Đến Tuy Phước, người ta dễ dàng thấy trước nhà một người dân nào đó vài cây cảnh, chậu hoa. Mỗi thế cây, mỗi kiểu dáng là hiện thân tâm hồn của nghệ nhân, của con người với bản sắc riêng của một vùng văn hóa có truyền thống từ bao đời nay. Đó là tiềm năng và tiềm năng đó đã có cơ hội phát triển trong xu hướng phát triển kinh tế hiện nay.
* Tiềm năng đã tích tụ
Đến thăm vườn cây cảnh của nghệ nhân Dương Khắc Long ở xã Phước Nghĩa, tôi mê mẩn bởi thế giới cây cảnh phô vẻ đẹp dưới ánh nắng chiều.
Anh Long bắt đầu chơi cây từ năm 1980 và vườn cây, kinh nghiệm của anh cũng tạo lập từ đó. Hiện nay, vườn cảnh của anh có hơn 150 chậu các loại, giá trị của vườn cây theo ước tính của anh khoảng 200 triệu đồng. Từ đầu năm đến nay, anh đã bán ra thị trường 30 cây thế các loại, cây có giá trị cao nhất là 6 triệu đồng. Anh nói cây sanh 40 năm tuổi ở góc hiên nhà anh người ta đã trả đến 12 triệu đồng nhưng anh chưa muốn bán.
|
Anh Tiến (Phước Nghĩa - Tuy Phước) đang cắt tỉa cây cảnh |
Tuy Phước là vùng có truyền thống chơi cây kiểng từ lâu đời, cây me nhà anh Trừng ở Phước Lộc có tuổi thọ đến 90 năm. Đây là một nét văn hóa quý báu vì tinh thần thẩm mỹ là cái tích tụ mà thành tinh hoa chứ không phải ngày một ngày hai mà hình thành trong con người được. Anh Long là một trong 9 nghệ nhân được tỉnh công nhận. Đội ngũ người chơi cây ở Tuy Phước khá đông đảo, theo lời anh Long, riêng ở Phước Nghĩa thôi đã có đến 50% hộ chơi cây cảnh và có 10 hộ có vườn cảnh quy mô lớn. Hội Sinh vật cảnh (SVC) hiện có 100 hội viên và, theo lời ông Từ Hải, Chủ tịch Hội SVC huyện, Hội dự kiến phát triển từ 200-300 hội viên mới trong thời gian tới. Ngoài các nghệ nhân, đa số người chơi cây đã mở rộng phong cách, chuyển từ xu hướng độc thế sang đa thế, phối thế. Phong trào chơi cây cảnh hiện nay phát triển mạnh ở thị trấn Tuy Phước, Diêu Trì, các xã Phước Lộc, Phước Nghĩa, Phước Hiệp với nhiều vườn cây cảnh có quy mô lớn và giá trị kinh tế cao. Mấy năm trở lại đây, cây cảnh Tuy Phước được các tỉnh phía Bắc tiêu thụ mạnh, các loại cây được ưa chuộng là sanh, lộc vừng, mai, me với giá rất cao nếu như cây đẹp. Loại hình cây trang trí, cây bon sai cũng được tiêu thụ mạnh, giá cả cao.
* Để phát triển mạnh tiềm năng
Xu hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng hiện nay định hướng cho người dân trồng những cây có giá trị kinh tế cao theo yêu cầu thị trường. Nếu một cây cảnh bán với giá 10 triệu đồng thì giá trị của nó gần tương đương với 10 tấn lúa. Hội SVC đang đẩy mạnh hoạt động để thu hút nhiều người tham gia phong trào trồng cây cảnh, có cơ hội tạo thêm việc làm, tăng thu nhập. Mối quan tâm hàng đầu hiện nay là giải quyết cho được mối quan hệ giữa người trồng cảnh và thị trường. Để làm được điều này, trong khi nguồn cây đào ở rừng ngày càng ít đi, người chơi cây phải dưỡng cây, tạo thế từ cây con, thì việc tập huấn kỹ thuật nhân giống từ công nghệ sinh học để tạo nguồn cây ổn định, lâu dài cho người trồng cây là vấn đề hết sức quan trọng.
Theo đánh giá của Hội SVC huyện, người trồng cây ở Tuy Phước chủ yếu ở trình độ bán chuyên nghiệp, do vậy tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng và tạo những điều kiện khác để hình thành đội ngũ chuyên nghiệp, có thể sống bằng nghề này là điều hết sức quan trọng hiện nay. Từ phía người tạo ra sản phẩm cây cảnh, việc tiêu thụ sản phẩm đúng với giá trị của nó là điều sống còn đối với họ, do vậy việc hình thành một tổ chức với mục đích tổ chức tiêu thụ và thông tin cho người trồng những thông tin thị trường về yêu cầu sản phẩm để định hướng cho người trồng cây cũng hết sức cần thiết.
. Ngô Hồng Sơn |