Kỳ tích eo nín thở
15:56', 17/12/ 2007 (GMT+7)

* Phóng sự của Đình Phú

Quy Nhơn, Quy Nhơn, đồng ruộng mía ở phía Tây/ Phất phới vườn bông gòn/ Những đầm nước mặn/ Im bóng cửa nhà.../ Sóng vẫn đập vào eo biển/ Tiếng sóng dịu dàng và cương quyết/ Tiếng sóng chất chứa những gì khiến tôi xác tín một điều/ Vâng điều ấy, chẳng có sức mạnh nào lay chuyển được.

Những vần thơ đằm thắm xuất hiện trên một số tờ báo hơn 35 năm về trước đã tạo nhiều sự ngạc nhiên về một vùng đất duyên hải miền Trung mà con người luôn ưỡn mình đón gió khơi, hướng đến tương lai.

 

Eo nín thở giờ đã thơ mộng như xưa. Ảnh: ĐP

 

Ký ức

Những ngày đầu bước vào nghiệp văn chương, nhà thơ Lê Văn Ngăn đã viết “Sóng vẫn đập vào eo biển”. Khi ấy, nhà thơ còn là một thanh niên, vừa chân ước chân ráo đến Quy Nhơn trong hành trình lưu lạc đầy biến cố. Còn bây giờ ông đã về hưu, mái tóc pha sương ngày hai buổi dong chiếc xe đạp cũ kỹ đi đánh cờ tướng cùng với mấy ông bạn vong niên. Thế mà mỗi khi nhắc lại những tháng năm sóng gió, một thời trai trẻ ở Quy Nơn hồi ức trong ông lại dâng trào mãnh liệt.

Có lần tôi bắt chuyện: "Bác trở thành công dân của phố biển Quy Nhơn hẳn là tình cờ. Mấy mươi năm không thay đổi sự tình cờ ấy thì xem như đó là một duyên phận. Yêu đến thế có lẽ bác viết nhiều bài thơ về Quy Nhơn?" Như bản tính vốn đã “đóng đinh” trong ông bao năm qua, nhà thơ thủng thẳn châm điếu Bastos rít một hơi dài, đoạn khẽ khàng: “Quy Nhơn như một người tình thơ. Nhưng bác chỉ có mỗi duy nhất bài ấy về “người tình” của mình. Sóng vẫn đập vào eo biển là bài đầu tiên và cũng là bài cuối cùng về một quê hương thứ hai”.

Tôi vương tiếc nuối khi nghe ông nói. Cảnh sắc Quy Nhơn ngày ấy tuy đẹp nhưng cuộc sống lắm cơ hàn. Những chuyến xe lam. Những con đường hanh nắng. Những cửa hàng lấm bụi. Những nhà ga tạm hoang tàn. Những khu định cư xơ xác. Những người tứ chiếng... (ý thơ của nhà thơ Lê Văn Ngăn). Bây giờ Quy Nhơn đã thật sự “lột xác”.

Tôi đánh bạo “thách” ông: “Bác viết thêm một bài nữa cũng đáng lắm chứ?”. Nhà thơ trầm ngâm giây lát rồi cười hiền từ trên khuôn mặt hằn những nếp nhăn tuổi tác. Trong nụ cười ấy như hàm ẩn lời trần tình của ông, rằng tình yêu dù dành cho chuyện gì trong cuộc sống cũng không thể lượng bằng con số.

Khi mới trình làng, bài thơ “Sóng vẫn đập vào eo biển” gây một sự chú ý lớn về giọng điệu thơ vừa trữ tình sâu lắng, vừa đậm chất triết lý nhẹ nhàng của một nhà thơ trẻ, và hơn hết là dấu ấn tiếp nối về vùng đất “đầu sóng ngọn gió” Quy Nhơn - Bình Định trong giới văn nghệ sĩ miền Bắc. Theo lời kể của nhà thơ Lê Văn Ngăn, sau ngày giải phóng (1975), có một nhà thơ (nay đã qua đời) lặn lội vào Quy Nhơn để thỏa cái ước nguyện “xem cái eo biển kia thế nào”.

