Rừng vẫn còn chảy máu
15:36', 27/4/ 2004 (GMT+7)

Mặc dù UBND tỉnh đã chỉ đạo cho nhiều cấp, ngành tăng cường tham gia quản lý, bảo vệ rừng (QLBVR) nhưng tình trạng vận chuyển lâm sản, động vật rừng trái phép trên địa bàn Bình Định vẫn luôn xảy ra, một số địa phương đã có tình trạng lâm tặc "choảng" Kiểm lâm…

* Từ chủ trương

Lực lượng kiểm lâm đưa phương tiện vận chuyển và gỗ lậu về Tuy Phước xử lý

Ngày 4-6-2003, UBND tỉnh đã ra Chỉ thị số 20/2003/CT-UB về việc tăng cường các biện pháp cấp bách QLBVR. Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện tăng cường công tác chỉ đạo, thực hiện nghiêm túc trách nhiệm quản lý Nhà nước của các cấp về rừng và đất lâm nghiệp. Chủ tịch UBND các huyện phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh về việc QLBVR, sử dụng đất lâm nghiệp, giao khoán bảo vệ rừng cho các tổ chức cá nhân, không để xảy ra tình trạng rừng không có chủ kéo dài; chỉ đạo cho ngành công an, quân đội cùng với các hội, đoàn thể chính trị, xã hội của địa phương phối hợp chặt chẽ với lực lượng kiểm lâm tổ chức kiểm tra, truy quét các tổ chức, cá nhân phá hại rừng, nhất là tại các vùng trọng điểm, khu vực rừng giáp ranh với các huyện, tỉnh lân cận. Phải huy động lực lượng đủ mạnh để truy quét, triệt phá những ổ nhóm phá rừng, kiên quyết trấn áp bọn lâm tặc hung hãn chống đối người thi hành công vụ.

Chính quyền cơ sở phải chịu trách nhiệm trước cấp trên trực tiếp của mình về tài nguyên rừng trên địa bàn, nơi nào để xảy ra tình trạng lâm tặc phá rừng trên địa bàn thì Chủ tịch UBND huyện, thành phố và những người lãnh đạo trực tiếp của địa phương đó phải bị xử lý kỷ luật; Chi cục Kiểm lâm phối hợp với Công an, BCH quân sự tỉnh, Bộ đội Biên phòng và UBND các huyện, thành phố xây dựng phương án, kế hoạch kiểm tra tổ chức kiểm tra truy quét lâm tặc trên các địa bàn trọng điểm, xử lý nghiêm minh các đối tượng có hành vi trái pháp luật;  Sở NN-PTNT chỉ đạo tổ chức lại các lâm trường đảm bảo cho việc QLBVR hiệu quả nhất.

UBND tỉnh còn yêu cầu Sở Thương mại và Du lịch tiến hành kiểm tra, xử lý thu hồi giấy phép kinh doanh các nhà hàng quán ăn đặc sản chế biến thịt các loại động vật rừng hoang dã, quý hiếm; các hội, đoàn thể khác trong tỉnh tích cực tham gia tuyên truyền phổ biến pháp luật về rừng cho nông dân….

* Đến thực tế

Có thể nói, chưa bao giờ công tác QLBVR ở Bình Định lại được tăng cường đến như vậy. Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện Chỉ thị 20 của UBND tỉnh chưa có hiệu quả, rừng vẫn thường xuyên bị chảy máu. Theo số liệu thống kê của Chi cục Kiểm lâm Bình Định, kể từ ngày 3-6-2003 đến ngày 15-2-2004, trên địa bàn Bình Định đã xảy ra 516 vụ vi phạm lâm luật. Đây chỉ là số liệu mà Chi cục đã phát hiện ra, còn thực tế số vụ vi phạm lâm luật còn nhiều hơn. Tại huyện Hoài Ân, tình trạng vận chuyển lâm sản trái phép luôn nằm trong tình trạng báo động. Toàn huyện có 117 đối tượng ở 10/14 xã, thị trấn chuyên phá rừng, vận chuyển lâm sản trái phép. Trong số đó, có nhiều đối tượng đã nhiều lần "choảng" Kiểm lâm bị thương và hăm dọa cán bộ địa phương, nhưng những tên này vẫn còn nằm ngoài vòng pháp luật. Ông Nguyễn Văn Bổ, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Hoài Ân,  thở dài ngao ngán: "Chúng tôi đã làm đủ mọi cách để lập lại trật tự kỷ cương trong công tác QLBVR, nhưng không thể ngăn chặn nổi lâm tặc". Lâm tặc ngày càng xảo quyệt, có nhiều "độc chiêu" để qua mặt Kiểm lâm. Mặt khác, một số xã trên địa bàn huyện chưa thật sự quan tâm đến công tác QLBVR, chưa có biện pháp xử lý nghiêm minh, nên lâm tặc đã khai thác triệt để yếu điểm này để hoạt động. Lâm tặc ngày càng xảo quyệt, có nhiều "độc chiêu" để qua mặt Kiểm lâm. Nếu bị phát hiện chúng chống trả quyết liệt, thậm chí đánh lại Kiểm lâm, đã không ít lần lâm tặc đã ra đòn với cán bộ Kiểm lâm huyện Hoài Ân.

