Chăm sóc người bệnh là công việc cực nhọc, chăm sóc người bị bệnh lao càng nặng nhọc hơn bởi tâm lý xã hội và cả trong thực tế cuộc sống vẫn còn nhiều mặc cảm đối với căn bệnh truyền nhiễm này.
Biết tôi có ý định tìm hiểu về công việc của các bác sĩ (BS), điều dưỡng (ĐD), hộ lý (HL) nơi đây - những người sống chung với Kok (vi trùng lao), một đồng nghiệp gợi ý: “Em nên đến bệnh viện vào ban đêm, sẽ có nhiều “khám phá” thú vị đấy!…”.
|
Phát tờ gấp tuyên truyền về bệnh lao cho bệnh nhân và người nhà.
|
* Đêm lặng lẽ
8 giờ tối, khác hẳn với cảnh nhộn nhịp ở bên ngoài bức tường rào, vừa bước chân vào bên trong cổng bệnh viện, tôi đã khựng lại bởi không gian quá lặng lẽ ở nơi đây. Hỏi người phụ nữ ghi vé xe ngồi ngay cổng và bày tỏ thắc mắc về sự “im lặng đáng sợ” của bệnh viện, chị thản nhiên “bệnh viện lao mà lại!”.
Đi qua một khoảng sân cũng hết sức lặng lẽ, chẳng giống sự ồn ào, nhốn nháo vốn dĩ là đặc trưng của các bệnh viện, là đến phòng làm việc của khoa Hồi sức cấp cứu. Trong khoa duy chỉ một điều dưỡng đang cặm cụi với đống sổ sách, bệnh án; phía trong chừng mươi người nhà bệnh nhân ngồi “tán gẫu”, giết thời gian.
ĐD Nguyễn Thị Phương Thảo cởi mở: “Lúc chiều, có hai bệnh nhân được Trung tâm Y tế huyện Phù Cát chuyển xuống; một là bà Nguyễn Thị Dựng, 88 tuổi, ở Cát Tường, bị lao biến chứng suy hô hấp và tăng huyết áp; người còn lại là ông Nguyễn Minh, 80 tuổi, ở Cát Hiệp, bị lao phổi kèm lao tinh hoàn. Đến giờ, khoa đã có 6 bệnh nhân nặng, đang cấp cứu”.
Cuộc trò chuyện của chúng tôi liên tục bị ngắt. Khi thì một phụ nữ lớn tuổi bịt khẩu trang kín mít, chạy vào nhờ Thảo rút dây chuyền dịch cho bệnh nhân. Khi thì một thanh niên hốt hoảng nhờ BS coi giúp người nhà bị trở nặng… Ngơi tay chị Thảo cười: “Hồi mới trực đêm lần đầu em cũng sợ lắm. Tính cả tua trực chỉ có 4 điều dưỡng chia đều 4 khoa, 1 KTV xét nghiệm, 1 BS trực chuyên môn toàn viện, 1 BS trực lãnh đạo và 1 HL. Bệnh nhân, người nhà và nhân viên y tế ai cũng đeo khẩu trang, làm sao nói chuyện được. Nói thế thôi, chứ mỗi lần có ca nhập viện hay bệnh nhân ho ra máu, tràn dịch màng phổi, cả viện nhốn nháo. Đêm nay, có bệnh nhân Phạm Quán, 74 tuổi, ở xã Bình Nghi, huyện Tây Sơn bị viêm phổi, suy tim theo dõi lao phổi biến chứng suy hô hấp nặng lắm, không biết “đi” lúc nào nên đến giờ, em cũng chẳng dám đi tắm”.
