"Tuổi mười sáu" - tình vẫn chưa thôi xót xa
11:12', 12/7/ 2004 (GMT+7)

Âm nhạc Việt Nam đã không còn như cô gái ở cái tuổi 16 thơ ngây để dễ dàng bị dụ dỗ và lừa gạt. Mã nguồn mở của âm nhạc thế giới có thể đến với bất kì ai nên chuyện tìm những đĩa nhạc hiếm để copy, đặt lời và biến sản phẩm đó thành của mình cũng như cái kim trong bọc, lâu rồi cũng thò ra.

Xin lấy tựa đề của hai ca khúc copy gây nhiều tranh cãi trong thời gian gần đây để đặt tựa đề cho bài viết của mình bởi đơn giản tôi muốn đề cập đến chuyện "đạo nhạc".

Sau vụ "Tình thôi xót xa", một hit đã từng làm thổn thức không ít trái tim người nghe nhạc bỗng bị lột mặt nạn trở thành nguyên dạng bài nhạc không lời Frontier trong đĩa CD hòa tấu Cherry Blossom (Hoa Anh Đào) của nữ nhạc sĩ Nhật Bản Keiko Matsui, bỗng nhiên người yêu nhạc cảm thấy niềm tin của mình đang bị đánh rơi ở một nơi nào đó. Từ Bảo Chấn đến nhiều nhạc sĩ khác trong đó có Trần Tiến (ca khúc Sắc màu bị nghi là giống bài Matsuri của nhạc sĩ New Age người Nhật Kitaro), Thanh Tùng (ca khúc Một mình bị nghi là giống nhạc dân ca Nga), Thế Hiển (ca khúc Tóc em đuôi gà bị nghi là giống bài Czardas của Monti-Italia) Trường Huy (ca khúc Mắt buồn bị nghi là giống How can I tell her about you của nhạc sĩ Lobo-Mỹ) đều bị rơi vào vòng nghi vấn.

Và quả bom thứ hai đã tiếp tục bùng nổ mang tên: "Quốc Bảo".

Nhạc sĩ Quốc Bảo

Vốn là một nhạc công chơi guitar trong nhóm Dây Leo Xanh của cố nhạc sĩ Phạm Trọng Cầu, Quốc Bảo đã dần khẳng định tên tuổi với những ca khúc có thể gọi là sang trọng so với dòng nhạc trẻ. Những ca khúc của anh là sự kết hợp của một phong cách đa dạng từ pop, rock đến funk và mang cả âm hưởng dân ca như "Vừa biết dấu yêu", "Em về tóc xanh", "Vàng son", "Ca dao hồng", "Thiên sứ"... Những ca khúc đó đều được những ca sĩ hàng đầu thể hiện như Trần Thu Hà (Em về tinh khôi, Còn hồng trên môi), Thanh Lam (Ngồi hát ca bồng bềnh) và Mỹ Tâm (Tóc nâu môi trầm), Quang Dũng (Còn ta với nồng nàn) tạo thêm tiếng tăm và hình ảnh cho một Quốc Bảo tuổi trẻ tài cao.

Quốc Bảo còn nổi lên như một nhà phê bình âm nhạc hàng đầu hiện nay. Với những bài viết nhận xét về nhạc trong nước, nhạc quốc tế, nhạc hải ngoại, về công nghệ showbiz, về những giọng ca sáng giá, Quốc Bảo đã đem đến cho phê bình âm nhạc nước ta một nguồn gió mới. Không thể phủ nhận những bài viết của Quốc Bảo đầy cá tính, thẳng thắn với những nhận xét sắc sảo và có phần ngoa ngoắt đã phác nên được phần nào thực trạng nền âm nhạc của nước ta hiện nay. Điều này khiến cho hình ảnh của Quốc Bảo càng trở nên đẹp hơn trong lòng người yêu nhạc.

Quốc Bảo cũng được giới âm nhạc (trước vụ Tuổi 16) nhận xét là một nhạc sĩ có tài. Và không dừng ở vai trò một nhạc sĩ, anh còn được nhắc đến như một producer và manager có phong cách rất chuyên nghiệp. Và khi mà cương vị của producer và manager trong nền âm nhạc chập chững trong những bước đầu chuyên nghiệp hóa ở nước ta ngày càng được coi trọng thì đương nhiên Quốc Bảo đã trở thành một nghệ sĩ 3 trong 1 đầy ấn tượng.

