Mặc dù đang gặp nhiều khó khăn nhưng cổ đông và Hội đồng quản trị của Công ty Cổ phần Hàng hải Bình Định vẫn quyết định thực hiện Hệ thống quản lý an toàn cho công ty và tàu biển (ISM CODE) do Tổ chức Hàng hải quốc tế thống nhất. Theo quy định của Tổ chức Hàng hải quốc tế chỉ những công ty, đội tàu đạt chuẩn ISM CODE mới được phép hoạt động viễn dương trên những vùng biển quốc tế, những đơn vị, tàu không đạt chuẩn này chỉ được phép hoạt động nội địa. Tương tự như Công ty Cổ phần Hàng hải Bình Định, với chiến lược xâm nhập vào thị trường khó tính nhưng giàu tiềm năng Hoa Kỳ, Công ty Cổ phần thủy sản Hoài Nhơn cũng triển khai bộ tiêu chuẩn đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm - HACCP trong hệ thống các xưởng sản xuất của mình. Với chứng nhận hợp chuẩn HACCP việc đàm phán bán hàng sẽ dễ dàng hơn và khách hàng cũng sẽ thêm tin tưởng vào thương hiệu sản phẩm của công ty.
Hai trường hợp kể trên là những ví dụ điển hình về tính tất yếu của việc tiêu chuẩn hóa hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp khi môi trường kinh doanh yêu cầu. Việc phải tiêu chuẩn hóa gần như trở thành vấn đề sống còn nếu muốn tồn tại và phát triển mạnh hơn. Tiêu chuẩn hóa hoạt động sản xuất kinh doanh sẽ có tác động xã hội rất lớn. Khi yếu tố ngẫu nhiên chi phối làm ảnh hưởng đến chất lượng công việc giảm xuống đến mức độ thấp nhất, chất lượng sản phẩm sẽ ít bị ảnh hưởng hơn.
Bình Định là một trong những tỉnh đầu tiên ở miền Trung xây dựng kế hoạch triển khai các bộ tiêu chuẩn, nhưng thực tế áp dụng thì lại chậm trễ và tỏ ra mau chóng bị đuối sức hơn các tỉnh lân cận. Vấn đề áp dụng hệ thống quản lý chất lượng vào trong sản xuất kinh doanh, quản lý hành chính hiện nay đã trở thành vấn đề sống còn. Rất dễ nhìn thấy những thiệt hại, mất mát khi chúng ta chậm chân.
. Đ.A
|