Làng Chòi
10:7', 9/9/ 2004 (GMT+7)

Làng Trung Lương nằm ven sông Lại thuộc huyện Hoài Nhơn, ngay đoạn "cháng ná cao su" do hai nguồn Kim Sơn - An Lão hợp lại nên thường gọi Lại Giang. Lại Giang nước trong veo về bốn phía Trung Lương bãi cát vàng óng mịn…

Không những đẹp mà cát Trung Lương còn thừa sức vun đắp năm bờ xe cắt ngang, dồn đưa nước đưa lên phía cánh đồng Bình Chương, Lại Khánh hằng năm với hai mùa xuân hạ. Năm khóm xe quay như một dàn nhạc đầy phức điệu. Lúc nặng nề bức vượt gieo tiếng rít sắc nhọn, lúc da diết trầm tư để nối khúc du dương triền miên trên những cánh đồng vàng trĩu hạt. Rừng dừa Trung Lương tiếp nối Tam Quan như dải lụa màu xanh ngăn ngắt. Người xưa thường dùng địa danh hai làng đầu và cuối huyện trong một câu ca dao hợp cảnh:

Công đâu công uổng công thừa

Công đâu gánh nước tưới dừa Trung Lương

Vì thế, "giá dừa hỏi Trung Lương - giá ruộng hỏi Bình Chương, Lại Khánh".

Nhàn hơn ruộng đất, nên người Trung Lương có thêm nhiều nghề thủ công như: nấu dầu dừa, tiếp xơ dừa (làm nguyên liệu đan võng, bện dây neo thuyền v.v…). Nhóm nghề này thường làm vào mùa hè những đêm trăng tỏ. Trăng rải đầy hoa qua kẽ lá dừa tung những cánh vàng nhọn hoắt, rồi xào xạc đung đưa nhiều vẻ lắm hình. Có thể từ xưa thiên phú cảnh Trung Lương, cho người Trung Lương giàu cảm xúc văn nghệ. Ở đây ngoài hát ru con gốc tích bao đời còn hò mài dừa - hò tiếp xơ (hát kết)… đặc biệt là HÔ BÀI CHÒI.

Cách hơn nửa thế kỷ về trước, các bô lão kể rằng từ lâu lắm rồi, Trung Lương vui ngày đầu xuân không còn chơi bài tam cúc trong nhà hoặc rải rác ngã ba với 5-7 người nữa, mà họ đưa ra chơi chung theo kiểu Hội (Hội bài chòi) để nam phụ lão ấu tham gia bói lộc đầu năm có dịp reo hò đùa nhau được thua, thua được. Và cũng từ lâu lắm rồi, Trung Lương như dành riêng mảnh đất độ 100 mét vuông ngay trên bến đò, thuận tiện cho người Lại Khánh, Bình Chương nhất là dịp Tết Nguyên đán sang dự hội.

Thường lệ vào khoảng 25 tháng Chạp làng Trung Lương đã rạo rực:

Vợ lo nếp, lá, đỗ mè

Chồng lo mài rựa chặt tre dựng chòi

Phải dựng đủ chín chòi. Mỗi chòi cao khoảng 3 mét, có đan vỉ đặt sàn nửa chừng với số từ 3 đến 6 người ngồi. Nhất thiết phải dành một chòi về hướng Tây đầu khoảng đất gọi là Trung ương, nơi đèn nhang khấn thổ thần đồng thời để khay tiền góp của người chơi làm quỹ trích trả cho những ai được cuộc (tới bộ). Còn 8 chòi chia 2, mỗi bên 4 chòi, đứng cách nhau từ 2-3 mét theo đường dọc hơi cong bán nguyệt. Giữa khoảng trống nối vòng trồng cây nêu tre xanh có treo cờ và 1 ống đựng bộ "bài nọc" (Bài gốc). Sát chân cây nêu đặt trống chầu để đại diện bô lão nổi hồi "khai chòi" và cũng là vùng hoạt động của các anh Hiệu (người trao tín hiệu mỗi con bài). Mỗi con bài được phóng to hơn trên từng thanh tre chẻ mỏng gọt hình mái chèo, rộng khoảng 3-4 phân, dài khoảng 3 tất cả phần cán. Các tên con bài bằng chữ nôm 2 bên mặt lá và có ký hiệu để khuôn biệt như: tứ móc - ông ầm - tứ cẳng - nhất trò - ba bụng v.v…

Sau khi phát vài ba bộ bài ngoài bộ nọc đủ cho 9 chòi, anh Hiệu lần lượt rút từng thẻ ở bộ nọc và hô tên cho mọi người trên chòi theo dõi chờ ăn "bộ tới" (theo quy định). Ban đầu anh Hiệu chỉ thông báo ngắn gọn: Hô… là tứ móc này! Hô… là ông ầm này! .v.v.