Thật tiếc cho ông nhà thơ đất Bắc khi đặt chân đến eo biển. Trước mắt ông nào là những khối rác chất chồng bốc mùi xú uế, những bầy ruồi vù bay như... bão tố. Những năm chiến tranh, chẳng hiểu vì đâu, phía bên kia đã biến eo biển vốn thơ mộng thành bãi rác rưởi lộ thiên khổng lồ. Sau chuyến đi khảo sát thực tế không như mơ, ông nhà thơ sau đó có viết một bài và đã gọi eo biển Quy Nhơn là “eo nín thở”.

Nín thở vì rác thối. Nín thở vì ruồi nhặng. Âu đó cũng do hoàn cảnh. Biết trách ai? Trong ký ức người dân phố biển dường như hình ảnh từng đoàn xe GMC chất đầy rác thải thẳng tiến ra biển tống tháo ngày ấy có lẽ chẳng bao giờ phai nhạt. Thế là “eo nín thở” dần cũng trở thành tên gọi quen thuộc trong nỗi ám ảnh ô nhiễm, nhếch nhác. Ký ức ấy bây giờ như đã đổi khác!

Hiện tại

Chưa thể nói Quy Nhơn bây giờ là một đô thị giàu có, hiện đại. Nhưng những gì mà Quy Nhơn vượt qua khó khăn tạo dựng nên một diện mạo mới cho mình như hôm nay quả là một kỳ tích. Còn nhớ năm 1975, Quy Nhơn chỉ có vỏn vẹn 60 đường phố với 12 km2 nội thành. Quy mô khiêm tốn ngày ấy qua những năm tháng chung sức dựng xây đã được nâng cấp, mở rộng gấp nhiều lần. Những mái nhà im bóng không ngừng vươn tầm cao. Những tuyến phố, quảng trường, những khu dân cư... thênh thang dần lấp đầy những “đồng ruộng mía ở phía tây” một thuở. Nếu không bắt nguồn từ một quyết tâm cao thì sự lớn mạnh nhanh chóng ấy của Quy Nhơn đâu dễ có được.

Có lần gặp ông Thái Ngọc Bích - Phó chủ tịch UBND TP Quy Nhơn, tôi hỏi: “Là thành viên lãnh đạo trong UBND thành phố, khi xử lý công việc, ông cảm thấy chuyện gì là khó khăn nhất?”. Ông Bích không chút đắn đo: “Đền bù giải tỏa!”. Thời gian gần đây, thi thoảng trên các phương tiện thông tin đại chúng đề cập đến một vài tiêu cực trong lĩnh vực nhạy cảm và lắm rối rắm này. Nhưng những chuyện lùm xùm kia có lẽ không phải là “cái gốc” của vấn đề.

 

Nội thành Quy Nhơn không ngừng được được nâng tầm. Ảnh: ĐP

 

Để có tầm vóc đô thị Quy Nhơn bề thế, các cơ quan hữu trách luôn phải “chạy sô” với một núi công việc. Vừa mới giải quyết xong nơi ăn chốn ở cho 800 hộ dân trong dự án mở rộng tuyến quốc lộ 1D thì chính quyền thành phố lại khởi động dự án đường ven biển Xuân Diệu. Cùng lúc phải giải tỏa, bố trí tái định cư cho 2.530 hộ dân là chuyện không hề đơn giản. Một nhà báo khi đến công tác tại Bình Định, dẫn đi hóng gió biển trên đường Xuân Diệu một lèo từ khu vực cảng Thị Nại đến eo nín thở, tôi nhắc đến chuyện này, anh nhà báo khảng khái: “Với các nơi khác, có lẽ người ta không dám làm. Nếu có làm cũng lắm nhiêu khê!”. 

Hồi mới ra trường, tôi chia sẻ với đám bạn đồng môn: “Tau sẽ đi vô Bình Định học việc”. Một người bạn trong nhóm trố mắt: “Bình Định nằm ở trong hay ở ngoài Khánh Hòa?”. Tôi bảo: “Ơ hay, cái thằng này. Bình Định là ở Bình Định chứ nằm trong nằm ngoài gì”. Thật ra trong suy nghĩ bấy lâu của bạn tôi chỉ biết Bình Định là nơi phát xuất phong trào khởi nghĩa Tây Sơn lừng lẫy, chứ không biết cụ thể là nằm ở đâu!