Nói đoạn, chị Thảo dẫn tôi qua một dãy hành lang khác để đến khoa điều trị I. Cũng chỉ duy nhất ĐD Huỳnh Thị Thanh Tâm trong phòng làm việc. Không gian lặng lẽ đến nỗi nghe rõ mồn một tiếng ho “lúc trầm lúc bổng” của bệnh nhân đang nằm tầng dưới. Chiếc đồng hồ treo tường trong phòng trực lách cách từng nhịp chuyển dần sang con số 11. Trời càng về đêm, bệnh viện càng lặng lẽ.
|
Chỉ có lòng yêu nghề, yêu người, BS mới trụ laị được ở Bệnh viện lao.
|
* Tất cả vì bệnh nhân
Có một điều dễ nhận thấy, ở Bệnh viện Lao- Bệnh phổi, tất cả mọi người từ bệnh nhân đến thầy thuốc, nhân viên phục vụ đều đối xử với nhau như người nhà. Người mắc bệnh lao đa số là người nghèo, người già không nơi nương tựa, đã vậy, bệnh này đòi hỏi phải điều trị lâu dài nên ra vào bệnh viện như cơm bữa. Bệnh viện trở thành nhà, nhân viên cũng là người thân của họ.
Ở bệnh viện, ngoài điều trị bệnh lao phổi và lao ngoài phổi, còn có một bộ phận điều trị cho những bệnh nhân đồng nhiễm lao- HIV. Khi bệnh đến giai đoạn nặng, nhiều bệnh nhân không có người thân, gia đình, đã coi bệnh viện là nơi dừng chân cuối cùng cho đến lúc qua đời. BS Nguyễn Văn Chánh, Phó trưởng khoa Khám- Chỉ đạo tuyến, nhớ lại: “Hầu như dịp Tết Nguyên đán nào, số bệnh nhân mắc lao- HIV nhập viện cũng tăng đột biến. Họ vào điều trị nhưng cũng là để tìm sự ấm cúng của mái ấm gia đình”.
Dù chỉ có 10% người nhiễm lao chuyển thành bệnh nhân lao, trong số đó chỉ có những bệnh nhân lao phổi ho khạc ra vi trùng lao mới là nguồn lây bệnh nhưng hiện nay, nhiều trường hợp lao lây nhiễm vẫn không được phát hiện và điều trị kịp thời, trình trạng lao kháng thuốc… làm cho mức độ lây nhiễm lao trong cộng đồng ngày càng tăng. Bệnh nhân lao bỏ điều trị không phải ít và điều đó rất nguy hiểm. Vì thế, nhiều bệnh nhân ở viện đòi về nhà, bệnh viện phải cấp tiền ăn hàng ngày để “dụ” họ ở lại điều trị.
“Nhiều người nghèo, lang thang cơ nhỡ, không có tiền ăn uống để bồi dưỡng sức khỏe tội nghiệp lắm. Nhưng cũng có nhiều người quá quắt, hết lo chuyện tiền nong lại quay sang đòi hỏi này nọ. Những lúc thế này, mình cũng nhẫn nhịn phục vụ” - HL Tuyết tâm sự. Hơn 10 năm trong nghề, chị Tuyết cũng như nhiều HL khác đã từng phải bỏ bát cơm đang ăn dở đi dọn phòng bệnh đầy máu của những bệnh nhân trở nặng. Cũng có HL trẻ mới vào nghề, vừa thấy bệnh nhân ho ra cả bô máu đã “chạy trốn” và bỏ việc luôn từ đó.
Công việc khổ sở, nhưng nguy hiểm hơn là nhân viên y tế ở bệnh viện hầu như đều bị nhiễm lao và có thể trở thành bệnh nhân bất cứ lúc nào. Tôi đã từng có dịp chứng kiến một ca cấp cứu bệnh nhân ở bệnh viện, vào giây phút quyết định nhất, khi ranh giới giữa sự sống và cái chết của bệnh nhân chỉ còn trong gang tấc, các BS, ĐD của bệnh viện đã không kịp mang găng tay, đeo khẩu trang. Ca xuất huyết ồ ạt ấy đã khiến họ không kịp nghĩ cho mình, chỉ đến khi bệnh nhân qua cơn nguy kịch, hồi cứu lại bệnh án từ tuyến dưới chuyển lên, họ mới giật mình khi biết bệnh nhân đó dương tính với… HIV.
|
Xử lý cấp cứu đối với bệnh nhân trở nặng.
|
* Và những nỗi niềm...