Tên gọi hô bài chòi bắt đầu từ đó.

Để có sự chú ý, chữ hô đầu tiên anh Hiệu phát mạnh, vút mạnh, vút cao rồi kéo dài với mức độ tùy sức, hẳn trong đó đã chứa một thanh tự xướng rồi tiếp bổng trầm sao cho xuôi ngọt theo 4 từ kết thúc.

Nhưng rồi năm này qua năm khác lại cũng thông báo vài câu thẳng thừng ngắn ngủi với vài âm thanh nghèo nàn dễ nhàm chán. Vì vậy, bài chòi lại phải lên một bước. Đó là ĐỐ BÀI. Đố bao giờ cũng ẩn dấu một mục đích kết quả nào đó trong cách nói lấp lửng gợi người nghe cùng tham gia tò mò giải đáp sẽ hấp dẫn hơn và giữ được không khí vui của ngày hội. Bài chòi học cách đố trong dân gian bằng câu ca dao:

Ba đầu bốn lưỡi mười chân

Một lưng bận áo hai lưng ở trần?

(Người cày với đôi trâu)

Từ đó từng tên con bài được anh Hiệu đố:

Tại sao trường ốc thênh thang

Quanh năm chỉ có một chàng thư sinh?

Người dự hội cùng đáp: "Hô…là con nhất trò!". Trong văn vần như đã gợi điệu, và tên mỗi con bài giờ đã nới ra bằng câu lục bát thì vai trò điệu phải thành bạn đời của bài chòi.

Gần gũi nhất để làm điểm tựa là nguồn hát ru con. Xét ra hát ru con là kể cho con nghe, dạy cho con hiểu. Hô bài chòi cũng là kể câu chuyện nhằm chỉ định một con bài…

Người Trung Lương thường nói vui: "Câu bài chòi, bài chi câu". Đúng vậy, ngoài cái êm ả trong hát ru con được pha chế và sự linh động về tiết tấu thì câu bài chòi lúc này còn biết "câu khách" bằng cách đưa mâu thuẫn người đời vào nội dung:

Một hai bậu nói rằng không

Hỏi dấu chân, chân ai đứng, đứng bờ sông người hai người (4 dấu chân).

Người chơi khoái chí đáp thay Hiệu: "Hô… là con tứ cẳng!"

Tuy nhiên trong quá trình tận dụng và sáng tạo hát ru con, Hiệu còn học cách đặt câu và cả hát kết, hò mài dừa bổ sung cho bài chòi.

Có thể nói bài chòi lên bước câu đố và sáng tạo hát ru con là tiền đề cho cái diễn và cái xướng, góp món ăn tinh thần cho ngày hội bằng chính hương vị quê nhà. Nhờ vậy, bước đầu được kết quả với những câu:

Bài chòi coi bộ có duyên

Thức khuya con chịu, tốn tiền mẹ ưng

Hay là:

Ngủ trễ ắt việc phải bê

Không chừa cái tật ham mê bài chòi

Nhưng rồi xuân đến cũng xuân qua. Lẽ ở đời cái nay ưng nhưng mai không chịu. Mặc dù bài chòi đã có đôi vai diễn xướng, nhưng cũng chỉ trong từng con bài riêng lẻ mà anh Hiệu rút ra bất kỳ ở bộ nọc khiến chuyện nọ xọ chuyện kia, nhịp điệu cũng theo đó mà đứt đoạn làm cho nhiều người cảm thấy bài chòi coi bộ hết duyên. Tuy vậy, bài chòi vẫn mãi là hội chơi bài qua 9 chòi, phong tục vui xuân của làng không thể thiếu được. Để bù lại khoảng trống vắng nói trên chỉ bằng cách bài chòi phải có thêm của ngon vật lạ.

Tại sao một câu lục bát tả chị bán thịt đèo móc cân cho con bài tứ móc? Anh đi câu rớt xuống vũng sâu mới vang lên con bài ông ầm - Đôi bạn tình vụng trộm để lại bốn dấu chân cho con bài tứ cẳng v.v… Lại không lục bát kế vần lục bát mà đi sâu vào đời hơn nữa để cho nó hấp dẫn nhiều hơn. Ví dụ: Cũng con bài nhất trò nhưng qua câu chuyện anh chàng "Bá Nghệ", nghệ nhân Nguyễn Đốc sáng tác một bài dài theo thể lục bát phá cách với ý phê phán "Bá Nghệ bá tri vị bá láp"(trăm nghề trăm biết hóa trăm cái tào lao).