Cũng may cho thằng bạn của tôi, mới đây đã xởi lởi gọi điện, giọng trọ trẹ: “Giờ tau biết Quy Nhơn - Bình Định rồi, nơi có cây cầu vượt biển dài nhất Việt Nam dẫn qua khu kinh tế lớn. Mai mốt tau vô coi thử. Mà đi bộ qua cây cầu nớ có mỏi chân khôn mi?”. “Lại cái thằng này, có phải như cầu Tràng Tiền 8 vài 12 nhịp đâu, đi bộ qua cây cầu dài nhất Việt Nam không mỏi chân mới là chuyện lạ!”. Tôi cảm thấy tự hào khi nơi mình sống có được một kỷ lục đầy háo hức như thế.

Nói thế nhưng Quy Nhơn không phải không có chuyện để... chê. Nhiều du khách cảm thấy buồn khi mới chín mười giờ đêm, phố xá đã im ắng, hàng quán cửa đóng then cài. Bách bộ dọc đường Xuân Diệu, muốn tìm cái toa-lét cũng không dễ. Cảng biển Quy Nhơn có lượng hàng hóa thông qua lớn nhất miền Trung, hơn 3 triệu tấn/năm. Đây là một niềm tự hào và cũng là một nỗi lo. Xe tải cồng kềnh, xe container, rơ moóc ngược nguôi hàng giờ trên các tuyến đường nội thành khiến không ít người kinh hãi. Có lẽ xây dựng một mạng lưới giao thông chuyên biệt cho những loại xe này là cần thiết. Môi trường trong lành tạo cảm giác khoáng đạt thì không thể để du khách (và cả người dân) chung đường với những phương tiện xô bồ ấy.

Tương lai

Không phải ngẫu nhiên mà hơn 100 năm trước, vua triều Nguyễn - Thành Thái ban chỉ dụ thành lập phủ Quy Nhơn là đơn vị hành chính quan trọng của một tỉnh. Những huyền tích văn hóa hàng trăm năm cùng với vị thế chiến lược của đô thị này luôn thu hút sự quan tâm đặc biệt của các cấp chính quyền, qua nhiều giai đoạn lịch sử khác nhau. Trở thành trung tâm công nghiệp, dịch vụ cảng, thương mại, du lịch, giáo dục - đào tạo của vùng duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên là xu thế phát triển tất yếu của Quy Nhơn. Điều này khả dĩ sớm thành hiện thực hơn khi được cụ thể hóa trong chương trình phát triển kinh tế - xã hội của thành phố và của tỉnh 5 năm tiếp theo.

Một doanh nhân Việt kiều khi về Bình Định làm công tác từ thiện mới đây đã rất ngạc nhiên khi nhìn thấy cây cầu Thị Nại đồ sộ. Tôi bảo đó là cây cầu mở ra tương lai cho vùng đất này. “Nhưng anh ấn tượng điều gì nhất, nếu giới thiệu về Quy Nhơn?”, người doanh nhân gặng hỏi. Ấn tượng của tôi là về kỳ tích eo nín thở. Kỳ tích ấy đã mở toang không gian biển để Quy Nhơn vươn xa một diện mạo đầy sung lực. Và kỳ tích ấy tôi đã kể cho anh, một người phương xa.

  • Đ.P

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Bồng Sơn - Dân hiến đất làm đường  (17/12/2007)
Lãng mạn trên cầu Thị Nại  (15/12/2007)
“Sẽ tôn vinh vẻ đẹp người phụ nữ đất Võ”  (08/12/2007)
Thăm lại Nam Lào  (04/12/2007)
Bác sĩ pháp y  (03/12/2007)
“Tòa cao ốc Kim Thạnh là tâm huyết của chúng tôi”  (01/12/2007)
Đi lại chốn kinh thành ánh sáng  (01/12/2007)
Bài 2: Cả nhà sản xuất và người tiêu dùng cùng bị thiệt hại   (27/11/2007)
Bài 1: Gas sang chiết lậu tràn ngập thị trường   (26/11/2007)
Từ cậu bé làm thuê đến vị giáo sư hóa học nổi tiếng   (24/11/2007)
Nơi cơn lũ đi qua   (19/11/2007)
Trò chuyện với một tình nguyện viên quốc tế  (17/11/2007)
Phế hưng Ghềnh Ráng  (12/11/2007)
Điều quan trọng là mục tiêu học tập  (10/11/2007)
Khát vọng sống  (05/11/2007)