Nghề sửa giày
15:33', 27/4/ 2004 (GMT+7)

Một đôi giày đẹp dễ khiến người đi nó trở nên mạnh mẽ, sang trọng và thật hấp dẫn. Và dù bạn đi giày tiền triệu hay ít hơn mười lần bạn đều phải đánh xi cho bóng, bền. Khi giày "trở bệnh" thì có nghĩa là bạn phải cấp tốc đến gặp thợ sửa giày.

* Gương mặt nghề giày

Một tiệm sửa giày trên đường Phan Đình Phùng (Quy Nhơn)

Khánh, một thợ sửa giày ở phường Đống Đa (Quy Nhơn) đã có 17 năm "tu luyện" trong nghề cha truyền con nối, cho hay: "Muốn trở thành một người thợ sửa giày giỏi, trước tiên phải là một thợ đóng giày đẹp. Dù tố chất này có vẻ như ngày càng mai một trong việc đào tạo thợ giày hiện nay, nhưng tôi khẳng định chỉ có sự lành nghề, sáng tạo mới có thể bảo chứng uy tín và danh tiếng của mình".

Một người bạn công chức sống bằng nghề sửa giày tay trái ở thị trấn Bồng Sơn cho biết thêm: "Chỉ có dép nhựa mới có size lỡ cỡ. Quy định này không có ở giày da! Một size giày chênh lệch 5 ly chiều dài, 3 ly bề rộng. Nếu chân bạn có cỡ "38,5": mua số 39 thì rộng, đi bộ dễ tuột; mang số 38 lại chật, thường xuyên bị cảm giác đau chân chi phối. Cách đơn giản để khắc phục sự "lỡ làng" này là lót thêm lớp mút đệm dày 5 mili (đối với size 39). Còn trường hợp chật hoặc chân hơi mập ngang thì người ta thoa nước vào mặt da bên trong để tăng thêm độ đàn hồi. Dùng "phôm" (chân giả bằng gỗ hoặc nhựa) có kích số lớn hơn giày một chút "nống" vào cho da giãn ra. Mất khoảng 3 giờ nữa để da "chết". Vậy là bạn đã có một đôi giày với size như ý. Cả hai trường hợp trên khách dùng giày chỉ tốn thêm 5-10 ngàn đồng, bao cả đánh xi".

Bất cứ ai ở Quy Nhơn lâu năm đều không thể bỏ qua gương mặt quen thuộc của "lão" Khóa sửa giày dép, kể cả những người vãng lai ở xa như TP.HCM, Đắc Lắc, Gia Lai. Dưới gốc bồ đề trên vỉa hè Phan Đình Phùng trông lão giống một "khô thiền đại sư" hơn là một thợ sửa giày vang lừng tên tuổi với hàng chục năm trong nghề, "lão" kể: "Dọc theo mưu sinh, tôi gây dựng nghề nghiệp và "ngồi lì" ở vỉa hè này từ năm 1978. Cũng bị đuổi tới đuổi lui nhiều lần nhưng nghèo quá nên… "người ta" thông cảm. Thoạt kỳ thủy, suốt ngày làm dép lốp hoặc thay quai. Tiếp đến là một quãng dài sống bằng công việc sửa chữa, đóng mới giày sapô. Nghĩ lại mà vui, thời ấy nam nữ đều "trang phục chân" giống nhau một phách!.. Rồi khách hàng tín nhiệm ngày một đông hơn. Đến nỗi nhiều khi muốn rứt khỏi công việc để đi tìm một ly cà phê cũng khó…". Bàn tay lem luốc này vừa bỏ ống keo xuống bàn tay kia liền bật nút điện môtơ để tiếp tục đánh bóng một đôi giày hư da đến hẹn với khách, Khóa nói tiếp: "Nghề "phủi bụi" này nhìn sơ qua thì đơn giản thế đấy, nhưng muốn tinh nghề thì "đệ tử" theo học phải mất 3 năm. Riêng cách cầm dao gọt đế và may đế (máy lẫn tay) cũng mất 1 năm. Kế đến là xe chỉ luồn kim, cách ra da và tạo thành "mũ" giày. Rồi đến lắp ráp… Muốn ra chiêu thuần thục cần luyện mỗi "thức" từ nửa năm đến 1 năm để đạt mức thẩm mỹ cùng kỹ xảo của một đôi giày "không chê vào đâu" được. Tôi đào tạo ngót 30 đệ tử ở nhiều tỉnh nhưng nhìn chung lớp trẻ bây giờ chẳng mấy ai chịu học lên như vậy. Họ thích cái gì cũng nhanh, trong vòng sáu tháng mà thôi! Ở Quy Nhơn có nhiều thợ là cao thủ sửa giày giỏi. Nhiều người vào làm ở các công ty hoặc làm thuê ở các hiệu giày".

* Giày và người

Ở sân bay Quy Nhơn bày bán rất nhiều loại giày 35.000 đồng/ đôi. Đó là giày simili do một số tư nhân "hẻm hóc" ở Sài Gòn sản xuất, nhằm tận dụng simili rẻo, lao động rẻ. Loại này mang đau chân, hư bỏ chứ không sửa được như nhiều thợ sửa giày đã khuyến cáo. Lúc đầu người tiêu dùng chưa biết nên họ bán với giá cắt cổ: 80.000 đến 100.000 đồng/đôi." Nhưng đó là phụ liệu bằng "si" rẻo và do tư nhân biết tận dụng để sản xuất, còn ở ta chuyện này đã đẩy lên mức lãng phí. Một bạn nữ làm việc ở một công ty giày cho biết: "Trước kia công nhân thường "chôm" da của xưởng đem về nhà để sửa giày mình hoặc đổi cà phê uống chơi, nhưng tôi thấy hiện nay chẳng ai làm vậy. Rẻo bỏ không ít, nhiều rẻo lớn gần bằng một "bia" ("bia" da có khổ 30 x 30 cm). Nếu tận dụng để đóng giày thì sẽ đóng được khối đôi. Dù giá "bia" có rẻ hơn trước nhưng tôi vẫn thấy sự lãng phí của công ty là lớn!"