Từ đây người dự hội bài chòi đầu xuân đông hơn, nhưng mục đích chơi đánh bài không còn được quan tâm mấy, mà chủ yếu là đến nghe anh Hiệu thuật chuyện đời để suy gẫm… Bài chòi giờ đã mang khái niệm bài thơ, bài hát. Ngoài ba ngày xuân bà con còn mời các Hiệu đến sân nhà, rủ hàng xóm góp nông phẩm hoặc chút ít tiền thưởng khích lệ để nghe bài chòi kể về nhiều chuyện cần giải tỏa những vướng mắc trong quan niệm sống hàng ngày, như các bài: "Mẹ chồng nàng dâu" ăn ở sao cho phải đạo cả hai, hoặc "Giữ gìn khi thai nghén" dành cho những cô gái sắp lấy chồng biết cách sau này ăn kiêng ở cữ v.v… Thỉnh thoảng Hiệu quên, nhất là Hiệu mới thì có người nhắc hộ. Thế là các Hiệu kết nhau từ toán đến "gánh" quanh năm đi vào làng khi đám cưới, khi khánh thành tân gia hoặc mừng lễ thọ với những bài ứng khẩu chúc tụng… Sau đó lại hô kể tích Quan Công phục Hoa Dung, Tề Thiên chiếm quạt Ba Tiêu của La Sát v.v…

Tiếp theo 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, bài chòi vẫn là cách tập hợp dân làng đông đủ nhất. Từ các thông báo chỉ thị của mặt trận Việt Minh, của Bác Hồ về công tác hậu phương hoặc tin thắng gởi về được ban thông tin của làng "chòi hóa" để đêm đêm "phát thanh" với chiếc loa làm bằng mo cau. Chẳng hạn:

Giặc Tây là giống yêu tinh

Mình không đánh nó, nó đánh mình tiêu tan

Trung Lương già trẻ sẵn sàng

Vót chông đào hố rào làng đánh Tây

Anh này khan tiếng, chị khác lên thay nên trong 9 năm kháng chiến, đêm "phát thanh" nào cũng mang âm vang mùa xuân:

Trung Lương mình quyết chẳng thua

Trường kỳ kháng chiến thi đua tới cùng

Thế là từ hội bài chòi đầu xuân cho bà con bói lộc với vài ba anh Hiệu rồi dần dần thành nghệ nhân như: Năm Khá; Chín Quý, Năm Trong, Nguyễn Đốc…

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, bộ môn bài chòi dân gian Bình Định đã trở thành phong phú, đa dạng. Gần nửa thế kỷ qua, sân khấu bài chòi đã góp phần đắc lực phục vụ cuộc kháng chiến chống Mỹ thắng lợi và xây dựng CNXH. Làng Trung Lương nói riêng vẫn còn rất tự hào với câu nói người xưa:

Bài chòi Trung Lương

Ân Thường tơ lụa.

. Theo Văn hóa Bình Định

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Quy Nhơn - Cái nôi của nghệ thuật hát bội   (08/09/2004)
Thời sự Văn Nghệ  (07/09/2004)
Dự thảo Luật Xuất bản (sửa đổi): Vẫn còn những bất cập   (07/09/2004)
Thơ: Huỳnh Quang Nam, Mai Thìn, Nguyễn Đình Nhâm   (05/09/2004)
Bạn ơi hát kết   (03/09/2004)
Thơ Trần Thị Huyền Trang  (03/09/2004)
Thơ: Trần Thị Huyền Trang, Nguyễn Văn Chương  (30/08/2004)
Người Bình Định với việc La tinh hóa Tiếng Việt và sáng tạo ra chữ Quốc ngữ  (29/08/2004)
Thơ: Đào Quý Thạnh, Chử Văn Long, Lê Ân  (27/08/2004)
Câu chuyện một giờ  (27/08/2004)
Ươm mầm cho những nhịp điệu  (27/08/2004)
Tìm hiểu nghệ thuật thời Tây Sơn  (26/08/2004)
Tuồng Đào Tấn gợi những gì cho kịch hiện đại?  (25/08/2004)
Công ước Berne: Tạo dựng môi trường sáng tạo lành mạnh   (24/08/2004)
Đào Phi Phụng - Liễu Nguyệt Tâm: Chuyện tình éo le đến cùng cực   (24/08/2004)