Khi những người yêu nhạc tự hào với Quốc Bảo và coi anh như là một hình ảnh của một nhạc sĩ trẻ đầy sức sáng tạo thì "Tuổi 16" đã xôn xao trong giới yêu nhạc như là một sản phẩm copy. Và khi vụ việc vỡ lở sau cuộc đại phẫu "Tình thôi xót xa", "Tuổi 16" đã bị chỉ đích danh là một món hàng nhái từ Renaissance fair của Ritchie Blackmore (nhóm Blackmore’s night). Kể ra chọn người nào ít tên tuổi để copy nhạc thì may ra còn khó phát hiện chứ đây Quốc Bảo lại chọn Ritchie Blackmore, một trong "tứ hùng" của guitar rock thế giới và là thành viên gạo cội của nhóm nhạc Rock kỳ cựu Deep Purple với không ít fan hâm mộ ở Việt Nam. Sau những ngày tranh cãi và những lời chối tội đầy tính ngụy biện, cuối cùng Quốc Bảo cũng đã bị Hội Âm Nhạc TP HCM quyết định nghiêm khắc cảnh cáo và thông báo quyết định này đến toàn bộ hội viên. Lập tức trên những phương tiện thông tin đại chúng, trên những website âm nhạc, những bài viết "tấn công" Quốc Bảo thăng hoa.

Đúng là Quốc Bảo đã đạo nhạc và hành vi copy nhạc của anh xứng đáng bị kỷ luật thích đáng, nhưng chúng ta phải làm rõ xem chúng ta đang xử lý những sai phạm của Quốc Bảo hay chúng ta đang xử lý Quốc Bảo theo kiểu trung cổ? Không nên đánh đồng hai việc này với nhau. Với tôi, nên xử nặng hơn đối với những sai phạm của Quốc Bảo như: Tịch thu toàn bộ số tiền nhuận bút liên quan đến bài hát "Tuổi 16", cấm ghi âm và không phát hành bài hát này nữa…

Thế nhưng với nhạc sĩ Quốc Bảo, nếu như anh đã nhận ra những sai lầm của mình thì không nên "mượn gió bẻ măng" mà vùi dập anh quá mức. Thiết nghĩ Quốc Bảo vẫn là một nhạc sĩ có tài và có tài hơn nhiều những nhạc sĩ công chức đang ngày cắp cặp đến công sở và "hoàn thành tốt nhiệm vụ" nhưng chẳng có lấy một tác phẩm nào đến được với công chúng. Chúng ta càng không nên vì những sai lầm của Quốc Bảo mà phủ nhận sạch trơn những đóng góp của anh đối với âm nhạc trong nước những năm qua (cho dù những đóng góp đó có thể còn chưa nhiều thì đó cũng là đóng góp).

Ngoài những ca khúc trong vòng nghi vấn thì Quốc Bảo vẫn có những ca khúc đa phong cách có dấu ấn tìm tòi của một nhạc sĩ tài năng. Và cuối cùng, nếu Quốc Bảo dám tự tin đi bằng chính đôi chân của mình để đem lại những gam màu mới bằng những sáng tác thực sự là của mình, thiết nghĩ lúc đó người được lợi không chỉ có riêng mình Quốc Bảo mà trong đó có cả những khán giả yêu nhạc nữa.

. Hoàng Tùng

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Đêm nghe tiếng hát rong   (11/07/2004)
Những đêm mưa   (11/07/2004)
Dịch giả nói về văn học dịch   (09/07/2004)
Gửi Thúy Kiều của Văn Trọng Hùng   (08/07/2004)
Nhạc hải ngoại đi về đâu?   (07/07/2004)
Chế Lan Viên - Cõi ẩn hình của thơ cần khám phá   (05/07/2004)
Ngọn lửa xanh   (02/07/2004)
Đoàn Văn Cừ: Người đưa thơ ra "chợ Tết"  (30/06/2004)
Cảm nhận qua tác phẩm "Nét quê" của Phạm văn Chai  (30/06/2004)
Cúc quỳ  (28/06/2004)
Tiếng sóng xưa  (28/06/2004)
Đào Minh Tâm với thể loại kịch ngắn   (27/06/2004)
Người nghiện hát   (25/06/2004)
Cổ Thành với thuyết quyền biến  (07/07/2004)
Ghi chép từ trại sáng tác Vũng Tàu   (22/06/2004)