Đi thì biết, các thợ sửa giày đều có đối tượng cao thấp để phục vụ và cách chinh phục khách hàng rất riêng của mình. Một thợ sửa giày dép ở chợ Đầm cười vui vẻ: "Từ thượng vàng đến hạ cám tôi đều không chê loại nào. Đánh xi cho khách sộp thường là giới chức, giá 3.000 đồng/lần nhưng phải đánh kỹ, đánh mỏi mới dừng. Họ luôn đưa tờ xanh 5.000 đồng và bảo khỏi thối. May quai giày cho chị em phụ nữ nơi này giá cũng mềm mại lắm, chỉ 1.000-2.000 đồng. Còn đối với dép nhựa của dân lao động bươn chải thì tôi vá cho họ bằng mỏ hàn vùi trong chiếc lò độ từ vỏ đạn này. Ông thấy đấy, công đổi lại là một ly trà đá hoặc một điếu thuốc dưới hàng "Con Ngựa"! Tuy ngồi vỉa hè nắng nóng, cực khổ nhưng tôi thấy rất vui vì có việc làm suốt ngày, đủ tiền nuôi con ăn học". Thế mới biết niềm vui của thợ sửa giày không dừng lại ở biên độ kiếm tiền mà còn đi sâu hơn vào gốc gia đình! Và giày của một số người nổi tiếng chưa hẳn đã dùng đúng hàng hiệu. "Thân chủ của tôi nhiều vị ăn mặc đẹp, tính tình khó chịu, nước hoa hào sảng, và đừng hòng thấy họ xài tiền theo kiểu… ném qua cửa sổ! Tiền bo thường gặp ở giới khách bình dân hơn. Thú vị nhất về khoản hoa hồng hậu hĩ có lẽ là sửa giày cho các sếp, các nghệ sĩ TP.HCM ra biểu diễn ở Hội trường Quy Nhơn. Đế giày của ca sĩ bị gãy là do họ nhảy bạo quá, phải thay bằng miếng thép đặc biệt. Hôm sau họ mang thêm hai đôi nữa… Tiền công chỉ một nửa nhưng họ đưa luôn mỗi đôi một tờ trăm. Thế mới tướng tận, giày họ mang chỉ là giày chất lượng cao thông thường và miếng thép lót trong đế giày của hàng chính hiệu không bao giờ cong, gãy hoặc tự ý di chuyển đến vị trí khác…" - "Khô thiền đại sư" trụ dưới gốc bồ đề dừng lại để lấy phụ liệu, "lão" tiếp: "Các nhà tu hành ư? Sao lại không, mấy "ổng" cũng là thân chủ của mình. Giày thì hẳn nhưng sửa chữa sandan thì nhiều đấy, đánh xi bằng máy hẳn hoi".

Khép lại chuyện sửa giày người viết xin kể mẩu hóm có thật "chăm phần chăm" sau. Một lần đem giày đi rờ tút để chuẩn bị dự đám cưới con bạn ở một bậc thâm niên trong nghề sửa giày trên đường Trần Cao Vân (Quy Nhơn), gã thợ vừa làm động tác kết thúc công việc vừa nhìn vào tôi kết luận: "Anh nào mang giày mòn gót nghĩa là người đó đi thẳng, hiên ngang nện xuống, là đấng quân tử. Gã nào đi giày mà mũi vẹt trước gót, đích thị kẻ ấy… đi bằng đầu gối!". Tôi như giật mình, thì ra dùng giày cũng nói lên tính cách con người kia đấy! Hốt nhiên tôi nhìn xuống chân mình. "May quá giày tôi mới mua, chưa mòn!". Và dù "thượng đế" có để lại trên lòng bàn tay đầy bụi trần của người thợ sửa giày những kỷ niệm đẹp hay nụ cười không mong đợi đi nữa thì niềm vui chung của họ vẫn là luôn được chăm sóc lâu dài "đôi chân" khách hàng. Thợ sửa giày là thế đấy.

. Trần Hoàng

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Tiêu chuẩn hóa - Vấn đề sống còn   (27/04/2004)
Nhìn ở góc độ chuyển đổi cơ cấu cây trồng  (27/04/2004)
BISUCO và nông dân chưa tìm được tiếng nói chung  (27/04/2004)
Dáng đứng Việt Nam  (27/04/2004)
Con đường dăm giấy  (23/03/2004)
Ghi chép trên những cánh đồng thuốc lá  (23/03/2004)
Thợ chép tranh  (23/03/2004)
Sự hồi sinh của một dòng sông  (23/03/2004)
Trở lại Phong Nha  (23/03/2004)
Nghề tấu cho những cuộc vui  (23/03/2004)
Một mái nhà để trở về  (24/03/2004)
Tháng ba mùa sầu đông nở  (24/03/2004)
Đời xe bàn  (24/03/2004)
Sinh "cù lần"  (24/03/2004)
Nghề tấu cho những cuộc vui   (23/03/2004)