Không riêng gì ở Hoài Ân mà các huyện Tây Sơn, An Lão, Vân Canh, Vĩnh Thạnh…, tình trạng khai thác, vận chuyển lâm sản, động vật rừng trái phép cũng đã trở thành vấn nạn. Mới đây, Hạt Kiểm lâm huyện Tây Sơn tổ chức truy quét bọn lâm tặc ở các vùng rừng xung yếu của huyện và đã phát hiện và bắt giữ 3 đối tượng khai thác, vận chuyển gỗ trái phép, phá hủy 4 lều trại của lâm tặc. Hạt Kiểm lâm huyện Hoài Nhơn đã giải tán được một tổ chức đã phá hại 1,2 ha rừng để đào đãi vàng trái phép ở khu rừng Định Bình, Văn Cang thuộc xã Hoài Đức… Trong 2 tháng đầu năm, Hạt Kiểm lâm các huyện, thành phố đã tịch thu trên 114 m3 gỗ từ nhóm 1 - 8, 30ster củi, 17.268 tấn than, 178 kg động vật hoang dã và hàng trăm phương tiện vận chuyển của bọn lâm tặc. Phần lớn lực lượng tham gia phá rừng chủ yếu là người dân địa phương, phương tiện chủ yếu để vận chuyển lâm sản là xe máy. Đặc biệt trong thời gian gần đây, tình trạng vận chuyển gỗ trái phép bằng ô tô đang trở thành "mốt mới" của bọn lâm tặc, gây không ít khó khăn cho Kiểm lâm.

Có thể nói, việc lập lại trật tự kỷ cương trong công tác QLBVR hiện nay đang gặp nhiều khó khăn bất cập. Chỉ thị 20 của UBND tỉnh chưa được chính quyền địa phương nơi có rừng thật sự quan tâm, các ngành Công an, Quân đội… chưa thực sự vào cuộc, công tác QLBVR chủ yếu vẫn do một tay lực lượng kiểm lâm đảm trách nên đã không ngăn cản nổi bọn lâm tặc lộng hành. Rừng là tài nguyên quý giá, nếu biết QLBV và khai thác một cách hợp lý, rừng sẽ mang lại nhiều lợi ích cho con người. Thiết nghĩ, để ngăn chặn được nạn phá rừng, vận chuyển lâm sản trái phép, từng bước xã hội hóa về rừng, cấp ngành có liên quan phải nghiêm túc nhìn lại trách nhiệm của mình trong việc QLBVR, thực hiện một cách nghiêm túc Chỉ thị 20 của UBND tỉnh.

. Phạm Tiến Sĩ

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Nghề sửa giày   (27/04/2004)
Tiêu chuẩn hóa - Vấn đề sống còn   (27/04/2004)
Nhìn ở góc độ chuyển đổi cơ cấu cây trồng  (27/04/2004)
BISUCO và nông dân chưa tìm được tiếng nói chung  (27/04/2004)
Dáng đứng Việt Nam  (27/04/2004)
Con đường dăm giấy  (23/03/2004)
Ghi chép trên những cánh đồng thuốc lá  (23/03/2004)
Thợ chép tranh  (23/03/2004)
Sự hồi sinh của một dòng sông  (23/03/2004)
Trở lại Phong Nha  (23/03/2004)
Nghề tấu cho những cuộc vui  (23/03/2004)
Một mái nhà để trở về  (24/03/2004)
Tháng ba mùa sầu đông nở  (24/03/2004)
Đời xe bàn  (24/03/2004)
Sinh "cù lần"  (24/03/2004)