Sinh năm 1981, tốt nghiệp Trường Trung học Y tế Bình Định (nay là Trường Cao đẳng Y tế) khá lâu nhưng Thanh Trâm chỉ mới làm việc ở bệnh viện được vài tháng. Lý do rất đơn giản, cô đã làm việc ở khoa hồi sức cấp cứu, BVĐK TP Quy Nhơn được hai năm rưỡi nhưng vì không “có cửa” vào biên chế ở bệnh viện lớn nên Trâm xin xét tuyển về đây.
“Cũng là duyên nợ cả. Lúc trước làm việc ở bệnh viện thành phố, toàn những việc nặng nhọc nên thời gian đầu về đây cũng hơi hụt hẫng. Công việc không nặng, ngày thường làm việc bình thường, đêm trực thì thêm việc nào gói thuốc sẵn, thực hiện y lệnh, tiêm thuốc, đo mạch nhiệt huyết áp, thực hiện y lệnh thuốc bổ sung trong ngày…”. Trâm cho biết trước khi nộp đơn xét tuyển về bệnh viện, cô đã xin “ý kiến”, đồng thời làm công tác tư tưởng với ông xã.
Còn Thảo thừa nhận con đường vào nghề của mình là sự tình cờ. Cách đây 3 năm, khi vừa tốt nghiệp, chị được má xin về bệnh viện. Nhưng bây giờ, Thảo bảo mình đã gắn bó và yêu nghề hơn rồi. “Mỗi bệnh nhân một hoàn cảnh, một số phận, tiếp xúc nhiều với họ càng thương họ hơn”. Chính tình thương ấy đã giúp Thảo và các y BS khác (trong đó có những người còn rất trẻ) vượt lên tất cả, nhiều lần “xông vào” cấp cứu bệnh nhân mà không ngại bệnh nhân đã bị lao kháng thuốc, máu ho ra cả bô, tung tóe trên nền nhà (những trường hợp này mức độ lây lan bệnh rất cao).
|
Chăm sóc bệnh nhân lao ở khoa Điều trị I.
|
Điều kiện làm việc còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, môi trường làm việc độc hại, đầy dẫy nguy cơ nhưng chế độ đãi ngộ cho các y BS ở bệnh viện lại thấp chỉ có tiền lương và chế độ đặc thù 35% lương.
BS Châu Văn Tuấn, Giám đốc bệnh viện, ngậm ngùi: “8 năm rồi, bệnh viện chẳng tuyển được BS nào. Không BS nào mới ra trường muốn gắn “mác” bệnh viện lao, có BS chấp nhận bỏ việc đến bệnh viện khác làm lại từ đầu”. Ông giám đốc nhẩm tính, bệnh viện hiện có 120 giường bệnh nhưng chỉ có… 13 BS. Trong 8 năm số BS bỏ việc đã gần 10 người và hiện trên bàn của ông còn 2, 3 lá đơn xin nghỉ của BS.
Không có nguồn BS, bệnh viện đành lấp chỗ trống bằng cách đào tạo BS hệ chuyên tu từ y sĩ của bệnh viện, ban đầu là động viên, khuyến khích sau là bắt buộc. Chỉ tính riêng năm 2007, bệnh viện đã có 3 y sĩ đi học BS theo dạng này.
Nhưng rồi, như thể tự an ủi mình, ông lại nói: “Phải biết đặt nhiệm vụ công việc lên trên những tình cảm thông thường thì mới tìm thấy niềm vui trong công việc. Tôi cũng thường động viên vợ cố gắng học lấy bằng BS để về phục vụ bệnh nhân”.
|