chữ đường ghê lắm... Rốt cuộc chỉ chúng tôi chịu thiệt. Nay cũng phải tính sao để bù lại cho chúng tôi chứ. Hợp đồng cái gì, lúc chúng tôi không bán được mía có thấy ai nói gì đến cái hợp đồng ấy đâu?"
Về phía BISUCO do không đủ năng lực và thiếu phương tiện vận chuyển nên đã không thu mua mía kịp thời, gây thiệt hại cho nông dân. Các điều khoản trong bản hợp đồng chưa được cụ thể, chẳng hạn trong bản hợp đồng của công ty có ghi trách nhiệm bên B phải đảm bảo mía sạch, không có tạp vật, không lẫn ngọn, lá xanh, nhưng không ghi rõ thế nào là mía sạch, tỷ lệ trừ tạp chất là bao nhiêu là vừa để nông dân biết… Những điều khoản ít chặt chữ đã làm khổ cả hai bên.
Trên cơ sở xác định mặt hàng, bên mua, bên bán, Sở NN-PTNT đã đề ra 7 giải pháp chủ yếu để thực hiện có hiệu quả chính sách tiêu thụ nông sản hàng hóa, trong đó có giải pháp nâng cao tính pháp lý trong ký kết, thực hiện, xử lý các vi phạm hợp đồng, nhưng đáng tiếc giải pháp này chưa được BISUCO và nông dân áp dụng. Ông Võ Khái, Phó tổng giám đốc BISUCO cho biết: "Hiện nay, chưa có chế tài phù hợp để ràng buộc các đối tác tham gia hợp đồng, nên việc xử lý các trường hợp vi phạm hợp đồng rất khó khăn." Trong tình hình như hiện nay, BISUCO và nông dân cần phải thực sự hiểu nhau, vì lợi ích chung của đôi bên. Riêng đối với BISUCO, cần điều chỉnh giá cả nông sản kịp thời và hợp lý hơn, khắc phục hạn chế trong công tác tiêu thụ nông sản cho nông dân; tăng cường công tác tuyên truyền, làm chuyển biến nhận thức trong nông dân về nội dung hợp đồng kinh tế, từng bước thay đổi tập quán sản xuất cũ, chuyển nhanh sang sản xuất hàng hóa theo quy hoạch của tỉnh; củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động dịch vụ của các HTX hiện có. Còn đối với nông dân, không nên thấy lợi trước mắt mà làm ăn theo kiểu ăn xổi ở thì, cần phải nghiêm túc thực hiện đúng hợp đồng đã ký kết.
. Phạm Tiến Sĩ
Ông Lưu Ngọc Cường, Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh: Nguyên nhân dẫn đến việc nhiều nông dân ở huyện Vĩnh Thạnh tự phá vỡ hợp đồng với BISUCO, bán mía cây cho Nhà máy đường An Khê trước nhất là do nhận thức của nông dân về Nghị định 80 còn nhiều hạn chế. Nguyên nhân tiếp theo là do BISUCO chưa khắc phục được những bất cập trong cơ chế thu mua nguyên liệu. Khi ruộng mía của nông dân chín, họ muốn giải phóng mía để tái sản xuất cho kịp thời vụ, nhưng phải chờ đợi phiếu đốn, phương tiện vận chuyển… không những gây phiền hà mà còn ảnh hưởng đến thu nhập và thời vụ sản xuất của nông dân, nên nhiều nông dân rất bức xúc về vấn đề này. Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị với BISUCO khắc phục nhanh tình trạng trên, nhưng đến nay sự trì trệ trong công tác thu mua nguyên liệu của BISUCO vẫn chưa tiến triển. Thời gian qua, huyện cũng đã có nhiều nỗ lực trong công tác tuyên truyền vận động nông dân thực hiện Nghị định 80 của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, theo tôi thì đây chỉ là giải pháp tình thế, còn về lâu về dài, BISUCO phải khắc phục những bất cập trong cơ chế thu mua, đảm bảo lợi ích giữa đôi bên, có thế mới hy vọng chấm dứt được tình trạng nông dân tự phá vỡ hợp đồng như hiện nay.
Ông Trương Thiên Thành, Chủ tịch UBND huyện Tây Sơn: Chúng tôi sẽ tăng cường phổ biến kiến thức, làm chuyển biến nhận thức của nông dân về thực hiện Nghị định 80 của Thủ tướng Chính phủ. Về phía BISUCO, cần phải triển khai các chính sách phát triển vùng nguyên liệu một cách đồng bộ, phân chia ranh giới vùng nguyên liệu mía một cách rõ ràng, không tranh mua nguyên liệu mía với các Nhà máy đường khác. Hiện nay, hiệu quả kinh tế của cây mía còn thấp, nên BISUCO cần phải hỗ trợ cho nông dân về nhiều mặt, nhất là vấn đề về giống, và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, nâng cao thu nhập cho nông dân.
| |